• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dấu ấn của nghệ sỹ trẻ Việt trên đất Mỹ

Văn hoá 04/05/2019 15:41

Nguyễn Thuỳ Anh là một nghệ sĩ trẻ đang sinh sống, làm việc và giảng dạy nghệ thuật ở thành phố New York, Mỹ. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thuỳ Anh đã có bảy năm sinh sống và làm việc ở Mỹ. Mặc dù thời gian học tập và lập nghiệp tại Mỹ chưa dài, nhưng với nỗ lực và sáng tạo không ngừng, Thùy Anh đã tạo được những dấu ấn riêng trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, được cộng đồng nghệ sỹ đón nhận tích cực.

Sự lựa chọn và cách tiếp cận riêng

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Studio Art và Sáng tác của trường DePauw University (2015), Thùy Anh đã lựa chọn theo đuổi nghệ thuật thị giác và cô đã tốt nghiệp Master chuyên ngành Fine Arts của trường Nghệ thuật thị giác Newyork (2018). Nói về lựa chọn này, Thùy Anh cho biết :” Tôi theo đuổi nghệ thuật này vì quan tâm tới ý niệm, tính biểu tượng và cách biểu đạt ý niệm với vật thể qua các tìm tòi thử nghiệm về mặt thị giác. Tư duy thị giác vốn hay bị nhầm tưởng là tư duy của cái đẹp đơn thuần, thực chất là tư duy của trí tuệ và tính triết học. Tôi cũng quan tâm đến việc thay đổi nhận thức này trong phần đông khán giả khi nói đến nghệ thuật thị giác.

Tư duy sâu sắc và đậm tính triết lý của Thùy Anh đã tạo nên một phong cách rất riêng, một cách tiếp cận khác biệt trong nghệ thuật.

Dấu ấn của nghệ sỹ trẻ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 1.

Một tác phẩm của Thùy Anh tại triển lãm

Những ấn tượng về khoảng cách và sự gần gũi

Học tập và lập nghiệp xa quê hương khiến Thùy Anh trải nghiệm những khó khăn về di cư và khoảng cách. Các tác phẩm của cô nghiên cứu sự gần gũi giữa người với người đối mặt với những khoảng cách do cuộc sống hiện đại đặt ra. Cô chuyển tải cảm giác chênh vênh giữa các nền văn hoá và miền địa lý; nỗi nhớ, hoài niệm, và lột tả cảm xúc đó thông qua những vật thể mang tính thân thể hoặc qua chính thân thể của nghệ sĩ.

Trong dự án Meet-by-Touch (tạm dịch: Gặp qua những cái Chạm) Thùy Anh trao đổi dấu ấn của cơ thể trên đất sét với một nghệ sĩ khác sinh sống tại Hà Nội trong thời gian một năm. Những miếng đất sét gửi qua bưu điện hàng tháng trải qua gần 13.000 km giữa New York và Hà Nội, thường đến nơi vỡ vụn hoặc thất lạc, nói lên trở ngại của khoảng cách địa lý mặc dù Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại tưởng như đã xóa nhòa khoảng cách đó.

Trong một tác phẩm khác mang tên “Semiotics of Distance” (một nghiên cứu về khoảng cách) Thùy Anh cắt chiếc mâm truyền thống biểu tượng cho sự sum vầy của người Việt và kết nối 2 mảnh mâm bằng một ống silicone có hình dáng như một bộ phận cơ thể (ruột hay dây rốn) và gắn chúng lên 2 cây chống 3 chân. Tác phẩm được trình diễn với 2 người đàn ông đi vòng quanh vật thể và liên tục thay đổi vị trí của cây chống trong tay.

Dấu ấn của nghệ sỹ trẻ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 2.

Studio của Nguyễn Thùy Anh.

Bài trình diễn nhấn mạnh tính biểu tượng giữa sự thay đổi liên tục về khoảng cách, gợi đến một liên kết mạnh mẽ giữa những mảnh mâm, cũng là biểu tượng về mối quan hệ ruột thịt trong cách trở về địa lý.

Trong tác phẩm “An Act of Simultaneous Looking” (tạm dịch “Quan sát đồng thời”)  cô đặt một ‘dụng cụ’ bao phủ bằng silicon màu da, cho phép hai người đồng thời đeo và nhìn qua; trong đó tầm nhìn được cố định cắt nhau một góc 60 độ. Đặt hai cơ thể trong trạng thái không gian vai nối vai, dụng cụ được thiết kế ngăn trở hai người đeo nhìn thấy nhau trong khi cùng phải sử dụng sức để giữ phương tiện nhìn. Cùng nhìn nhưng không thấy, kề vai nhưng khoảng cách giữa hai người không thể đo bằng đơn vị độ dài thông thường.

Sự đón nhận của người xem và cộng đồng nghệ sỹ

Những nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật của Thùy Anh đã gây ấn tượng đối với người xem và được giới nghệ sỹ đón nhận tích cực. Các tác phẩm của cô được trưng bày tại nhiều triển lãm ở cả Mỹ và Việt Nam; tại Mỹ : Miyako Yoshinaga Gallery, Sotheby’ Institute of Art , BOSI Contemporary, The Java Project, Pfitzer Factory, Trestle Gallery, và tại Việt Nam: Nha San Collective (Hà Nội).

Dấu ấn của nghệ sỹ trẻ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 3.

An Act of Silmultationeous

Đáng chú ý hơn cả là triển lãm gần nhất của cô cùng một nghệ sỹ Nhật Bản - Shohei Kondo, với chủ đề “Hai ngả khát vọng”, diễn ra tại Newyork trong 2 tuần cuối tháng 4/2019.  Các tác phẩm gây ấn tượng với người xem bởi sự đối lập về phong cách và cách tiếp cận của 2 nghệ sỹ đối với một chủ đề dễ gây tranh cãi: sự khát khao, khát vọng mang tính riêng tư về cơ thể con người.

Trưng bày trong triển lãm này, các tác phẩm điêu khắc của Thùy Anh gây ấn tượng sâu sắc khi thể hiện nỗi đau cơ thể. Cô sử dụng vật liệu tạo nên liên tưởng đến nội tạng như silicon màu da thịt đi kèm với với kim loại lạnh lẽo, cứng nhắc.  Các tác phẩm dễ làm người xem nghĩ đến các công cụ gợi nên sự cầm, nắm nhưng đồng thời cũng trói buộc hai cơ thể vào không gian.

Những tác phẩm của Thùy Anh trong triển lãm này tiếp tục khơi gợi vai trò của điêu khắc trong đương đại, mối liên quan của điêu khắc và trình diễn, phản ánh sự thiếu vắng, khát khao của con người khi đối mặt với rào chắn địa lý và những khoảng cách không thể xóa nhòa.

Dấu ấn của nghệ sỹ trẻ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 4.

Tác phẩm Meet by touch

Tạo được dấu ấn của riêng mình trên đất Mỹ đã là một thách thức, nhưng Nguyễn Thùy Anh không chỉ dừng lại ở đó. Cô chia sẻ :” Thế mạnh của nghệ sĩ Việt là còn có nhiều mảng văn hoá tư liệu lịch sử về Việt Nam vẫn chưa được nói đến ở New York.  Hy vọng sẽ sớm có triển lãm hay dự án hợp tác của các nghệ sĩ trẻ Việt để có thể trao đổi các nghiên cứu và các tác phẩm tại New York trong tương lai không xa”.


Theo tienphong.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ