Đại gia BĐS âm thầm mua gom từng căn hộ cũ nát chỉ từ 5m2 tại phố cổ

Thanh Ngà | 15-07-2020 - 10:51 AM

(Tổ Quốc) - Trong thời gian gần đây, có nhiều giao dịch mua gom các hộ trong một tòa nhà phố cổ. Giá cả, các giao dịch này rất khó theo dõi nhưng rất quyết liệt.

Theo TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bên cạnh các phân khúc BĐS thông dụng hiện nay là nhà chung cư, biệt thự, liền kề thì có một thị trường ngách cũng đang được khá nhiều người quan tâm trong thời gian qua là nhà nát phố cổ.

Ông Chung cho biết, thị trường nhà phố cổ không đơn thuần là thị trường mua bán nhà. Giá trị thị trường của các căn nhà nguyên căn thường rất cao. Vì thế, có một phân mảng giao dịch của thị trường này là mua lại các phần trong một căn nhà. Do lịch sử để lại, mỗi căn nhà phố cổ hiện có rất nhiều hộ gia đình sinh sống...

"Trong thời gian gần đây, có nhiều giao dịch mua gom các hộ trong một tòa nhà phố cổ. Giá cả và sự thể hiện của các giao dịch này rất khó theo dõi nhưng rất quyết liệt. Rất nhiều căn nhà, sau thời gian mua gom, đã được đập bỏ để xây mới. Sản phẩm xây mời thường là các khách sạn, nhà hàng hoặc căn hộ cho thuê", ông Chung nhấn mạnh.

Quan sát thực tế cho thấy nhiều căn nhà khu vực lõi phố cổ như Hàng Than, Hàng Khay, Hàng Thiếc…nhà đầu tư có xu hướng mua gom để xây khách sạn. Đặc thù những khu đất trong phố cổ thường nhỏ (có căn chỉ 5m2), liên quan đến nhiều hộ gia đình. Do đó, nếu các chủ hộ đều đồng ý bán, phải chấp nhận gom tất cả sổ đỏ về một nhà, chuyển đổi diện tích chung thành 100% diện tích riêng, tạo thành mảnh đất lớn, có tiềm năng kinh doanh, nhà đầu tư mới xuống tiền.

Theo anh Đông, môi giới nhà đất khu vực phố cổ, hiện nay rất khan hiếm các căn nhà đã xây mới mặt tiền phố cổ rao bán, hoặc có bán giá cũng rất cao lên đến cả tỷ đồng/m2. "Đặc biệt phải kể đến phố Bảo Khánh, do vẫn có thể xây dựng được 8 - 10 tầng nên gần đây được định giá tốt, đặc biệt với những nhà đầu tư muốn kinh doanh khách sạn. Khu vực này mới đây có một giao dịch hàng trăm tỷ đồng chỉ sau một thời gian ngắn rao bán" anh Đông cho bhay. 

Chính vì vậy, anh Đông cho biết việc mua gom từng căn hộ nhỏ trong các căn nhà tập thể xập xệ tuy tốn nhiều thời gian và công sức nhưng giá sẽ mềm hơn và dễ tìm được các căn nhà có diện tích phù hợp với nhu cầu.

Mặc dù việc mua gom các căn hộ tại phố cổ đã diễn ra từ lâu nhưng theo TS Trần Kim Chung việc quản lý đang gặp nhiều bất cập. Ông Chung cho biết, việc quản lý nhà nước đối với các giao dịch bất động sản nhà phố cổ thường chia ra một số hoạt động: 

Thứ nhất, quản lý các giao dịch. Đây là hoạt động thông thường nhưng cần có sự theo dõi thường xuyên, liên tục, để tránh thất thu và cũng để hòng tránh các khiếu kiện về lợi ích của các bên liên quan. 

Thứ hai, quản lý việc sửa chữa, cơi nới. Các giao dịch mua bán, cơi nới thường rất phức tạp. Việc mua gom nhưng không hoàn thành. Việc mua của các căn liên kề dẫn đến các sửa chữa, cơi nới rất phức tạp và rất nhiều khiếu kiện. Do đó, chính quyền sở tại cần thường xuyên bám sát thực tế để có những can thiệp kịp thời. 

Thứ ba, quản lý xây dựng mới. Đây là một hoạt động đòi hỏi chính quyền sở tại phải nắm vững thực tế nắm vững địa bàn và nắm vững chính sách. Việc cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng theo giấy phép và chế tài cấn được nghiêm minh nhưng phải đúng chính sách đang là những vấn đề hết sức quan trọng trong quản lý nhà phố cổ, thị trường nhà phố cổ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM