• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc chiến khốc liệt Mỹ-Trung giành ưu thế kinh tế thế kỷ 21 bắt đầu

Thế giới 13/05/2018 21:12

(Tổ Quốc) - Mỹ-Trung bước vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh thương mại.

Dư luận quốc tế khi nhắc đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay thường kiêng kỵ 4 chữ “chiến tranh thương mại”. Nhưng các thành tố của một cuộc chiến ấy đã được kích hoạt. Nó có thể kéo dài một số năm.

Mục tiêu chính của chính quyền Trump là kiềm chế Trung Quốc, được Chiến lược An ninh Quốc gia công bố tháng 12/2017 xác định là “quốc gia xét lại” và “đối thủ cạnh tranh chiến lược” số I của Mỹ. Từ đó, Mỹ đã đưa ra các đấu pháp trên các lĩnh vực ngoại giao (tập hợp lực lượng, hô hào “mối đe dọa Trung Quốc”), quân sự (tăng ngân sách quốc phòng, tái bố trí bình lực trên vòng cung Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chạy đua phát triển vũ khí hiện đại). Đấu tranh thương mại chỉ là một phần của chủ trương kiềm chế Trung Quốc.

Trong chiến tranh thương mại, Mỹ nêu mục tiêu Trung Quốc giảm thâm hụt thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020. Nội dung chính là ép Trung Quốc mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ, chèn ép sự phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc, trước hết là cản trở  triển khai “Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025”, trong đó, Trung Quốc chuyển biến từ “sản xuất tại Trung Quốc” thành “phát minh tại Trung Quốc”.

Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng qua các năm.

Trong tập hợp lực lượng kinh tế để ép Trung Quốc, các nước đồng minh truyền thống của Mỹ bất đồng với các biện pháp cứng rắn bảo hộ mậu dịch, nhưng hiệp đồng nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển công nghệ cao và cái gọi là “ăn cắp sở hữu trí tuệ”.

Trung Quốc là một đối thủ mạnh. Nếu Mỹ phát động một cuộc chiến thương mại quyết liệt, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trả đũa, gây tổn thương cho Mỹ. Tất nhiên, phía Trung Quốc cũng thiệt hại, không những về kinh tế, mà gây xáo trộn nhất định cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình đến năm 2020 và 2035. Trung Quốc phải hóa giải không chỉ cuộc chiến thương mại, tính ra, có thể làm giảm 1% tăng trưởng GDP; quan trọng hơn là phá cục diện có thể xuất hiện nhằm kiềm chế Trung Quốc dưới dạng thức một cuộc “Chiến tranh lạnh mới”.

Cho nên, Trung Quốc tạm hòa hoãn mối căng thẳng do chính quyền Trump gây ra, “câu giờ”, nhằm chờ đợi sự xuất hiện một chính quyền mới ở Mỹ ít quyết liệt hơn Trump.

Kế hoãn binh của Trung Quốc thể hiện qua phát biểu 40 phút của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao (Hải Nam), ngày 10/4.

Tại đây, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố 4 hành động lớn trong mở cửa Trung Quốc. Một là, nới lỏng ở mức độ lớn cho phép vào thị trường, như nới lỏng quy định hạn chế tỷ lệ cổ phần vốn đầu tư  nước ngoài trong ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm… Hai là, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, tăng cường kết nối với quy tắc thương mại quốc tế WTO, tăng cường minh bạch, kiên trì làm việc theo pháp luật, khuyến khích cạnh tranh, phản đối độc quyền… Ba là, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như cơ cấu lại Cục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhà nước, hoàn thiện lực lực thực thi pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc… Bốn là, mở rộng nhập khẩu. Trung Quốc không lấy theo đuổi thặng dư thương mại làm mục tiêu, cân bằng thu chi thường xuyên, trong năm nay sẽ điều chỉnh hạ thấp ở mức tương đối thuế quan nhập khẩu ô tô và một số mặt hàng khác.

Đồng thời, ông Tập cũng răn đe Mỹ, dù không nêu đích danh, rằng, những ai theo đuổi tư duy chiến tranh lạnh, bảo hộ mậu dịch, sẽ bị cô lập.

4 biện pháp dường như đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, nhưng được xác định là mở cửa toàn cầu. Cũng có những bình luận cho rằng bài phát biểu ở Bác Ngao là để “dập lửa” trong chiến tranh thương mại với Mỹ, mà không đưa ra những biện pháp nhượng bộ cụ thể với Mỹ.

Phía Mỹ hoan nghênh những cam kết của Trung Quốc ở Bác Ngao, nhưng cho biết, Mỹ chờ đợi những biện pháp cụ thể. Hai bên đã thực hiện một số biện pháp “ăn miếng trả miếng”, có cái là thực, có cái là để phục vụ tuyên truyền đối nội.

Trong hơn một tháng qua, sau khi đưa ra những lời lẽ cứng rắn, nhưng Mỹ và Trung Quốc rốt cuộc đã khởi động đàm phán về những vấn đề  kinh tế gây tranh cãi. Trong tháng 5, diễn ra hai vòng đàm phán: Bộ trưởng Tài chính Mỹ  Steven Mnuchin sang Bắc Kinh đàm phán 2 ngày; kết quả không được công bố. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Lưu Hạc – cố vấn kinh tế chủ chốt của Chủ tịch Tập Cận Bình – tới Mỹ tiếp tục cuộc thảo luận. Trung Quốc muốn Mỹ ngừng điều tra việc doanh nghiệp Trung Quốc  mua lại những công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng cũng nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc.

Washington và Bắc Kinh đang tìm kiếm vài điểm chung, song cả hai đều coi đây là cuộc chiến giành ưu thế kinh tế trong thế kỷ 21. Vì vậy sẽ khốc liệt./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ