• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đáp trả quân sự trực diện Mỹ - Iran: Leo thang khó lường liệu có còn cơ hội?

Thế giới 19/07/2019 10:07

(Tổ Quốc) - Căng thẳng ở khu vực vùng Vịnh hôm thứ Năm đã leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một tàu hải quân Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái Iran đe dọa tàu chiến nước này tiến vào eo biển Hormuz.

Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ có hành động như vậy nhằm vào Iran sau một loạt các sự cố ngày càng nghiêm trọng.

Ông Trump tuyên bố tàu chiến USS Boxer đã "có hành động phòng vệ" nhằm vào máy bay không người lái Iran vì nó "đe dọa sự an toàn của con tàu và thủy thủ đoàn tàu".

Máy bay không người lái này đã "ngay lập tức bị phá hủy", ông Trump nói, sau khi nó tiếp cận trong phạm vi 914m của Boxer.

"Đây là hành động mới nhất trong nhiều hành động khiêu khích và đối đầu của Iran, nhằm vào các tàu hoạt động trong vùng biển quốc tế", ông nói.

"Hoa Kỳ có quyền bảo vệ con người, thiết bị và lợi ích của chúng tôi và kêu gọi tất cả các quốc gia lên án các động thái của Iran nhằm phá vỡ tự do hàng hải và thương mại toàn cầu."

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói với các phóng viên rằng ông "không có thông tin gì về việc thiệt hại một máy bay không người lái hôm nay", khi ông đến trụ sở Liên Hợp Quốc để gặp Tổng thư ký Antonio Guterres.

6b3c225d558a5284a5ee6c74855ab924899ebc9a

Tàu USS Boxer đã bắn hạ một máy bay không người lái Iran. Nguồn: Yahoo News/AFP

Cuộc đối đầu diễn ra khi Iran đang nỗ lực bảo vệ hành động bắt giữ một "tàu chở dầu nước ngoài" hôm Chủ nhật - được cho là mang cờ Panama và 12 thủy thủ đoàn – với cáo buộc buôn lậu nhiên liệu.

"Con tàu đang trên đường vận chuyển nhiên liệu lậu nhận được từ các tàu Iran đến các tàu nước ngoài ở các khu vực xa hơn khi nó bị chặn lại", trang web Sepahnews của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết.

Hành động quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ

Vụ bắn hạ máy bay không người lái diễn ra sau một loạt các sự cố trong khu vực – đang được phương Tây đổ lỗi cho Tehran, bao gồm việc đặt mìn vào một số tàu chở dầu di chuyển qua vùng Vịnh gần đây.

Hồi tháng Năm, Lầu Năm Góc tuyên bố triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và lực lượng đặc nhiệm ném bom tới vùng biển gần Iran để phản ứng lại "tín hiệu từ mối đe dọa của lực lượng Iran".

Hồi tháng 6, Tehran đã bắn hạ một máy bay không người lái giám sát của Mỹ, điều khiến ông Trump đã ra lệnh không kích vào Iran. Nhưng ông đã hủy lệnh này vào phút cuối, nói rằng thương vong của cuộc tấn công sẽ quá cao.

Vào ngày 4/7, Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu Iran gần Gibraltar, được cho là đang vi phạm lệnh trừng phạt của EU để đi tới Syria. Những diễn biến liên quan sau đó đã gia tăng bất đồng giữa Iran và phương Tây, cũng như việc Mỹ đang kêu gọi triển khai một đội tàu quốc tế hộ tống các tàu chở nhiên liệu đi từ các mỏ dầu vùng Vịnh qua eo biển Hormuz.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, Tướng Kenneth McKenzie, hôm thứ Năm cam kết sẽ làm việc "tích cực" với các đối tác để đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển Vịnh.

Lo ngại xung đột lan rộng

Các sự cố trên đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực, có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Vùng Vịnh - nơi gần một phần ba lượng dầu của thế giới được vận chuyển.

Nguy cơ này cũng xuất hiện trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 JCPOA đang tan rã. Sau khi rút khỏi JCPOA năm ngoái, Washington liên tục áp dụng các biện pháp trừng phạt làm suy yếu kinh tế Tehran.

Đầu tháng này, Tehran đã vượt qua giới hạn quy định về làm giàu uranium trong thỏa thuận nhằm gây áp lực cho các bên khác - Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga – để hỗ trợ họ chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và bảo vệ lợi ích kinh tế cho họ.

Hôm thứ Tư tại Liên Hợp Quốc ở New York, ông Zarif đã cáo buộc Washington tiến hành "khủng bố kinh tế".

Các lệnh trừng phạt "bất hợp pháp, nằm ngoài lãnh thổ" đại diện cho mối đe dọa lớn nhất đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Iran và nhiều nước láng giềng của chúng tôi, "ông nói.

Cũng trong cùng ngày, Washington đã công bố các lệnh trừng phạt mới về cái mà họ gọi là "mạng lưới" các công ty ở Iran, Bỉ và Trung Quốc đang cung cấp nguyên liệu quan trọng cho chương trình làm giàu uranium của Tehran.

Khe cửa cho đàm phán?

Tuy nhiên, cả hai bên tiếp tục mở khả năng đàm phán. Theo tin từ Thư Guardian hôm thứ Năm, ông Zarif nói rằng ông đã đưa ra một thỏa thuận mới để tăng cường mức độ thanh sát đối với chương trình hạt nhân của Iran nếu Washington đồng ý gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Ông Trump dường như cũng dễ tiếp thu các cuộc đàm phán.

Ông nói với các phóng viên rằng áp lực đ đã buộc Iran phải giảm các hoạt động trong khu vực và cho rằng điều đó có thể dẫn đến các cuộc đàm phán.

"Bạn nhìn họ đang rút lại, và họ không rút lại vì họ yêu quý chúng tôi. Họ rút lại vì họ không có tiền", ông Trump nói.

"Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là có một thỏa thuận công bằng. Thỏa thuận đã được thực hiện là một thỏa thuận tồi .... Tôi không vội vàng."

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ