• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ

Du lịch 26/05/2019 07:15

(Tổ Quốc) - Đây là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, là nơi cư trú của nhiều loại động vật hiếm quý trên bờ, dưới biển.

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư chúc mừng 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009 – 26/5/2019).

Sau 10 năm được UNESCO công nhận, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An đã có bước chuyển mình toàn diện với sự bảo tồn nguyên vẹn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây, nhất là rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ sinh thái rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm, chất lượng môi trường được cải thiện rõ nét, trở thành viên ngọc quý tỏa sáng trong thu hút du khách, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, sinh kế được từng bước chuyển sang phát triển dịch vụ du lịch sinh thái bền vững.

Nhân 10 năm Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu viết về Cù Lao Chàm của Phòng Văn hóa và Thông tin Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ - Ảnh 1.

Một góc đảo Cù Lao Chàm.

Trầm tích văn hóa và dấu ấn lịch sử

Từ xưa, Cù Lao Chàm đã nổi tiếng với nhiều tên gọi khác nhau như Pulaucham, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bút Loa, Tiêm Bích Loa, Đại Chiêm dư (đảo Đại Chiêm)... Càng ngày, những phát hiện từ nguồn tư liệu thư tịch cổ cùng với kết quả nghiên cứu lịch sử, văn học dân gian, khảo cổ học, sinh vật học... càng giúp con người khám phá nhiều điều thú vị và bất ngờ về Cù Lao Chàm. 

Đáng kể là kết quả khai quật khảo cổ học những năm 1998-1999 ở di chỉ Bãi Ông đã cung cấp nhiều hiện vật làm những bằng chứng khẳng định nơi đây từng hiện diện lớp cư dân bản địa thời tiền sử cách ngày nay khoảng hơn 3.000 năm. 

Tại Bãi Làng, các nhà khảo cổ cũng đã khai quật được nhiều mảnh gốm thời Đường (khoảng thế kỷ VII – X), một số mảnh gốm Islam của vùng Trung Cận Đông (khoảng thế kỷ IX - X), nhiều mảnh gốm Chăm, nhiều mảnh của các loại đồ thủy tinh cao cấp có màu sắc rất đẹp, cùng với những hạt chuỗi thủy tinh được chế tác rất tinh xảo. 

Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ - Ảnh 2.

Trên đảo Cù Lao Chàm hiện có nhiều Di tích Quốc gia. Ảnh: Đ.H

Ở ngoài khơi cách Cù Lao Chàm 14 hải lý về phía đông bắc, một cuộc khai quật dưới biển với quy mô chưa từng có trong những năm 1997 - 2000 đã phát hiện hàng trăm nghìn đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn trên một con tàu đắm, niên đại khoảng giữa thế kỷ XV, trong đó có nhiều gốm sứ Chu Đậu - Hải Dương.

Những kết quả khảo cổ nói trên tuy chỉ là bước đầu nhưng cho phép khẳng định quá trình giao lưu, tiếp xúc kinh tế, văn hóa giữa Hội An, Quảng Nam với thế giới bên ngoài đã diễn ra liên tục, mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ, nhiều thời kỳ, từ thời tiền sơ sử đến Champa, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam. Từ xưa, Cù Lao Chàm được hình tượng hoá như người hoa tiêu khổng lồ, như bức bình phong che chắn, "nối nhịp" với Cửa Đại và thương cảng Hội An. Cù Lao Chàm còn được ví như một mắc xích, một đầu mối giao thương và giao lưu văn hóa của "con đường hương liệu", "con đường gốm sứ", "con đường tơ lụa" nổi tiếng.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh trong thời kỳ bành trướng sang Viễn Đông, vào đầu thế kỷ XVII đến nửa thế kỷ XIX, đã nhiều lần người Anh và người Pháp đến nghiên cứu kỹ các điều kiện và xin được mở mang giao thương, muốn các vua chúa nhà Nguyễn nhượng cho Đà Nẵng và Cù lao Chàm để làm đặc khu thương mại và dịch vụ hậu cần hàng hải tầm cỡ quốc tế. Nhưng vì thời thế rối ren cùng với chính sách bế quan tỏa cảng cửa đóng then cài của các vua Triều Nguyễn nên các cuộc thương thuyết đều bất thành. 

Người Anh phải chuyển hướng sang Trung Quốc, gây ra cuộc chiến tranh nha phiến để chiếm Hồng Công suốt 100 năm. Người Pháp sau đó cũng nổ súng tấn công vào Đà Nẵng để mở đầu cho cuộc vũ trang xâm lược Việt Nam, nhưng ý đồ xây dựng Cù lao Chàm thành đặc khu kinh tế biển cũng không thực hiện được do lúc bấy giờ thời cuộc đã đổi thay. Nhắc lại những lỡ vận lịch sử đó để thấy Cù Lao Chàm có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều phương diện.

Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ - Ảnh 3.

Tổ đình nghề yến ở Cù Lao Chàm.

Tài nguyên sinh thái và giá trị nhân văn

Cù Lao Chàm từ lâu đã được các nhà nghiên cứu về du lịch, chuyên gia môi trường, khảo cổ học, lịch sử, văn hóa dành cho sự quan tâm đặc biệt. Đây là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, là nơi cư trú của nhiều loại động vật hiếm quý trên bờ, dưới biển. 

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được công nhận năm 2004 bao gồm các đảo và vùng nước xung quanh, với tổng diện tích 6.719ha, trong đó có khoảng 165ha rạn san hô và 500 ha thảm cỏ biển. Về sinh vật, tại đây đã được xác định có 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh các đảo, quanh các vỉa san hô cứng và mềm phát triển dày đặc…Hệ thực vật Cù Lao Chàm gồm 342 loài có ích, trên 60% trong đó có thể được sử dụng vào các mục đích khác nhau, riêng nhóm cây làm thuốc có 116 loài. 

Năm 2015, có 04 loài cây ở Cù Lao Chàm được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam: 02 loài cây Nánh và cây Kén tại miếu Tổ nghề Yến, 03 cây Ngô đồng đỏ, rặng Ngô đồng đỏ và cây Đa núi cao.

Rừng Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, hàng trăm loài bò sát, ếch nhái. Khỉ đuôi dài và chim yến là các loài quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ động vật Việt Nam. Hòn Lao, nơi có nhiều vách đá thẳng đứng là nơi cư trú và làm tổ của loài yến sào nổi tiếng, là đặc sản xuất khẩu có giá trị của Hội An từ trước đến nay với sản lượng hàng tấn mỗi năm.

Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ - Ảnh 4.

Du khách tham quan đảo Cù Lao Chàm ngày một đông.

Cù Lao Chàm là một cụm 8 hòn đảo: Hòn Lao, Hòn Lụi, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô (gồm Khô Mẹ, Khô Con), Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông. Tên các hòn đảo được đặt theo hình dáng và thảm thực vật để dễ phân biệt; trong đó lớn nhất là Hòn Lao - hòn đảo duy nhất có cư dân sinh sống và được sở hữu những bãi biển thoáng rộng, bằng phẳng, cát trắng mịn màng nằm xen giữa các mỏm đá với những vết bào mòn như nét chạm trổ độc đáo. 

Trong khi đó, những hòn đảo khác quanh năm đá dựng tứ bề và là thế giới của chim muông, hoa cỏ, nhiều bức tranh thiên nhiên kỳ thú được tạo tác bởi các vách đá kỳ vĩ, đa dạng về hình thể gắn với nhiều câu chuyện thần thoại, cổ tích huyền bí. Đặc biệt những hang yến trên quần đảo Cù Lao Chàm là những danh thắng tuyệt vời hiếm có như hang Cả, hang Tò Vò, hàng Khô, hang Tai...

Ngày 26/5/2009, hệ sinh thái Cù lao Chàm – Hội An đã được UNESCO chính thức đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển Thế giới, với 7 tiêu chí theo quy định của Điều 4, Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1995:

Có bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách và kế hoạch thực hiện các chức năng chương tình nghiên cứu, giám sát, giáo dục và đào tạo.

Trên đất Cù Lao Chàm còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn với hơn 20 di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hóa còn được lưu giữ từ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Việt. Trong đó 07 di tích: Lăng Tiền hiền, miếu tổ nghề yến, chùa Hải Tạng, lăng Ông Ngư, giếng xóm Cấm, di chỉ Bãi Làng và di chỉ Bãi Ông đã được công nhận di tích quốc gia. Điều thú vị là vị thiền sư Phật giáo gốc Việt - Minh Châu Hương Hải (1628 - 1715) được xem là người đầu tiên tu học và hành đạo tại Hội An đã đóng thuyền ra đảo Tiêm Bút La (tức Cù Lao Chàm) dựng 3 gian am nhỏ để tu tập và hành đạo gần 10 năm (1655 đến 1665). Trong lĩnh vực ngôn ngữ, một số nhà nghiên cứu cho rằng khá nhiều phương ngữ của người dân Cù Lao Chàm hiện đang sử dụng có âm đọc giống như các từ ngữ trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La do giáo sĩ Alexandre de Rhodes tập hợp biên soạn.

Di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất và con người Cù Lao Chàm cũng hết sức phong phú đa dạng bao gồm phong tục tập quán, tôn giáo - tín ngưỡng, lễ lệ - lễ hội, ẩm thực truyền thống, nghề thủ công, trò chơi dân gian…vừa mang những đặc tính chung của văn hóa dân tộc vừa mang những nét riêng, độc đáo của cư dân vùng biển đảo. Nhưng giá trị nhân văn sâu đậm nhất chính là nếp sống hiền hòa, hiếu khách, đôn hậu, bộ trực nhưng rất trọng nghĩa tình của người dân xã đảo. 

Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ - Ảnh 5.

Bình yên trên đảo Cù Lao Chàm.

Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm đã nêu cao ý chí vươn lên, đoàn kết chung sức chung lòng, miệt mài lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương xứ sở.   

Chính vì vậy, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An còn có ý nghĩa thu hút gấp đôi khi bảo tồn cả tài nguyên thiên nhiên và những giá trị nhân văn. 

Cho đến nay, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An là trường hợp duy nhất trên thế giới Khu dự trữ sinh quyển kết nối cả biển, đảo, rừng, với cửa sông, vùng ngập mặn và Di sản văn hóa Thế giới Khu phố cổ. 

"Cù Lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ" còn ở ý thức và sự chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân cùng nhau giải quyết được bài toán giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái theo h­ướng phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ được tài nguyên rừng, tài nguyên biển, bảo vệ được môi trường sạch sẽ, trong lành. Và điều có ý nghĩa quyết định là giữ gìn được bản sắc văn hóa, lòng hiếu khách, chân tình của cư dân vùng biển đảo.

Hương An

NỔI BẬT TRANG CHỦ