Đại gia ngành bia Sabeco đang cố gắng thoát khỏi những 'gọng kìm' như thế nào?

Thảo Nguyên | 10-07-2020 - 10:01 AM

(Tổ Quốc) - Mới đây Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) công bố báo cáo phân tích hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2020 của công ty cổ phần Bia-rượu- nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). PHS đánh giá năm 2020 là năm đầy khó khăn với thị trường bia Việt Nam do tác động tiêu cực từ dịch bệnh và các quy định mới của Chính phủ.

Tuy nhiên, bia vẫn là loại nước giải khát không thể thiếu đối với người tiêu dùng Việt Nam, nhất là mùa nóng đang tới gần. Vì vậy, ngay khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, doanh số bán lẻ của Sabeco đã tăng trở lại trong tháng 5 và 6.

Gọng kìm Nghị định 100 và Covid-19

Công ty chứng khoán này ước tính sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco trong năm 2020 đạt 1,41 tỷ lít ( giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng tăng 11% so với mức kế hoạch và giá bán trung bình của sản phẩm không tăng trong năm nay. Từ đó, PHS ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong năm 2020 lần lượt đạt 27.850 tỷ đồng ( giảm 27% so với năm ngoái) và 4.799 tỷ đồng (giảm 11%) với giả định biên lãi gộp được cải thiện ở mức 29% do chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm.

Trong năm 2020, PHS ước tính sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco chiếm 38% của toàn ngành và vẫn duy trì vị trí dẫn đầu.

Theo Tổng cục thống kê, sản lượng sản xuất bia trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 1,928 triệu lít ( giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và dự báo tình trạng sụt giảm này sẽ kéo dài trong 6 tháng cuối năm do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn biễn biến phức tạp khiến ngành du lịch và các hoạt động vui chơi, giải trí như karaoke, câu lạc bộ đêm, quán bia, rượu đều bị ảnh hưởng tiêu cực và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân.

Đại gia ngành bia Sabeco đang cố gắng thoát khỏi những gọng kìm như thế nào? - Ảnh 1.

Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS).

Dự phóng của Statista, giá trị và sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam trong năm 2020 đều giảm 19% so với 2019, lần lượt đạt 6,3 tỷ USD và 3,742 triệu lít. Trong đó, lượng bia tiêu thụ tại kênh phân phối mua về nhà (off-premise) tăng nhẹ 5% trong khi mức tiêu thụ qua kênh tiêu dùng tại chỗ (on-premise) giảm tới 27%.

Trong năm 2020, xu hướng tiêu thụ nhiều các dòng bia cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng do thu nhập của người tiêu dùng tăng trong vài năm qua. Ngoài ra, thị trường bia nội địa vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tranh giành thị phần.

Doanh thu thuần của Sabeco trong quý I đạt 4,900 tỷ đồng ( giảm 47% so với cùng kỳ). Trong đó, ngành hàng bia giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4.351 tỷ đồng do Covid-19 và Nghị định 100 buộc người dân hạn chế sử dụng bia rượu qua kênh tiêu dùng tại chỗ (on-premise) trong khi trước đây họ thường có thói quen tập tụ và uống bia rượu thường tại các quán ăn hay nhà hàng.

 Ngoài ra, doanh thu bao bì vật tư cho các nhà máy bia liên kết của Sabeco giảm hơn 61% do công ty này đã thay đổi cách quản lý hàng tồn kho và kế hoạch sản xuất để phù hợp hơn với tình hình trong bối cảnh dịch bệnh. Ngành hàng nước giải khát cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 khi thu nhập người dân có sụt giảm và họ chỉ tập trung mua những sản phẩm thiết yếu để dự trữ.

Đại gia ngành bia Sabeco đang cố gắng thoát khỏi những gọng kìm như thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS)

Theo IndexMundi, giá lúa mạch và nhôm trong Quý I/2020 lần lượt giảm 6% và 14% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm gần 50% trong cơ cấu chi phí giá vốn của Sabeco. Do đó, biên lãi gộp của SAB cải thiện đáng kể từ mức 23,5% trong Qúy I/2019 lên 27,6% trong Qúy I/2020. Ngoài ra, công ty này cũng thực hiện các hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào với giá tốt để duy trì biên lợi nhuận trong cả năm.

Dịch Covid-19 đã khiến Sabeco thực hiện hàng loạt thay đổi trong kinh doanh và quản trị. Cụ thể, công ty đã cố gắng tăng năng suất, cắt giảm một số chi phí hoạt động và đàm phán với chủ cho thuê. Chi phí vận chuyển cũng giảm nhờ giá xăng giảm mạnh. Ngoài ra, các hoạt động tiếp thị, quảng cáo của công ty trong quý I cũng bị hạn chế do Nghị định 24 ban hành ngày 24/02/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia. Kết quả là chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Sabeco lần lượt giảm 15% và 19% trong quý I. Tuy nhiên sự cải thiện trong chi phí vận hành vẫn không bù đắp được mức sụt giảm trong doanh thu, dẫn tới lợi nhuận ròng của Sabeco giảm 572 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nỗ lực thoát gọng kìm

Trước những thách thức trên, ông lớn ngành bia này cũng tăng khả năng thanh khoản trong mùa dịch Covid-19 bằng việc giảm vốn lưu động, đóng cửa và dừng một phần một số nhà máy bia và buộc hoãn các nhà máy bia mở rộng ở Củ Chi cũng như các khoản đầu tư thiết yếu. Bên cạnh đó, công tác quản trị nhân lực cũng được triển khai phù hợp với chiến lược mới của công ty trong mùa dịch, cụ thể là các nhân viên từ kênh tiêu thụ tại chỗ (on-premise) được điều chuyển sang kênh phân phối mua về (off-premise).

Tập trung tăng trưởng kênh tiêu thụ phân phối mua về nhà (off-premise)

Ban lãnh đạo của Sabeco cho rằng kênh off-premise sẽ là động lực chính cho tăng trưởng năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và người dân vẫn còn e ngại việc sử dụng bia rượu tại các hàng quán do Nghị định 100 của Chính phủ. Ngoài ra, Sabeco vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện kênh thương mại hiện đại (modern-trade) và công ty vẫn chưa phát triển kênh thương mại điện tử riêng. Trong năm 2020, doanh nghiệp đã tung ra sản phẩm mới và cung cấp một số ưu đãi cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. 

Điển hình là chương trình khuyến mãi cho bia Sài Gòn Lager kéo dài từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 nhắm đến kênh phân phối hiện đại và mang về nhà. Từ cuối tháng 5 đến tháng 7, công ty tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi cho bia Sài Gòn, ra mắt đúng dịp Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội với mục tiêu gia tăng phục hồi doanh số hậu Covid-19. Gần đây nhất, Sabeco tung ra chương trình khuyến mãi cho sản phẩm bia 333 và ra mắt một sản phẩm bia mới là bia Lạc Việt theo công thức của các nghệ nhân Việt, bia giành riêng cho Việt Nam.

Gia tăng danh mục sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài

Hiện tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 2% trong tổng doanh thu của Sabeco. Hơn nữa, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam ban hành những quy định mới khắt khe về việc quảng cáo và phạt hành chính khi sử dụng đồ uống có cồn khiến sản lượng tiêu thụ giảm đáng kể.

Chính vì vậy, việc gia tăng xuất khẩu có thể bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu trong thị trường nội địa. Ban lãnh đạo Sabeco cho biết sẽ xuất khẩu bia Saigon và 333 sang thị trường nước ngoài.

Thực hiện chuyển đổi số 4.0

 Vào giữa tháng 6/2020, công ty này vừa mới công bố chính thức triển khai dự án chuyển đổi số "SABECO 4.0" thông qua hợp tác với KPMG nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên chuyển đổi số. Dự án này tập trung vào chuyển đổi qui trình kinh doanh, cấu trúc tổ chức, thu thập và khai thác dữ liệu, cải thiện luồng thông tin để giúp doanh nghiệp ra quyết định tốt hơn và cải thiện cấu trúc quản trị. 

Ngoài ra, công ty sẽ triển khai dự án năng lượng mặt trời tại một số nhà máy chọn lọc, lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong dài hạn và khánh thành nhà máy chiết lon 60.000 lon/giờ vào ngày 22/6/2020. Vào cuối năm nay, Sabeco sẽ cho ra mắt hệ thống quản lý kho bãi có khả năng hiển thị hàng tồn kho theo thời gian thực với mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí vận hành và cải thiện hoạt động kho bãi.

Những rủi ro Sabeco và ngành bia đang đối mặt

Rủi ro chính sách: Nghị định 100/2019/NĐCP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, áp dụng các hình thức xử phạt khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia rượu với bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu hoặc hơi thở. Ngoài ra, Nghị định 24 ban hành ngày 24/02/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia, cụ thể liên quan đến quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia, hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu bia trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập thông tin và mua rượu bia. Các Nghị định này tác động không nhỏ đến hành vi tiêu dùng các sản phẩm nước uống có cồn tại Việt Nam cũng như doanh số ngành bia nói chung và Sabeco nói riêng

Rủi ro về dịch bệnh Covid-19: Dịch Covid-19 đã gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch với việc hạn chế đi lại, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cùng hoạt động kinh doanh và gây trì trệ các hoạt động kinh tế xã hội, bao gồm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan như đóng cửa các quán bia, quán rượu, karaoke, và câu lạc bộ đêm ở nhiều tỉnh trên cả nước.

Rủi ro về thị trường: Việt Nam gia nhập các khối kinh tế trong khu vực và quốc tế, các hiệp định thương mại, bảo hộ thuế suất giảm dần khiến cho thị trường sắp tới sẽ có nhiều đối thủ nước ngoài nhảy vào và sự cạnh tranh sẽ càng trở nên căng thẳng và khốc liệt.

Rủi ro về nguyên liệu: Nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu là lúa mạch, hoa bia và đại mạch phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, tăng rủi ro về sự ổn định nguyên liệu và tăng chi phí sản xuất cho công ty.

Rủi ro về tỷ giá: Bên cạnh triển vọng mở rộng thị trường ra thế giới, việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm ra các nước khiến cho công ty chịu rủi ro trong tỷ giá ngoại tệ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM