• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc chiến hải cảng: Sóng ngầm dữ dội và thế lực đáng gờm mới tại Trung Đông

Thế giới 06/08/2018 17:38

(Tổ Quốc) - Quyền kiểm soát hải cảng tại vùng Vịnh và vùng Sừng Châu Phi đang cho thấy một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn.

Vài tuần qua đã chứng kiến rất nhiều phát triển mới về chính sách đối ngoại của UAE. Tại Yemen, UAE đang đi đầu trong chiến dịch chiếm lại cảng Hodeidah- hiện đang dưới quyền kiểm soát của lực lượng Houthis.

Hodeidah là một hải cảng chiến lược nơi Houthis tiếp cận nguồn vũ khí và viện trợ nhân đạo, và cũng là điểm nút quan trọng mở ra Biển Đỏ và eo biển Bab el Mandeb, nơi 4,8 triệu thùng dầu và 8% vận chuyển thương mại toàn cầu đi qua mỗi ngày.

Trên một bờ biển khác của Biển Đỏ, UAE cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hai đối thủ 20 năm Eritrea và Ethiopia tiếp xúc với nhau. Vào ngày 24/7, một vài tuần sau khi hai nước này ký thỏa thuận hòa bình, Abu Dhabi đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với hai nhà lãnh đạo Eritrea và Ethiopia để tái khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực hòa bình chung.

Đối với UAE, sự ổn định của các đối tác quan trọng này có thể mang lại lợi thế chiến lược, bao gồm việc tăng cường ảnh hưởng vững chắc của nước này đối với các cảng biển ở vùng Sừng châu Phi.

Eritrea đã cho phép UAE mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại cảng Assab của nước này từ năm 2015. Và có nhiều thông tin cho thấy, Ethiopia cũng có kế hoạch sử dụng cảng này, có thể sẽ được tập đoàn Dubai Ports World phát triển, để giảm sự phụ thuộc vào cảng Djibouti.

Trong một động thái khác, UAE cuối tháng 8 cũng đã tiếp đón  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký kết các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác về dự án Con đường tơ lụa trên biển- điều sẽ giúp cả hai nước vươn tới khắp các hải cảng khu vực.

Cảng Jebel Ali của UAE đang có vai trò quan trọng trong khu vực.

Những phát triển liên tiếp này đánh dấu các bước đi xa hơn trong việc mở rộng ảnh hưởng hàng hải nhanh chóng của UAE ở Tây Ấn Độ Dương và hướng tới hình thành một chiến lược ngoại giao ngày càng tinh vi nhằm đạt được những tham vọng tại khu vực. Điều này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh khu vực giữa các quốc gia vùng Vịnh, ngay tại vùng Vịnh và vùng Sừng Châu Phi, và cả những thế lực khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng. Cuộc cạnh tranh này nhằm kiểm soát các cảng chiến lược và các tuyến hàng hải – đặc trưng cho một đấu trường mới và có thể rơi vào tình trạng bất ổn khi các đối thủ trong khu vực tăng cường sự cạnh tranh.

Hướng tới sự xuất hiện của một đế chế hàng hải UAE?

Dựa trên sự hiện diện lâu dài ở Biển Đỏ, UAE đã sử dụng tập đoàn nhà nước DP World như một công cụ ngoại giao và thương mại quan trọng, cho phép nước này tiến hành các thỏa thuận thương mại và kinh tế với các cảng ở vùng Sừng Châu Phi. Điều này đã dẫn đến một chuỗi các cảng mà UAE có ảnh hưởng - chạy từ Assab ở Eritrea, đến Djibouti, Berbera ở Somaliland, Bosaso ở Puntland, Barawe ở Somalia và Kismayo ở miền nam Somalia. Ở phía bên kia của Biển Đỏ, phía nam và phía tây Yemen, sự can thiệp của UAE chống lại Houthis và Al Qaida đã mở cửa cho nước này mở rộng ảnh hưởng tại các cảng địa phương như Mukalla, Bir'Ali, Balhaf, Aden, al-Mokha, và bây giờ là Al Hodeidah.

Trong một vài năm nay, UAE cũng đã sử dụng sự hiện diện tại các cảng nước ngoài như là một bệ phóng mà từ đó họ có thể đưa sức mạnh quân sự của mình vào khu vực. Sau khi mối quan hệ với Djibouti suy giảm, UAE đã thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại cảng Assab của Eritrea vào năm 2015- nơi đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi việc phong tỏa Yemen và phối hợp với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu thực hiện các cuộc không kích chống lại Houthis ở Yemen. UAE cũng đang phát triển một căn cứ hải quân và không quân ở Berbara (Somaliland), và thắt chặt hợp tác quân sự với Seychelles.

Các nỗ lực của UAE tập trung chủ yếu vào các cảng Biển Đỏ và Tây Ấn Độ Dương- những nơi chiếm một vị trí chiến lược ở ngã tư các tuyến thương mại nối châu Âu, châu Phi và châu Á. Khi Iran đe dọa hạn chế các nước tiếp cận eo biển Hormuz, việc duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Bab el Mandeb là rất quan trọng đối với UAE. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, UAE đang mong muốn đưa mình trở thành một yếu tố quan trọng trong Chiến lược Nhất đới nhất lộ (BRI) của Trung Quốc, mà vùng Vịnh và Ấn Độ Dương đóng vai trò chiến lược. Vào thời điểm các nước vùng Vịnh đang cố gắng đa dạng hoá nền kinh tế, đầu tư vào châu Á và tìm cách định vị bản thân trên các tuyến thương mại toàn cầu, thì đây chính là những cơ hội quan trọng cho nền kinh tế hậu dầu mỏ của UAE.

Trận chiến hải cảng là tâm điểm của các đối thủ Vịnh

Cảng Jebel Ali của UAE mang lại một phần tư GDP của Dubai và hiện tại đang là cảng container lớn nhất trong khu vực, với sức tải tăng 1/3 so với năm 2015, sức chứa đạt khoảng 20 triệu TEU. Trong khi UAE hiện là cường quốc hàng hải chủ động và mở rộng nhanh nhất trong khu vực, thì đây không phải là nước duy nhất, và các nước vùng Vịnh khác cũng đã đầu tư mạnh vào việc phát triển các cảng và cơ sở hạ tầng hậu cần riêng của mình.

Các cảng Vua  Abdullah và Jeddah của Saudi cũng đang có kế hoạch tăng gần gấp đôi công suất của họ trong những năm tới. Một kế hoạch kết nối các cảng này trên Biển Đỏ với thành phố Dammam trên Vịnh Ba Tư thông qua các đường ống và mạng lưới đường sắt mới sẽ cắt giảm đáng kể hành trình, tạo cho họ một lợi thế cạnh tranh. Oman cũng đang cố gắng tận dụng vị trí chiến lược của mình trên Ấn Độ Dương- đang cho phép họ vượt qua eo biển Hormuz, bằng cách nâng cấp các cảng ở Sohar, Salalah và Duqm.

Trên bờ đối diện của vùng Vịnh, Iran đang tìm cách thu hút đầu tư của Trung Quốc và Ấn Độ để phát triển cảng tại Chabahar, kết nối với Trung Á qua hệ thống đường sắt. Tuy nhiên, việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt có thể hạn chế tham vọng của Tehran. Còn Qatar cũng đã mở hai tuyến vận tải mới từ cảng Hamad tới Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Vào tháng 9/2017. Trong khi điều này chủ yếu xuất phát từ việc đối phó với lệnh phong tỏa mà UAE-Saudi nhằm vào họ, thì cảng Hamad cũng có thể trở thành một sự thay thế đáng tin cậy đối với cảng Jebel Ali của UAE.

Nhưng quyền kiểm soát hải cảng tự bản thân nó cũng đã là một vấn đề chính trị. Việc Qatar bị phong tỏa đã chứng minh cách sự phụ thuộc lẫn nhau và kết nối với nhau có thể được sử dụng như một công cụ gây sức ép chính trị.

 Các nước vùng Vịnh đang nhận thức sâu sắc về rủi ro này và đang cố gắng đa dạng hóa và cân bằng lại các tuyến thương mại và hàng hải xuyên biên giới. Như đã đề cập ở trên, khi không thể sử dụng Jebel Ali, Qatar đã chuyển sang các tuyến đường từ các cảng khu vực khác như Sohar ở Oman và Shuwakin ở Kuwait. Qatar cũng đã ký một quan hệ đối tác vận tải với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục giúp đỡ nước này vượt qua phong tỏa.

Tương tự, Oman cũng đã vạch chương trình phát triển các cảng tại Sohar và Duqm, và tăng cường hợp tác với Qatar, như một phương tiện để giảm bớt sự dễ bị tổn thương của mình trước áp lực chính trị từ Ả Rập Saudi và UAE khi Oman tiếp tục quan hệ với Iran.

Ngay cả những đồng minh thân cận như Saudi Arabia và UAE đều tỏ ra thận trọng với nhau. Saudi đầu tư vào cảng Duqm của Oman và các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy kết nối song phương nhằm giảm sự phụ thuộc vào các cảng của UAE và giảm thế độc quyền của các Tiểu vương quốc tại các tuyến thương mại vùng Vịnh.

Cạnh tranh về các tuyến thương mại hàng hải không chỉ giới hạn ở các cảng nội địa. Tương tự như UAE, các cường quốc khu vực khác cũng đang phát triển sự hiện diện của họ tại các cảng và các nút giao hàng hải rải rác khắp khu vực, sử dụng những nơi này để xây dựng ảnh hưởng rộng lớn hơn. Nhưng khi những cường quốc này mở rộng ra ngoài khu vực, yếu tố địa chính trị chiếm vai trò quan trọng hơn là mục tiêu kinh tế thuần túy.

Quân sự hóa Sừng châu Phi và Biển Đỏ

Vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ đang phải chịu mức độ quân sự hóa cao do một thế trận phức tạp của các đối thủ trong khu vực liên quan đến Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Iran và Ai Cập. Ngoài việc là những nhà tài trợ quan trọng cho vùng Sừng châu Phi, những nước này đã tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đỏ. Bên cạnh căn cứ của Saudi ở Djibouti, và căn cứ của UAE ở Eritrea và Somalia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trong quá trình mở căn cứ tại Mogadishu và Suakin (Sudan), Iran đang tiến hành các hoạt động chống cướp biển ở Biển Đỏ, và có tin đồn rằng Ai Cập đang đàm phán để mở căn cứ ở Eritrea.

Các cường quốc khu vực này cũng đang gây ảnh hưởng giữa bất ổn ở  phía đông châu Phi để đối trọng ảnh hưởng với nhau. Ví dụ ở Somalia, Ankara và Abu Dhabi đang ủng hộ các bên đối lập nhau nhằm mở rộng sự gia tăng ảnh hưởng của mình.

 Cộng đồng quốc tế đang lo ngại rằng sự cạnh tranh giữa vùng Vịnh-Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia tăng mất ổn định tại một khu vực vốn đã nhiều biến động.

Đặc biệt, người châu Âu có ảnh hưởng chiến lược lớn ở vùng Sừng Châu Phi và phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến thương mại hàng hải đi qua eo biển Hormuz và Kênh đào Suez, nhìn nhận sự cạnh tranh quyền lực khu vực này với rất nhiều mối quan tâm. Tuy nhiên, việc Eritrea-Ethiopia hướng tới hòa bình cho thấy UAE đang sẵn sàng định vị mình như một nhà môi giới hòa bình và ổn định trong khu vực. Những diễn biến tương lai sẽ cho chúng ta biết liệu sự kết nối và phụ thuộc kinh tế sẽ đóng vai trò là yếu tố xung đột hay là yếu tố hòa bình trong khu vực, nhưng chắc chắn rằng, Biển Đỏ và các tuyến hàng hải khu vực sẽ là đấu trường mới cho cuộc cạnh tranh quyền lực tại đây.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ