• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dân có cường thì quốc mới thịnh (Bài 4) Đà Nẵng: 100% trường học sẽ được lắp đặt bể bơi di động

Thể thao 13/10/2016 11:06

Năm học 2015-2016 vừa qua, tại Đà Nẵng có khoảng 2.500 học sinh tiểu học đã học bơi. Ngành GD&ĐT Đà Nẵng kỳ vọng, sau đợt phát động phổ cập kỹ năng bơi sẽ có thêm khoảng hơn 14.000 học sinh hoàn thành kỹ năng bơi lội. Hiện Đà Nẵng mới có 14 bể bơi ở các trường tiểu học. Khắc phục tình trạng thiếu bể bơi để dạy cho học sinh, Sở chủ trương cho phép những trường chưa có điều kiện xây bể bơi, học sinh có thể đăng ký học ở các trường lân cận.

Đầu tháng 6.2016, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã phát động phong trào dạy - học bơi hè 2016 “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng có quyết định thu 200.000 đồng mỗi học sinh trên 12 buổi học bơi. Ngoài các trường học, ngành GD&ĐT cũng đã ký kết xã hội hóa với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị Quân đội, Công an mở cửa dạy bơi cho học sinh. Các em sẽ nộp phí để những cơ sở này có một khoản thu nhất định, theo phương châm hai bên cùng có lợi, mức tối đa không được vượt quá 200.000 đồng/học sinh/khóa học.

Mùa hè vừa qua, tại Đà Nẵng, hầu hết các bể bơi đều đang hoạt động hết công suất. 11 hồ bơi di động (do tổ chức TASC chuyển giao) đều đã đủ 480 em đăng ký/bể, hay như các bể bơi ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh cũng kín với 660 em; bể bơi Trường mầm non Anh Đào (quận Liên Chiểu) với 480 em học bơi... Nhu cầu học bơi tăng nên ngành GD&ĐT thành phố triển khai một số giải pháp nhằm tăng số lượng hồ bơi. Theo đó, ngoài 17 hồ bơi của ngành hiện có gồm 11 hồ bơi di động, hai hồ bơi ở các trường tư thục và ba hồ cố định ở các trường công lập, Phòng GD&ĐT quận, huyện còn huy động một số đơn vị tư nhân tạo điều kiện về hồ bơi cho học sinh được học. Cụ thể, quận Sơn Trà mượn hai hồ bơi của khách sạn Riverside và Lữ đoàn 83 Hải quân, quận Liên Chiểu mượn ba hồ bơi của Trường mầm non Anh Đào, khách sạn Xanh và khu du lịch Xuân Thiều, quận Thanh Khê và Hải Châu tổ chức học bơi tại hồ của Quân khu 5, bể bơi thành tích cao, Bệnh viện Chỉnh hình-Phục hồi chức năng và Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng... Không chỉ vậy, hoạt động liên kết đầu tư bể bơi cũng được đẩy mạnh. Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận Thanh Khê) vừa đưa vào sử dụng một hồ bơi liên kết đầu tư là một ví dụ.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng đã cho đầu tư từ ngân sách một bể bơi kiên cố tại Trường tiểu học Trần Cao Vân cơ sở 2 (quận Thanh Khê) cùng 10 bể bơi di động tại các trường thuộc huyện Hòa Vang và các phường: Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và Hòa Phát, Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Đồng thời, ngành GD&ĐT chỉ đạo các trường phân bổ thời khóa biểu theo hướng tăng thêm suất dạy để giảm mật độ học sinh tại các bể bơi.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi hy vọng mỗi trường sẽ được lắp đặt một bể bơi và phải mất một năm nữa. Các em sau khi đạt được thành tích nhất định, có thể là hoàn thành bơi bướm 20 mét, sẽ được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ này không tính vào kết quả học tập mà quan trọng là đảm bảo việc các em biết bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước”.

Nhìn chung các điểm tập bơi tại Đà Nẵng dành cho các em đều thực hiện đúng quy định như niêm yết lịch dạy - học bơi, số điện thoại cần liên hệ ở những nơi dễ quan sát, phân công lãnh đạo trực quản lý, theo dõi, giám sát trong từng buổi học… Ngành GD&ĐT cũng quán triệt đến các giáo viên dạy bơi phải thực hiện nghiêm túc quy trình chuyên môn và quan sát kỹ tất cả các khu vực học bơi; thực hiện nghiêm túc việc điểm danh học sinh trước và sau khi kết thúc ca học. Đây là năm đầu tiên phát động phong trào dạy-học bơi trên toàn thành phố, ngành không kỳ vọng tất cả các em học sinh đều biết bơi, mà điều quan trọng hơn là tạo một hiệu ứng từ phía gia đình và xã hội, nâng cao nhận thức về việc rèn luyện cho các em kỹ năng bơi lội, một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

(Theo báo Văn Hóa)

Trung Sáng

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ