• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đảo ngoặt thái độ, phương Tây "nợ" châu Á lời xin lỗi về việc đeo khẩu trang và COVID-19?

Thế giới 02/04/2020 09:43

(Tổ Quốc) - CNN dự đoán, trong một vài tuần tới, gần như chắc chắn nhiều chính phủ trên thế giới sẽ bắt đầu khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình trước COVID-19.

Đối với những người đang sống ở châu Á, thông báo trên sẽ là sự công nhận cho một chiến lược đã được thực thi trên toàn khu vực kể từ khi khủng hoảng bùng phát. Chiến lược cũng đã đã chứng tỏ được tính hiệu quả với tỷ lệ lây nhiễm virus thấp hơn và tốc độ kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn.

Ở phần còn lại của thế giới, nhiều người có thể sẽ cảm thấy bất ngờ sau nhiều tuần, cơ quan y tế, chính trị gia và truyền thông liên tục tuyên bố đeo khẩu trang không có tác dụng, đồng thời yêu cầu người dân tăng cường rửa tay và duy trì khoảng cách xã hội.

Chuẩn bị đảo ngoặt thái độ, phương Tây "nợ" châu Á lời xin lỗi về việc đeo khẩu trang và COVID-19? - Ảnh 1.

Người dân phương tây không có thói quen đeo khẩu trang để phòng ngừa nhiễm bệnh và các cơ quan y tế phương tây cũng từng đưa ra khuyến cáo không cần đeo khẩu trang (ảnh: getty images)

Khẩu trang không có tác dụng?

Hồi cuối tháng 2, cố vấn y tế cho chính phủ Mỹ Jerome Adams viết trên Twitter: "Hãy dừng mua khẩu trang". "Chúng không hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus corona, nhưng nếu các nhân viên y tế không có khẩu trang để chăm sóc bệnh nhân, họ và cộng đồng của chúng ta sẽ gặp nguy hiểm", ông Adams kêu gọi.

Cùng tuần đó, khi được hỏi liệu người dân có cần đeo khẩu trang không, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield trả lời đơn giản: "Không".

Tuy nhiên, giờ đây chính ông Redfield cũng không còn quá chắc chắn. Hôm thứ hai (31/3), ông cho hay, CDC đang xem xét lại các hướng dẫn và có thể khuyến nghị cộng đồng sử dụng khẩu trang để tránh bị lây nhiễm. Và sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian cho tới khi các tổ chức, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện điều tương tự.

Trong một bài viết vào tháng trước, chuyên gia sinh học tại Đại học California Adrien Burch lưu ý, "cho dù được khuyên rằng khẩu trang 'không có tác dụng' nhưng có lẽ bạn chưa từng gặp bất kỳ một bằng chứng rõ ràng nào để ủng hộ điều này. Bởi vì nó chưa từng tồn tại".

Chuẩn bị đảo ngoặt thái độ, phương Tây "nợ" châu Á lời xin lỗi về việc đeo khẩu trang và COVID-19? - Ảnh 2.

Cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong mùa dịch COVID-19 (ảnh: Reuters)

Trong thực tế chỉ ra điều trái ngược hoàn toàn, chính là khẩu trang giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus.

Ông Burch viện dẫn một loạt các phân tích trên tờ Cochrane Review, trong đó nêu ra nhiều chứng cứ thuyết phục ủng hộ việc đeo khẩu trang trong đại dịch SARS 2003. Một nghiên cứu về lây nhiễm cộng đồng tại Bắc Kinh phát hiện, "liên tục đeo khẩu trang tại nơi công cộng giúp giảm 70% nguy cơ mắc SARS".

Ngay từ khi COVID-19 bắt đầu bùng phát, Hong Kong (từng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SARS) và nhiều chính quyền châu Á khác đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh.

Bất chấp những cái "nhíu mày" khó hiểu từ phương Tây, nỗi ám ảnh với khẩu trang của người châu Á được cho là đã đóng góp lớn trong việc kiềm chế dịch bệnh – so với châu Âu và Bắc Mỹ, nơi khẩu trang không được sử dụng thường xuyên hoặc rất khó để tìm thấy.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Hong Kong Ivan Hung cho hay, "nếu nhìn vào dữ liệu tại Hong Kong, đeo khẩu trang có lẽ là điều quan trọng nhất để kiểm soát dịch bệnh". "Và nó không chỉ làm giảm số ca nhiễm COVID-19 mà nó còn làm giảm tỷ lệ mắc cúm mùa", ông Hung nói.

"Dựa trên nghiên cứu, khẩu trang gần như có lợi hơn là có hại", ông Burch nhận xét. "Ngay cả với một chiếc khẩu trang vải tự may, nếu anh đeo đúng cách và tránh chạm vào nó, khoa học chứng minh rằng nó không gây tổn hại cho anh và giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm".

Chuẩn bị đảo ngoặt thái độ, phương Tây "nợ" châu Á lời xin lỗi về việc đeo khẩu trang và COVID-19? - Ảnh 3.

Một cửa hàng tại Moscow sử dụng hình bìa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đeo khẩu trang để nâng cao ý thức phòng tránh COVID-19 (ảnh: Sputnik)

Thông điệp phản tác dụng từ chính quyền?

Trong các hướng dẫn phòng COVID-19, CDC khuyến cáo người bị ốm đeo khẩu trang hoặc cố gắng "che mặt khi ho và hắt xì hơi", trong khi những người chăm sóc cũng nên đeo khẩu trang khi ở cùng phòng với người bệnh. Tuy nhiên, cũng theo CDC, những người không có triệu chứng "không cần" làm vậy do tình trạng khan hiếm khẩu trang tại bệnh viện.

Lời khuyên trên đã khiến nhiều người bối rối đặc biệt là những người ủng hộ đeo khẩu trang như một biện pháp phòng tránh. Không chỉ CDC, WHO, nhiều tổ chức y tế và nhiều chuyên gia khác cũng đều tuyên bố khẩu trang không có tác dụng bảo vệ trong hoàn cảnh thông thường mà chỉ cần thiết cho nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân.

Một số người cảm thấy đang bị chính quyền dối lừa và phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus. Có người trả lời lại cập nhật Twitter về khẩu trang của ông Adams hồi tháng 2 với câu hỏi, "tại sao khẩu trang tốt cho nhân viên y tế nhưng lại không phải là người dân?"

Trong một bài viết trên tờ New York Times, giáo sư khoa học thông tin Zeynep Tufekci bình luận, "để giải quyết vấn đề thiếu hụt, chính quyền đưa ra một thông điệp khiến họ trở nên không đáng tin cậy".

Chuẩn bị đảo ngoặt thái độ, phương Tây "nợ" châu Á lời xin lỗi về việc đeo khẩu trang và COVID-19? - Ảnh 4.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố đã bước đầu kiểm soát thành công đại dịch, người dân nước này vẫn thận trọng và đeo khẩu trang tại nơi công cộng (ảnh: getty imgaes)

Tránh tính trạng nhân viên y tế không có đủ khẩu trang hiện là ưu tiên hàng đầu cho những ai đang phản đối việc sử dụng khẩu trang một cách rộng rãi. Tuy nhiên, cho dù động cơ phía sau có tốt tới đâu, thì lập trường này có thể đã khiến virus lây lan rộng hơn, từ đó khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân.

Một trong những lý do để CDC Mỹ cân nhắc thay đổi khuyến nghị về đeo khẩu trang là, COVID-19 có thể lây lan ngay cả khi người mang virus không biểu hiện triệu chứng. Do vậy, nếu mọi người đều che mặt – giống như ở Hong Kong và nhiều nước châu Á vẫn làm kể từ tháng 1, tỷ lệ lây nhiễm có thể được kiểm soát.

Đáng lưu ý, thông tin virus có thể lây nhiễm trước khi người mắc bị ốm không hề mới, mà nó đã xuất hiện ngay từ những tuần đầu của đại dịch và đang ngày càng được củng cố trong những tháng gần đây.

Tình trạng thiếu khẩu trang và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện trên toàn nước Mỹ và nhiều nước khác, cần phải được giải quyết càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, nguyên nhân của những thiếu hụt đó đến từ sai lầm chính sách và các vấn đề trong chuỗi cung cấp, chứ không chỉ là nhu cầu mua khẩu trang bất ngờ gia tăng của người dân.

CNN kết luận, khi những chứng cứ ủng hộ cho việc đeo khẩu trang đang xuất hiện ngày càng nhiều, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi, bao nhiêu người có thể đã tránh được lây nhiễm COVID-19 nếu từ tháng 1, giới chức và truyền thông phương Tây vận động các nhà máy tăng cường sản xuất nội địa, đưa ra hướng dẫn về đeo khẩu trang tại nhà hay đề nghị các nước khác quyên góp khẩu trang dư - thay vì khăng khăng nói đeo khẩu trang không hề có tác dụng phòng chống virus như họ từng làm trong thực tế?

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ