Đã vượt qua Ấn Độ, Indonesia về chỉ số đổi mới sáng tạo, làm sao để Việt Nam trở thành tâm điểm toàn cầu?

Đỗ Lan | 01-11-2020 - 09:21 AM

(Tổ Quốc) - Việt Nam đang cho thấy khả năng chủ động biến thách thức thành cơ hội, đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO). Để thành tâm điểm sáng tạo toàn cầu, có nhiều thách thức cần vượt qua.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global Vietnam, đã có những chia sẻ và nhận định về thách thức, giải pháp đưa Việt Nam thành tâm điểm sáng tạo toàn cầu tại sự kiện Kiều bào góp ý xây dựng đất nước ngày 30/10.

Theo bà Hải Thanh, trong bối cảnh căng thẳng thương mại, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, và suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19, Việt Nam đang cho thấy khả năng chủ động biến thách thức thành cơ hội khi nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi thành công trong khống chế dịch bệnh, có môi trường vĩ mô ổn định, và là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương.

BƯỚC TIẾN ĐÁNG KỂ CỦA VIỆT NAM: VƯỢT LÊN TRÊN ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA VỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Thứ nhất, năm 2020 ghi nhận là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO), dẫn đầu trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.

Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 42, Ấn Độ thứ 48 và Indonesia thứ 85.

Đã vượt lên Ấn Độ, Indonesia về chỉ số đổi mới sáng tạo, làm sao để Việt Nam trở thành tâm điểm toàn cầu? - Ảnh 1.

Việt Nam đứng thứ 42 về đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO).

Thứ hai, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam là những nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới GII theo thời gian và hiện đều nằm trong top 50. Tăng trưởng cao, kinh tế mở và năng động chính là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Và với lợi thế này, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành một trong các tâm điểm đổi mới sáng tạo của thế giới.

Đã vượt lên Ấn Độ, Indonesia về chỉ số đổi mới sáng tạo, làm sao để Việt Nam trở thành tâm điểm toàn cầu? - Ảnh 2.

Những thành tựu của Việt Nam.

BA THÁCH THỨC ĐƯA VIỆT NAM THÀNH TÂM ĐIỂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TOÀN CẦU

Để đạt đến điểm tầm nhìn “tâm điểm của đổi mới sáng tạo ở phạm vi thế giới” thì Việt Nam 3 thách thức:

Thứ nhất, về cơ cấu kinh tế:

Dù vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn nghiêng về các 52 nhóm có giá trị gia tăng thấp, tỷ trọng mặt hàng công nghệ cao trong xuất khẩu hiện vẫn chưa cao. Vị trí của Việt Nam trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn thấp.

Thứ hai, về hạ tầng kỹ thuật: 

Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số là kiểm soát không gian mạng, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin, và chủ quyền số quốc gia.

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp do luật và các quy định pháp lý chưa theo kịp sự phát triển nhanh của một xã hội ngày càng số hoá. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cần thời gian để thực hiện đồng bộ giữa các ngành, địa phương, trong khi hoạt động kinh tế số diễn ra nhanh, thay đổi thường xuyên.

Thứ ba, về các nguồn lực khác như nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nguồn vốn đầu tư:

Cùng với sự thiếu đồng bộ của thể chế chính sách và tính kết nối (phối hợp giữa các địa phương và các ngành theo chiều dọc và chiều ngang vẫn còn rời rạc, liên kết vùng vẫn còn thiếu và yếu, v.v.) cũng là những rào cản cho chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số.

5 ĐỀ XUẤT VỀ CHÍNH SÁCH VĨ MÔ

Việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần sự tham gia của nhiều bên, nhiều thành phần. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra mục tiêu rất cao về sự phát triển của kinh tế số Việt Nam: chiếm 25% GDP vào năm 2025, và trên 30% GDP vào năm 2030.

Nhằm bắt kịp với xu hướng đổi mới sáng tạo, đạt được các mục tiêu tham vọng về phát triển kinh tế số nói trên và tăng cường năng lực cạnh tranh số cho Việt Nam, bà Hải Thanh đưa ra 5 giải pháp về mặt vĩ mô.

Thứ nhất, xây dựng hình ảnh tự hào về Việt Nam như là một điểm đến của đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút nhân lực người Việt ở nước ngoài (chiến lược boomerang), tiếp tục thúc đẩy và quảng bá chương trình ‘‘Made in Vietnam’’.

Số lượng người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật khá lớn, cần tạo ra những điểm nhấn để thu hút nhân tài trở về hoặc xem họ như những Đại sứ công nghệ của Việt Nam tại nơi họ đang làm việc.

Thứ hai, quy hoạch, định vị và thành lập các cụm kinh tế cạnh tranh theo từng vùng miền.

Tại mỗi cụm kinh tế cạnh tranh này cần thiết lập một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với đầy đủ các công ty lớn, công ty vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nhân, chuyên gia và nhà nghiên cứu độc lập…. Các chủ thể cùng nhau hợp tác nghiên cứu, phát triển và triển khai hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể (ví dụ như năng lượng tái 53 tạo, xử lý nước thải,…).

Nhà nước ưu tiên hỗ trợ vốn và đặt ra đầu bài để các thành phần trong hệ sinh thái này hợp tác. Việc tổ chức phân chia thành các cụm kinh tế cạnh tranh sẽ giúp hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và các trung tâm thu hút nhân lực chất lượng cao, và tránh đầu tư nguồn lực rải rác theo các tỉnh, không đem lại hiệu quả cao ở tầm quốc gia.

Đã vượt lên Ấn Độ, Indonesia về chỉ số đổi mới sáng tạo, làm sao để Việt Nam trở thành tâm điểm toàn cầu? - Ảnh 3.


Thứ ba, thành lập sàn giao dịch quốc gia về công nghệ và đổi mới sáng tạo, với quy chế chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và độ tin cậy cao.

Sàn giao dịch này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng rót vốn và thoái vốn, với các chính sách ưu đãi nhằm thu hút thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đến Việt Nam.

Thứ tư, nâng cao vai trò tự chủ của các trường đại học, trường đào tạo nghề trong việc xây dựng nguồn lực con người về công nghệ thông qua các vườn ươm công nghệ trong các trường để sinh viên được trải nghiệm và học tập cách làm sản phẩm công nghệ chuyên nghiệp.

Thúc đẩy việc chuyển giao nhanh chóng những nghiên cứu mới từ các trường đại học đến các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất ra thị trường thông qua các quỹ hỗ trợ nghiên cứu phối hợp giữa trường đại học và doanh nghiệp; hoặc thông qua đặt hàng của doanh nghiệp.

Thứ năm, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của chính phủ trở thành một nền tảng công nghệ có thể tương tác dễ dàng đối với người dân và doanh nghiệp.

Sử dụng tối đa công nghệ mở để xây dựng các thành phần công nghệ quốc gia có thể phục vụ cho nhu cầu của toàn dân. Ví dụ như định danh số dùng để trả tiền và chuyển khoản qua mạng. Tạo ra độc lập về công nghệ số của quốc gia. Chính phủ cần là hình mẫu của chuyển đổi số, đồng thời đi đầu trong việc hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế số để hỗ trợ các thành phần kinh tế khác.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM