• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề xuất có luật riêng về hộ kinh doanh

Kinh tế 15/11/2019 16:25

(Tổ Quốc) - Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không đồng tình với đề xuất của Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan đến hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), thay vào đó là kiến nghị cần phải có luật riêng về hộ kinh doanh.

Thảo luận tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 15/11, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, kinh tế hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có 1,4 triệu nộp thuế còn lại là đóng thuế khoán. Điều này dẫn tới sự thiếu minh bạch, thậm chí các hộ kinh doanh phải trả chi phí không chính thức rất nhiều.

Trước tình hình đó, ĐB Đỗ Văn Sinh bày tỏ quan điểm rằng cần có đạo luật riêng về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trước hết cần ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh, xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ cho lực lượng kinh tế này.

Phát biểu về nội dung này ĐB Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) cho rằng, ở nước ta, hộ kinh doanh cá thể chiếm số lượng rất lớn với khoảng 4,5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, chiếm hơn 29% GDP. Trên thế giới, hiện chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại loại hình kinh doanh này.

Đại biểu Quốc hội đề xuất có luật riêng về hộ kinh doanh - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Đây là thời điểm nên và cần thiết đưa hộ kinh doanh vào quản lý, nhưng đưa vào nghị định riêng.

Theo đại biểu, do điều kiện kinh tế ở nước ta là kinh tế tiền mặt, kinh doanh nông nghiệp, thủy hải sản tự phát, nhỏ lẻ rất nhiều. Do đó, nếu quy định hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp với những quy định như một doanh nghiệp thì e rằng rất khó.

Đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, nên có Nghị định dưới Luật liên quan đến hộ kinh doanh hướng tới quản lý chặt chẽ, đảm bảo các quy định như một doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định, về pháp lý cho hộ kinh doanh, nếu đưa vào luật thì rất khó, mà không quản lý thì không được.

"Vấn đề là chúng ta phải tổ chức kinh doanh thế nào? Thuế, sổ sách như thế nào? ... Theo tôi, nên khởi động từ bây giờ để có luật riêng dành cho hộ kinh doanh với đặc thù của Việt Nam chứ không nên đưa vào Luật Kinh doanh. (sửa đổi)...", ĐB đoàn TP HCM nói.

Nêu quan điểm về nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải làm rõ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì có có gì tốt, có gì không tốt đối với bản thân các hộ kinh doanh và công tác quản lý nhà nước. Theo ĐB này, chỉ đưa vào Luật Kinh doanh (sửa đổi) khi việc kinh doanh hộ gia đình phát sinh những vấn đề cần pháp luật điều chỉnh như liên quan đến sử dụng lao động, có quan hệ lao động, khi đó liên quan đến các vấn đề như hợp đồng lao động, nộp bảo hiểm xã hội...

Đồng tình với các ý kiến trên, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho hay, đây là thời điểm nên và cần thiết đưa hộ kinh doanh vào quản lý, nhưng đưa vào nghị định riêng cho đối tượng này.

Đưa ra số liệu mới nhất với việc Nhà nước thất thu thuế tới 30.000 tỷ đồng đối với hộ kinh doanh, ông nhấn mạnh, trước mắt, cần sớm xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh. Sau đó, nếu được có thể xây dựng một luật riêng cho việc quản lý hộ kinh doanh, bởi lẽ đã đến thời điểm không thể cứ để đối tượng này phát triển một cách tự phát.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận gồm 10 chương với 213 điều. Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan tới đăng ký doanh nghiệp; quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; khái niệm và các quy định về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; hộ kinh doanh... Những sửa đổi, bổ sung này hướng tới việc khắc phục những bất cập, khiếm khuyết của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn, giảm gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp...

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ