• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc gặp Tổng thống Trump -Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina: Mỹ thắng điểm; Trung Quốc lùi bước

Thế giới 03/12/2018 08:09

(Tổ Quốc) - Washington và Bắc Kinh thỏa thuận "đình chiến" thương mại trong 90 ngày, nhưng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn.

Tràng vỗ tay khi kết thúc bữa cơm tối làm việc giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị cấp cao G-20 tại Buenos Aires (Argentina) cho thấy đôi bên tỏ ra hài lòng "đình chiến" đối đầu thương mại Mỹ-Trung. Nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ "xuống thang" trong đối đầu chiến lược trên các trận tuyến.

Trung Quốc nhượng bộ để có "hưu chiến"

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận về việc ngừng đánh thêm thuế vào tháng 1/2019. Ông Trump và ông Tập đã trao đổi một cách "hữu nghị và thẳng thắn" và đạt sự "đồng thuận quan trọng", với việc Trung Quốc đồng ý mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Hai bên nhất trí mở cửa thị trường hơn nữa và Trung Quốc đồng ý giải quyết các mối quan ngại của giới doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Trung Quốc.

Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, "Hai bên đồng ý bắt đầu tiến hành đàm phán ngay về các thay đổi cơ cấu liên quan chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tài sản trí tuệ, các hàng rào phi quan thuế, xâm nhập điện từ và ăn cắp điện tử, dịch vụ và nông nghiệp. Cả hai bên đồng ý sẽ nỗ lực để cuộc thương lượng này hoàn thành trong 90 ngày. Nếu cuối thời hạn này mà hai bên không đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ nâng lên 25%". Như một phần của thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua "một khối lượng rất đáng kể sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, và các sản phẩm khác của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp của các nhà nông chúng ta ngay lập tức".

Trược cuộc gặp, ông Trump hy vọng sẽ đạt được "điều gì đó tuyệt vời" về thương mại cho cả hai nước: "Chúng tôi sẽ thảo luận về thương mại và tôi nghĩ rằng vào một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ kết thúc với những gì tốt đẹp cho Trung Quốc và Mỹ". Ông Trump cũng nhấn mạnh "mối quan hệ diệu kỳ" giữa ông và ông Tập sẽ là "lý do chính" để họ đạt được những tiến bộ về thương mại.

Cuộc gặp Tổng thống Trump -Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina: Mỹ thắng điểm; Trung Quốc lùi bước - Ảnh 1.

Tại cuộc gặp bên lề G-20 ở Buenos Aires, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa hiệp tạm thời - trong thời hạn 90 ngày dàn xếp các bất đồng thương mại.

Trong khi đó, ông Tập nhấn mạnh, "Hợp tác là lựa chọn tốt nhất cho cả hai nước. Tôi muốn tận dụng cơ hội tối nay để trao đổi quan điểm với ngài tổng thống về nhiều mối quan ngại chung và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ Trung - Mỹ".

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau hàng loạt nỗ lực đàm phán thương mại cấp cao của hai nước trong khoảng một tháng qua. Ê-kíp đàm phán đã đến Buenos Aires từ mấy ngày trước để chuẩn bị nội dung cuộc gặp.

Cuộc cạnh tranh chiến lược chưa kết thúc

Từ giữa năm 2018, Mỹ liên tiếp tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; Trung Quốc trả đũa 110 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng khả quan, kinh tế Trung Quốc bắt đầu chịu áp lực của đòn trừng phạt thương mại, với việc hàng loạt xí nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, đồng NDT mất giá, thị trường chứng khoán không ổn định, tăng trưởng kinh tế sụt giảm và dự báo còn 6,2% vào năm 2019 - mức thấp nhất từ hai thập kỷ qua. Tuy các phát ngôn của chính quyền Bắc Kinh tỏ ra cứng cỏi, dư luận trong nước đã phê phán ban lãnh đạo không đánh giá đúng sự chuyển hướng chính sách của chính quyền Trump, quá tự phụ và tự tin khi đề ra chiến lược phát triển quốc gia, mục tiêu đối ngoại và đối sách với chính quyền Trump…

Cuộc gặp tại Buenos Aires là lần đầu tiên hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump chính thức họp mặt kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Ông Trump đã không đến APEC-2018 tại Papua New Guinea. Ông Tập đã có một bài phát biểu phê phán chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và phái đoàn Trung Quốc đã rời cuộc họp khi Phó Tổng thống Pence phát biểu bảo vệ lập trường của Mỹ, phê phán chủ nghĩa bảo hộ trá hình của Trung Quốc và cảnh báo Washington sẵn sàng áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả, Cấp cao APEC-2018 lần đầu tiên từ khi tổ chức này thành lập đã không ra được tuyên bố chung.

Ba ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Buenos Aires, Mỹ cử hai chiến hạm di chuyển qua eo biển Đài Loan và là lần thứ ba trong năm 2018 Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển nằm giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan, một hành động khiêu khích và gây áp lực lớn đối với Trung Quốc.

Nếu mục tiêu của Mỹ chỉ là xác lập sự cân bằng thương mại và giành thêm lợi thế cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc thì thỏa thuận "đình chiến" lần này có thể khiến Bắc Kinh thở phào nhẹ nhõm. Nhưng kể từ Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) công bố một năm trước đây, Mỹ đã xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số I, đe dọa vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Cuộc đối đầu Mỹ-Trung diễn ra trên nhiều trận tuyến: Chiến tranh thương mại, Biển Đông, Đài Loan, khơi dậy vấn đề nhân quyền, đặc biệt là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ. Mỹ xác định, bây giờ là thời điểm để kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trước khi quá muộn.

Thỏa thuận nguyên tắc tại Buenos Aires có thể chỉ là một sự "hưu chiến". Mà ngay cả như vậy, cuộc mặc cả sẽ còn tiếp diễn không dễ dàng. Mỹ lần này tỏ ra ở thế thượng phong và sẽ không để Trung Quốc tiếp tục hứa suông. Mà Trung Quốc có lẽ cũng không bỏ lỡ thời điểm 90 ngày như từng diễn ra hồi tháng 6/2017. Những cuộc mặc cả sắp tới có thể kèm "cho và nhận" đối với cả những vấn đề chiến lược./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ