• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng: “Nóng” ô nhiễm môi trường tại KCN và bãi rác Khánh Sơn

Thời sự 16/05/2018 08:58

(Tổ Quốc) - Tại Chương trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) với cử tri lần thứ 3 diễn ra vào ngày 15/5, vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều cử tri đề cập tới; trong đó, ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu và bãi rác Khánh Sơn.

Theo cử tri Phạm Bá An (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng): Khu Công nghiệp Liên Chiểu có nhiều nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng như nhà máy xi măng, nhà máy thép, giấy…Cử tri nơi đây đã nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết.

“Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố có sự quan tâm, làm như thế nào đó để hạn chế và chấm dứt tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy gây ra. Chưa có lãnh đạo cao nhất thành phố về nghe dân nói và nói cho dân nghe về tình trạng ô nhiễm này. Vừa qua, dân chúng tôi lại nghe tin chuẩn bị có kho xăng dầu được đưa về đây nữa, dân rất lo về ô nhiễm…”, ông Phạm Bá An nói.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Văn Thanh (cử tri phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) thì kiến nghị ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn. Theo ông Thanh, trước đây nghe lãnh đạo thành phố nói đến năm 2019 thì sẽ chuyển bãi rác Khánh Sơn đi nơi khác, hiện người dân nơi đây rất mong chờ điều đó.

“Địa bàn phường chúng tôi có tuyến đường du lịch đi qua nhưng vẫn còn đó có bãi rác ô nhiễm. Chúng tôi mong thành phố di dời bãi rác đi nơi khác đúng như cam kết và sau khi di dời cần có biện pháp xử lý như thế nào đó để cho hết ô nhiễm”, cử tri Thanh nói.

 Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 3. Ảnh: Đức Hoàng
Cử tri phát biểu tại Chương trình HĐND với cử tri. Ảnh: Đức Hoàng

Những phản ánh trên của cử tri, theo ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng là đúng. Ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc đối với thành phố. Chúng ta chưa có tầm nhìn chiến lược, bất cập trong quy hoạch, mới chỉ giải quyết thời vụ.

Trong lúc đó, theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng Ban đô thị, HĐND TP Đà Nẵng thì đề nghị xem xét lại việc khi cấp phép xây dựng cho các nhà máy này đã có đánh giá tác động môi trường chưa? Cần nghiên cứu giải quyết vấn đề ô nhiễm, quy hoạch làm nghiêm túc chứ không phải cứ đổ lỗi cho vấn đề lịch sử để lại.

Trả lời những kiến nghị của cử tri, theo giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng, vấn đề ô nhiễm môi trường ở KCN Liên Chiểu cần có biện pháp, kế hoạch và lộ trình xử lý. Hiện có một số nhà máy nằm cách khu dân cư khoảng 100m, ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi. Giải pháp tạm thời thành phố đã chỉ đạo việc làm các tuyến đường bê tông, trồng cây cách ly han chế khói bụi, kênh thoát nước; đồng thời yêu cầu các danh nghiệp lắp đặt máy quan trắc môi trường, thực hiện các giải pháp thay đổi công nghệ nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm.

Về lâu dài, thành phố đang xem xét điều chỉnh quy hoạch chung, cũng như quy hoạch các khu công nghiệp, theo hướng bền vững, ưu tiên cho các dự án sản xuất công nghệ cao, không ô nhiễm, di dời các nhà máy xí nghiệp ô nhiễm.

Bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: Đ.H

Theo lãnh đạo Ban QL các KCN&CX thành phố cho rằng trước mắt, để hạn chế ô nhiễm môi trường do các nhà máy gây ra, yêu cầu trồng thêm cây xanh, xây cao tường rào…Về lâu dài thì cần rà soát lại và có lộ trình đề xuất, thu hồi. Đặc biệt phải đổi mới công nghệ để hạn chế ô nhiễm.

Nói về ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết ô nhiễm môi trường là do nước rỉ thải, hệ thống xử lý xây dựng trước đây đã xuống cấp. Theo thiết kế ban đầu thì đến năm 2022 mới đóng cửa bãi rác này. Sau khi đóng cửa thì sẽ tiến hành xã hội hóa việc xử lý bãi rác.

“Về lâu dài sẽ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, làm xong khu này sẽ đóng cửa, di dời bãi rác Khánh Sơn. Trước mắt thành phố sẽ nâng chiều cao các hộc chôn lấp và sử dụng 5 héc-ta đất dự phòng bên cạnh để chôn lấp, xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn…”, ông Nam cho biết.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Để giải toả bức xúc của người dân, trong ngắn hạn, Sở TN&MT và các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc các nhà máy, chủ đầu tư vi phạm những vấn đề về môi trường. Còn trong dài hạn, chúng tôi đã có chỉ đạo, tiến hành quy hoạch, điều chỉnh. Theo đó những khu đất nào chưa bố trí thì ưu tiên trồng cây xanh và quản lý nghiêm ngặt không cho bố trí những nhà máy gây ô nhiễm tương tự như vậy nữa”.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ