• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục Bản quyền chính thức lên tiếng về vấn đề thu bản quyền âm nhạc qua Tivi khách sạn

29/09/2017 08:38

(Cinet) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải xem xét đã giải quyết được những vướng mắc trước đây chưa để tiếp tục thu tác quyền?

(Cinet) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa chính thức thông báo việc tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng tác quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua tivi tại phòng lưu trú khách sạn, và các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng âm nhạc khác từ quý IV/2017.



Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông  Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. Ảnh: Gia Linh



Thu tác quyền phải đảm bảo sự minh bạch, chính xác



Trước đó, việc VCPMC – đơn vị trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề nghị các khách sạn tại TP Đà Nẵng thực hiện nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao khi sử dụng tác phẩm âm nhạc theo phòng nghỉ khách sạn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ngày 26/5, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL đã làm việc với VPCMC về vấn đề này.



Ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả tác phẩm âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.



Theo quy định của pháp luật, điều 33 Luật sở hữu trí tuệ ghi rõ, việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm hay ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác phải trả một số tiền bản quyền bao gồm tiền bản quyền tác giả và quyền liên quan bao gồm: quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất ghi âm. Nếu những tác giả nào đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì đơn vị này được phép thu tiền tác quyền. Luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực biểu diễn còn liên quan đến quyền của người biểu diễn. Nếu người biểu diễn ủy quyền cho Hội Nghệ sỹ biểu diễn thì đơn vị này có quyền thu phí. Những nhà sản xuất bản ghi âm nếu ủy quyền cho Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam thì nơi này được thu phí.



Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, Cục Bản quyền tác giả đã đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phải thực hiện đúng quy trình và có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm; Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên mình khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn.



Do vậy, Cục Bản quyền tác giả yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng. Sau đó, tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 100/2002/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2011/NĐ-CP.



Đây cũng chính là vẫn đề mấu chốt mà VCPMC phải thực hiện chính xác và minh bạch, công khai trong hoạt động thu tác quyền âm nhạc. Việc này một lần nữa được Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh trong buổi làm việc hôm 18/8.



Cụ thể, trong việc thu tác quyền tại các tivi trong khách sạn, phía VPCMC phải xác định được các tivi trong khách sạn có phát chương trình sử dụng tác phẩm âm nhạc của các tác giả có hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm, thời gian, thời lượng, số lần phát… Đồng thời cũng phải chứng minh được tác giả đó đã uỷ quyền cho đơn vị đi thu tiền…



Bản chất thu tác quyền âm nhạc là quan hệ dân sự

Ảnh minh họa. Nguồn: Nguoiduatin.vn



Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền tác quyền chưa tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật liên quan thời gian qua thể hiện ở bốn điểm.



Thứ nhất, Trung tâm chưa xác định được các tác phẩm đã khai thác, sử dụng của tác giả có hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm. Thứ hai, Trung tâm chưa có căn cứ khoa học rõ ràng, minh bạch khi đưa ra mức thu tác quyền, do vậy cả khi thu được cũng không phân phối chính xác được cho tác giả có tác phẩm được khai thác, sử dụng. Thứ ba, Trung tâm đơn phương đưa ra mức thu; chưa đàm phán thỏa thuận với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm. Và cuối cùng, Quan hệ giữa tác giả và bên khai thác, sử dụng tác phẩm là quan hệ dân sự - ông Hùng cho biết.



Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải xem xét đã giải quyết được những vướng mắc trước đây chưa để tiếp tục thu tác quyền?



Xin nhấn mạnh việc thu tác quyền âm nhạc thực chất là quan hệ dân sự. Điều này có nghĩa rằng việc VCPMC thu bao nhiêu, thu như thế nào, các tổ chức, cá nhân sử dụng có trả hay không, và số tiền thu được có phân phối được đến tác giả hay không là quan hệ dân sự.



Khi nào Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xác định được rõ những vấn đề trên, xây dựng được biểu mức tiền phù hợp với thực tiễn hiện tại và được sự đồng thuận với bên khai thác, sử dụng tác phẩm thì mới tiếp tục thu. Còn nếu hai bên không thỏa thuận được mức tiền quyền tác giả âm nhạc thì có thể kiện ra tòa án để giải quyết.



Bên cạnh đó, chúng ta phải công bằng là bên khai thác, sử dụng tác phẩm với mục đích thương mại phải xác định trách nhiệm và nghĩa vụ hướng tới trả tiền bản quyền. Đây là điều được quy định rõ bởi pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia, Cục trưởng khẳng định.



Ông Hùng cũng mở ra giải pháp là VCPMC xây dựng một danh sách các tác giả và tác phẩm đã ủy quyền và công chứng trong tập danh sách để mang theo khi thương lượng với các đối tác hoăc công bố thông tin các tác giả, tác phẩm đã ủy quyền lên website của mình để công khai, minh bạch.



Ông cũng chia sẻ, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc trích xuất những chương trình phát sóng trên tivi có sử dụng bài hát nào, trên kênh nào, ngày giờ nào và có thuộc ủy quyền của VCPMC hay không là việc có thể thực hiện. Qua đó làm căn cứ thu tiền tác quyền và chia đều cho các tác giả tương ứng với số lần sử dụng các tác phẩm.



Nếu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chưa đáp ứng đủ các yêu cầu mà pháp luật đưa ra, tiếp tục thu mà lại bị các khách sạn phản ứng thì Cục Bản quyền tác giả sẽ phải tiếp tục vào cuộc./.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ