• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: "Sạch sẽ lắm!"

(Tổ Quốc) - Nếu vài năm trở lại trước, người dân ở TP.HCM đỏ mắt mới tìm thấy nhà vệ sinh công cộng, lại phải tốn phí sử dụng thì hiện nay, nhiều mô hình nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) miễn phí đã ra đời, chất lượng cũng được nâng lên đáng kể khiến người dân hài lòng.

NVS công cộng đầu tiên đạt tiêu chuẩn ASEAN

Sau Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2017, tăng mức phạt tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định lên từ 1 đến 3 triệu đồng, trước nhu cầu của người dân, những năm trở lại đây, nhiều mô hình NVSCC đã ra đời.

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 1.

Đây là mô hình NVS công cộng đầu tiên đạt tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN, không cần chạm tay, hợp vệ sinh, ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh vừa được đưa vào sử dụng tại TP.HCM.

Mới nhất, dự án nhà vệ sinh công cộng kết hợp ki ốt kinh doanh do UBND quận 3 phối hợp Công ty cổ phần môi trường Tiên Phong thực hiện vào cuối tháng 5/2020 đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho người dân TP.HCM.

NVS có 3 khay đựng xà phòng, nước rửa tay và máy làm khô tay. Người dùng chỉ cần đưa tay đến vị trí các khay, thiết bị sẽ tự động phục vụ.

Cụ thể, sẽ có 372 NVS công nghệ hiện đại đạt chuẩn APTS (Asean Public Toilet Standard) được lắp đặt tại điểm đông dân cư, du lịch, nhà chờ xe buýt... để phục vụ miễn phí người dân. NVS này làm bằng thép inox, diện tích 7-10 m2, chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng, bên cạnh là ki ốt bán hàng giúp doanh nghiệp thu hồi vốn.

Theo ghi nhận của chúng tôi trên tuyến đường Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM), 2 NVS công cộng được lắp đặt gần trạm chờ xe buýt Bến Thành đã phần nào giúp người dân thuận tiện hơn trong việc sử dụng. 

Bảng hướng dẫn sử dụng được dán trong NVS, nếu không hài lòng, người dân có thể đánh giá ngay sau khi sử dụng.

"Đâu phải công cộng thì muốn làm gì làm, phải giữ gìn cho cộng đồng chớ"

Làm công việc thời vụ tại khu vực quận 1, chị Nguyễn Thị Kim Loan (49 tuổi) cho biết từ khi các NVS công cộng mới ra đời, chị vô cùng hài lòng khi không phải tốn phí vẫn được sử dụng. "NVS sạch sẽ lắm, mình cũng không gặp bất tiện gì, chị chỉ đi NVS ở quận 1 thôi chứ các quận khác thì ít. Cũng mong ngày càng có thêm nhiều NVS sạch sẽ như này nữa để mọi người không còn ái ngại khi có nhu cầu", chị Loan nói.

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 4.

Chị Loan cho biết rất hài lòng với các mô hình NVS công cộng ở quận 1, giúp những người lao động như chị Loan có chỗ sạch sẽ để giải quyết khi có nhu cầu.

Đồng quan điểm với chị Loan, cô Tư (55 tuổi, ngụ quận 4), hiện đang buôn bán tại công viên 23/9 cho biết NVS được đặt tại công viên này rất sạch sẽ, lại được nhân viên lau chùi, quét dọn khiến cô cảm thấy hài lòng.

"Trước kia có nhiều NVS rất dơ, giờ thì đỡ lắm rồi, ở đây nhân viên còn rất tốt nữa, họ cũng vui vẻ. Có mấy người đi dơ bẩn quá thì nhân viên mới nói thôi. Như cô thấy ai đi mà bừa bãi, thiếu ý thức thì cô cũng nói, đâu phải NVS công cộng là muốn làm gì làm, mình phải biết giữ gìn để cộng đồng sử dụng chung chớ", cô Tư nói.

Hệ thống NVS công cộng của một ngân hàng được đặt tại công viên 23/9, bên trong NVS rất sạch sẽ, thường xuyên được nhân viên lau dọn.

Đa phần những người được hỏi đều cho biết họ cảm thấy hài lòng với chất lượng NVS công cộng hiện này, tuy nhiên việc ý thức của chính những người sử dụng NVS công cộng vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 6.

Cô Tư vui vẻ khi không còn sợ đi tìm NVS nữa, đồng thời cô cũng mong mọi người có ý thức giữ gìn hơn khi sử dụng.

"Nhiều người rất kỳ cục, đi vô đó sử dụng rồi làm tung tóe cả lên, giấy vứt bừa bãi, nhân viên họ dọn 1 ngày không biết bao nhiêu lần. Đã đi rồi mà không biết giữ, mình phải là người có ý thức chứ, sao lại hành xử như thế được. Ai không dám nói chứ cô là cô nói hết, mong rằng mọi người nên ý thức hơn", cô Tư vui vẻ chia sẻ.

Các NVS được đặt ở quận 1 đều hoàn toàn miễn phí, ở các công viên, trạm xe buýt nên dễ dàng tìm thấy.

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 8.

Chú Hải (70 tuổi) cho biết ở các khu vực khác, NVS công cộng chưa có nhiều như quận 1 nên việc giải quyết nhu cầu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là với những người chạy xe ôm.

Bên cạnh những ý kiến hài lòng về chất lượng NVS công cộng như hiện nay, một số bạn trẻ lại cho rằng vẫn còn cần cải thiện nhiều hơn nữa mới dám an tâm sử dụng.

Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Phước Đạt (22 tuổi) cho biết thỉnh thoảng bạn có sử dụng NVS công cộng, tuy nhiên không phải nơi nào cũng được sạch sẽ, gọn gàng. "Có nơi thì rất sạch, nhưng có nơi mùi khai vẫn còn ám lại. Thường thì các quận khác mình thấy rất ít NVS công cộng, khó tìm, còn ở quận 1 như phố đi bộ, công viên thì dễ dàng hơn. Mong rằng có một biện pháp nào đó để mọi người có ý thức giữ gìn NVS công cộng sạch sẽ hơn", Đạt chia sẻ.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, hệ thống NVS công cộng được hoạt động theo những khung giờ nhất định, người dân dễ dàng sử dụng.

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 10.

Đạt cho biết có nhiều NVS công cộng vẫn còn ám mùi lại, việc này xuất phát từ ý thức của những người sử dụng.

Với các bạn nam, việc sử dụng NVS công cộng thường dễ dàng hơn so với các bạn nữ, không ít những bạn nữ dù có nhu cầu như vẫn cố nhịn vì còn lo ngại NVS công cộng. Là một học sinh trên địa bàn TP.HCM, Thảo cùng hội bạn thân cho biết rất ít khi sử dụng NVS công cộng.

Lý do Thảo đưa ra là em cảm thấy khá e ngại vì NVS công cộng không được sạch sẽ, đôi khi lại thiếu an toàn. "Nếu bí bách quá thì em mới sử dụng thôi" - Thảo nói.

Thảo cùng nhóm bạn thân còn khá e ngại khi sử dụng NVS công cộng, em cũng mong rằng chất lượng của NVS sẽ ngày một cải thiện hơn.

Hi vọng trong thời gian sắp tới, NVS công cộng miễn phí, hiện đại sẽ được phổ biến hơn ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc cho ra đời các NVS hiện đại, phù hợp cảnh quan đô thị sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch. 

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 12.

Bên trong NVS công cộng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ khá sạch sẽ.

NVS còn lắp đặt cả máy lạnh để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Trước kia, những mô hình NVS truyền thống xuống cấp, hư hỏng luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân khi có nhu cầu thì tin rằng với những mô hình mới như hiện tại, người dân TP.HCM sẽ an tâm, thoải mái hơn khi sử dụng. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức giữ gìn NVS công cộng cũng là một vấn đề nan giải cần được giải quyết.

Đã qua cái thời chật chội bốc mùi, đây là câu trả lời của người Sài Gòn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng: Sạch sẽ lắm! - Ảnh 14.

Mô hình NVS công cộng ASEAN có công nghệ hiện đại đang được đánh giá cao khi đem lại nhiều lợi ích cho người dân, phù hợp với cảnh quan đô thị.

Đề xuất làm gần 1.500 nhà vệ sinh công cộng

Ngày 5/7/2020, Sở TN&MT TP.HCM có văn bản báo cáo UBND TP một số nội dung về đề xuất đầu tư nhà vệ sinh, thùng rác công cộng trên địa bàn của các nhà đầu tư.

Theo đó, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sunwon có đề xuất đầu tư 1.000 NVSCC theo hình thức xã hội hóa. Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong thì đề xuất đầu tư khoảng 481 tổ hợp cabin vệ sinh công cộng và 30 xe bảo trì kỹ thuật lưu động theo hình thức xã hội hóa.

Trong đó cabin VSCC được trang bị các thiết bị vệ sinh tự động, cửa ra vào tự động, loa hướng dẫn sử dụng, vách và sàn bằng inox, sử dụng năng lượng mặt trời, có tay vịn dành cho người khuyết tật.

Thời gian nhà đầu tư đề xuất để vận hành, khai thác NVSCC và ki-ốt đa năng là 10 năm. Qua rà soát quỹ đất nhiều lần, các quận - huyện đã báo cáo lên Sở TN-MT khoảng 200 vị trí cần lắp đặt, chỉ còn chờ cơ chế giao đất để nhà đầu tư triển khai.

Văn Tiên

NỔI BẬT TRANG CHỦ