• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đàm phán Triều Tiên dậm chân tại chỗ

Thế giới 13/11/2018 08:09

(Tổ Quốc) - Cả Mỹ và Triều Tiên đều không vội vàng.

Cuộc Hội đàm Cấp cao Mỹ - Triều dự định diễn ra vào ngày 8/11 tại New York đã bị hoãn lại. Không có lý do nào được nêu ra. Việc trì hoãn đã làm dấy lên mối quan ngại về các nỗ lực để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay theo kế hoạch, Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp ông Kim Yong-chol, cựu Trưởng cơ quan tình báo và là nhà thương lượng chủ yếu của Bình Nhưỡng về vấn đề vũ khí hạt nhân.

Đàm phán Mỹ - Triều hiện đang trong tình trạng dậm chân tại chỗ kể từ sau chuyến thăm Triều Triên lần thứ tư trong tháng 10 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Đàm phán Triều Tiên dậm chân tại chỗ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Pompoe thăm Triều Tiên lần thứ tư, ngày 7/10.

Hiện tại Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo cho biết, điều kiện tiên quyết để Mỹ xóa bỏ các lệnh cấm vận với Triều Tiên không chỉ dừng lại ở việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, mà quá trình phi hạt nhân hóa phải nhận được sự kiểm chứng. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ thảo luận vấn đề thị sát việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân ở xã Punggye, huyện Gilju, tỉnh Bắc Hamgyeong cũng như bãi thử nghiệm động cơ tên lửa ở xã Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Việc thanh sát hai nơi trên là một trong những nội dung nhất trí giữa Mỹ và Triều Tiên trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Triều Tiên cũng thể hiện lập trường khá cứng rắn, yêu cầu Mỹ phải đưa ra biện pháp tương xứng với những hành động mà Triều Tiên đã tiến hành trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mỹ-Hàn tập trận quy mô nhỏ

Ngày 5/11, cuộc tập trận chung của lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Mỹ (KMEP) bắt đầu diễn ra tại khu vực thành phố Pohang, tỉnh Bắc Gyeongsang.

Mỹ cử binh sĩ thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến Cơ động 3 đang đồn trú tại đảo Okinawa của Nhật Bản, tham gia tập trận. Tổng số binh sĩ hai bên tham gia diễn tập vào khoảng 500 người.

Hàn Quốc cho biết đây là một cuộc diễn tập chiến thuật thường niên nhằm duy trì trạng thái phòng thủ liên quân Hàn - Mỹ. Sau khi kết thúc cuộc tập trận, Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc sẽ tiến hành tiếp cuộc tập trận mùa Đông và diễn tập theo từng binh chủng được tổ chức định kỳ trong thời gian qua.

Cuộc tập trận chung của thủy quân lục chiến Hàn - Mỹ đã ngừng trong nửa năm, từ tháng 5 năm nay. Hai nước đã quyết định hoãn cuộc tập trận này để bổ trợ cho những nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, ngày 6/11, cuộc họp quân sự ba bên Triều Tiên - Hàn Quốc - Liên hợp quốc lần thứ 3 đã được tổ chức tại Bàn Môn Điếm để điều chỉnh chi tiết phương án canh gác chung giữa hai miền Triều Tiên để khách tham quan có thể qua lại tự do trong khu vực canh gác chung của Bàn Môn Điếm.

Đàm phán Triều Tiên dậm chân tại chỗ - Ảnh 2.

Cuộc họp giữa phái đoàn Liên hợp quốc và hai miền Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, ngày 22/10, để điều chỉnh chi tiết phương án canh gác chung giữa hai miền Triều Tiên.

Theo đúng Hiệp định về quân sự 19/9, quân đội hai miền Triều Tiên và Tư lệnh quân Liên hợp quốc rút vũ khí, đạn dược, trạm gác trong Khu vực Tuần tra chung (JSA). Mỗi bên sẽ duy trì 35 nhân sự không có vũ trang trong khu vực JSA. Hai bên sẽ tiến hành xây dựng trạm gác của mỗi bên ở phần lãnh thổ của bên kia trong khu vực JSA; sớm nhất trong tháng 11, khu vực JSA sẽ mở cửa cho khách du lịch vào thăm quan tự do.

Mỹ tiếp tục tạo sức ép cấm vận

Đối với Mỹ, việc duy trì tình trạng không tiến, không thoái như hiện nay được đánh giá là không gây tác động xấu nào. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/10 cho biết chỉ cần Triều Tiên không tiến hành thử hạt nhân, thì thời gian đàm phán song phương nếu có kéo dài cũng không phải là vấn đề. Điều này cho thấy miền Bắc đã đóng băng các hoạt động hạt nhân và Mỹ có thể kiểm soát được tình hình này thông qua đối thoại.

Đối với Triều Tiên, nếu tăng tốc độ đàm phán với Mỹ thì sẽ mất nhiều hơn được. Trong bối cảnh hiện nay, khả năng Mỹ chấp thuận ra Tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), hay giảm nhẹ các chế tài đối với Triều Tiên là không cao. Do đó, Triều Tiên không nhất thiết phải vội vàng đàm phán với Mỹ để tìm kiếm thêm sự nhượng bộ. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã đạt được một số mục tiêu như gây được sự chú ý trong cộng đồng quốc tế, giúp nước này đã phần nào thoát ly khỏi hình ảnh của một chính quyền độc tài.

Mỹ vẫn duy trì các biện pháp cấm vận Triều Tiên chứ không hề có động thái nhượng bộ. Ngày 25/10, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 2 công ty trụ sở tại Singapore và một người đàn ông quốc tịch Singapore có tên Tan Wee Beng - Giám đốc và cổ đông của một công ty thương mại với tội danh rửa tiền thông qua hệ thống tài chính Mỹ, nhằm né các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Một công ty khác mà Tan Wee Beng làm giám đốc điều hành cũng bị Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt do có dính líu đến hoạt động kinh tế trái phép liên quan đến Triều Tiên./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ