• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đảo chiều thế lực tại Iraq: Quân đội Mỹ tính kế khi phải rời Syria?

Thế giới 18/05/2018 16:52

(Tổ Quốc) -Kết quả của cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tuần qua ở Iraq đã làm xói mòn những kế hoạch tiềm năng của lực lượng Mỹ tại đây.

Trong bốn năm qua, kế hoạch quân sự của Mỹ ở Iraq chủ yếu dựa vào việc hợp tác với Thủ tướng Haider al-Abadi, một người Hồi giáo Shiite ôn hòa. Tuy nhiên, ông al-Abadi cũng có mối quan hệ rất tốt với Iran – để cùng nhận được sự hỗ trợ khôi phục đất nước và chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tuần qua ở Iraq đã làm xói mòn những kế hoạch tiềm năng của Mỹ. Chính đảng bài Mỹ của do giáo sĩ Moktada al-Sadr dẫn đầu đã giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử trên.

Iraq thời hậu IS

Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lầu Năm Góc đang phải quyết định liệu Mỹ có thể thúc đẩy kế hoạch để lại một lực lượng khoảng 4.500 lính Mỹ ở Iraq sau cuộc chiến chống IS hay không.

IS hiện phần lớn đã bị quét sạch khỏi Iraq sau các chiến dịch quân sự lớn năm 2017. Tuy nhiên, các nhà hoạch định quân sự vẫn đang cảnh giác, khi  sau việc quân đội Mỹ rời khỏi Iraq năm 2011 đã tạo cơ hội cho nhóm IS phát triển.

Nhóm này, còn được gọi là ISIS, phần lớn đã rời khỏi các khu vực Iraq mà nó chiếm gần đây như năm ngoái. Nhưng các nhà lập kế hoạch quân sự đều nhận thức được những gì đã xảy ra sau khi quân đội Mỹ rời đi vào năm 2011, mở ra không gian cho sự hiện diện và lan rộng của nhóm IS.

Chiến thắng của giáo sĩ Moktada al-Sadr trong cuộc bầu cử đã khiến kế hoạch duy trì lực lượng Mỹ tại Iraq gặp nhiều nan đề. (Nguồn: AP)

Trong năm 2014, IS đã phát triển rộng khắp Iraq, dễ dàng đánh bại quân đội nước này và kiểm soát phần lớn các vùng phía bắc và phía tây. Đảm bảo rằng lịch sử không được lặp lại là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc cho biết.

Đối với chính quyền Trump, điều đó có nghĩa là cố gắng tìm cách làm việc với ông Sadr. Các quan chức chính quyền Mỹ tuần này  đã tập trung xem xét các khía cạnh tích cực của cuộc bầu cử.

Heather Nauert, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Cách đây không lâu, ISIS đã kiểm soát những vùng đất rộng lớn của quốc gia này. "Và thực tế là họ đã có thể tổ chức các cuộc bầu cử tương đối không có bạo lực chắc chắn là một thành tích khá tuyệt vời và một minh chứng trước người dân Iraq."

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói với các phóng viên rằng các quan chức chính quyền Trump "sát cánh với quyết định của nhân dân Iraq."

"Đó là một tiến trình dân chủ tại thời điểm khi mọi người, rất nhiều người còn nghi ngờ rằng người Iraq có thể chịu trách nhiệm về chính mình", ông Mattis cho biết hôm thứ Ba.

Yếu tố Iran và chiến lược của tân lãnh đạo Iraq

Khi còn trẻ, ông Sadr đã dẫn đầu một nhóm dân quân người Shiite nhắm mục tiêu vào quân đội Mỹ ở Iraq. Ông đã chạy trốn sang Iran để học tại Qom, một trung tâm tôn giáo Shiite trước khi trở về Iraq vào năm 2011 với tư cách là một người theo chủ nghĩa dân tộc Iraq. Ông Sadr không được dự kiến sẽ giữ chức vụ được bầu tại Iraq; thay vào đó, sức mạnh của ông xuất phát từ bục giảng kinh.

Với sự ảnh hưởng lâu năm từ bên ngoài của Iran tới tình hình chính trị nội bộ Iraq, các chuyên gia chính sách nước ngoài cho biết chính quyền Trump có thể đã khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn ở Baghdad.

Quyết định của ông Trump vào tuần trước rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đóng băng mối quan hệ giữa Washington và Tehran sau khi bất chấp một số vấn đề, hai bên lâu nay vẫn giúp thúc đẩy sự hợp tác gián tiếp chống lại IS ở Iraq.

"Hiện tại, Iran không muốn hỗ trợ cho một nhà lãnh đạo ở Iraq có lập trường tích cực đối với Mỹ ", Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ông Vali Nasr cho biết.

Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cũng cho rằng Iran không muốn thấy sự hồi sinh của IS.

Đã có một thỏa thuận quy mô rộng trong các khối chính trị Shiite, những người mà ông Sadr sẽ phải liên minh để thành lập chính phủ, về việc tiếp tục một chương trình được quân đội quốc tế hỗ trợ để đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Iraq. Các giảng viên bao gồm các cố vấn người Mỹ, Italy và Tây Ban Nha, với các trang thiết bị do Hoa Kỳ chi trả. Và việc NATO hiện diện như bên thay mặt công khai cho phái đoàn do Mỹ dẫn đầu ở Iraq có thể là một giải pháp cho sự “nhạy cảm chính trị của ông Sadr, các quan chức cho biết.

Nếu chính quyền Trump và một chính phủ trung thành với ông Sadr liên minh được với nhau, đây sẽ không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ phát triển một mối quan hệ đối tác với những người Iraq đã từng được coi là kẻ thù. Việc Mỹ hợp tác với các lực lượng nổi dậy Sunni -được gọi là Sahwa, hay Awakening, chống lại Al Qaeda ở Iraq đã là một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến hơn một thập kỷ trước.

Dù vậy, Lầu Năm Góc sẽ có hành động cân bằng của riêng mình trước các lực lượng chính trị tại Washington. Ông Trump đã từng bày tỏ mong muốn rút quân đội Mỹ tại Syria về nước sớm; các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống đã cho Bộ Quốc phòng sáu tháng để kết thúc nhiệm vụ của mình ở Syria. Và khi điều này xảy ra, các quan chức quân đội Mỹ cũng hy vọng rằng sự hiện diện của quân đội nước này tại Iraq có thể giữ liên lạc với các lực lượng đồng minh trên khắp biên giới Syria.

Và ông Trump sẽ làm gì nếu ông Sadr một lần nữa yêu cầu rút quân Mỹ khỏi Iraq? "Lầu Năm Góc đã bật đồng hồ về việc rút ra khỏi Syria," Derek Chollet, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ trong chính quyền Obama cho biết. “Ai có thể dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tại Iraq sau đó?”

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ