• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Bảo vệ di sản là trách nhiệm chung của cả nước

Thời sự 27/10/2021 14:53

(Tổ Quốc) - Sáng 27/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề thu phí di tích và bảo vệ di sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giữ gìn di sản văn hóa Huế không chỉ là trách nhiệm của địa phương

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho rằng, Thừa Thiên Huế sở hữu 5 danh hiệu UNESCO, tiêu biểu là quần thể di tích Cố đô Huế với những công trình đặc sắc của kiến trúc kinh thành Huế, kinh thành Việt Nam của một thời.

ĐB Quốc hội: Bảo vệ di sản là trách nhiệm chung của cả nước - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre). Ảnh tư liệu.

Đây là điểm mạnh để Thừa Thiên Huế cần có cơ chế đặc thù, tạo nguồn lực để tỉnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, là khâu đột phá để phát triển du lịch và từng bước hoàn thiện bản sắc văn hóa Huế, đặc trưng văn hóa Huế để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

"Cần xem đây là lợi thế so sánh lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng đặc sắc, thúc đẩy các ngành du lịch và dịch vụ phát triển" - ĐB Thủy nêu quan điểm.

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ tạo điều kiện cho tỉnh này rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác mà quan trọng hơn là giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc.

ĐB này cho biết, qua nghiên cứu lịch sử, văn hóa và phát triển của Thừa Thiên Huế cho thấy địa phương này từng là thủ phủ, là kinh đô của nhiều triều đại. Từng là một trong 3 trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở trung lộ của đất nước với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng và tạo động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Những đặc thù rõ nét và di sản văn hóa với nhiều di sản văn hóa thế giới, di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị Huế được định hướng là di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường.

Với quan điểm bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm thuộc về địa phương có di sản tọa lạc tồn tại mà còn là trách nhiệm chung của cả nước, của nhiều thế hệ đối với di sản vô giá của đất nước, ĐB Huỳnh Thị Phúc bày tỏ quan điểm ủng hộ Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước hết là thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc trung ương trên nền bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa; Phát huy nội lực cho phát triển, đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; Khai thác lợi thế vùng đất, di sản văn hóa nhằm tạo bước phát triển đột phá trong thời gian tới để tương xứng với tiềm năng thế mạnh của một thành phố đặc sản, đặc thù về di sản, có bề dày về văn hóa, thành phố xanh thông minh.

ĐB này cũng bày tỏ thống nhất với dự thảo 3 nhóm cơ chế đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế được trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp này gồm nhóm về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích di sản của quốc gia và được thế giới công nhận theo cam kết với Tổ chức UNESCO.

"Quốc hội cần cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cơ chế được giữ lại 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích và Quỹ bảo tồn di sản như dự thảo nghị quyết đã trình bày" - ĐB Phúc nêu quan điểm.

Lo ngại "con nuôi, con đẻ"

Trong khi đó, cho ý kiến về dự thảo này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn rằng việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương này sẽ không công bằng với các tỉnh nhỏ lẻ, khó khăn riêng. Từ đó, ĐB này đề nghị nên ban hành Nghị quyết vùng, để tránh tình trạng so bì giữa các địa phương, và việc phát triển chung sẽ tốt hơn.

ĐB Quốc hội: Bảo vệ di sản là trách nhiệm chung của cả nước - Ảnh 2.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh tư liệu.

Cùng quan điểm trên, ĐB Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cho biết hiện nay, nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Nhiều địa phương có Nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm về kinh tế, an ninh - quốc phòng.

Tuy nhiên, theo ông Cầm Hà Chung, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thoả, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù, khi mà cử tri và nhân dân cho rằng đoàn ĐBQH và lãnh đạo địa phương tại sao không xin được cơ chế cho địa phương?

"Từ đó, dễ gây hiểu lầm, vì sao địa phương kia nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm… vì sao có địa phương có chính sách riêng, trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ là như nhau?", đại biểu đoàn Phú Thọ băn khoăn.

“Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không? Có phân biệt "con đẻ, con nuôi" không? Có không công bằng không?”, ông Cầm Hà Chung đặt câu hỏi và đề nghị: “Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo thống nhất và minh bạch trong nhân dân”.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ