• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đau đầu với câu hỏi thực nghiệm trong lộ trình đổi mới thi THPT Quốc gia

Giáo dục 29/04/2018 06:57

(Tổ Quốc) -Theo lộ trình định hướng, đề thi THPT Quốc gia thuộc tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên như Vật lý hay Hóa học năm nay sẽ có những câu hỏi về thí nghiệm, hiện tượng. Tuy nhiên, để giải quyết được những câu hỏi này, cả người dạy lẫm người học cần nhiều hơn cả những tiết thực hành, chưa kể đến chuyện những tiết thực hành hiện nay chưa thể đáp ứng đủ lượng kiến thức cho học sinh.

Năm nay, cả nước có 925.964 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tăng 6,9% so với năm 2017. Trong đó, 341.576 thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên, chiếm 37% trên tổng số thí sinh.

Kỳ thi THPT sẽ diễn ra vào ngày 24/6 đến 27/6/2018. Đây chính là khoảng thời gian nước rút để các em học sinh chuẩn bị kiến thức, sẵn sàng bước vào kỳ thi sắp tới. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi THPT Quốc gia 2018 tham khảo nhằm giúp thí sinh có định hướng ôn tập kiến thức một cách hợp lý nhất cho kỳ thi chính thức.

Sau khi đề thi THPT Quốc gia tham khảo được công bố, đã có ý kiến cho rằng đề “khó quá”. Tại buổi họp báo về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018, TS. Sái Công Hồng,Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Sau khi ra đề thi tham khảo, ban ra đề thi cũng ghi nhận những phản hồi từ giáo viên, học sinh để đề thi chính thức được hoàn thiện. Đồng thời, Cục Quản lý Chất lượng đang chọn mẫu câu hỏi từ các trường THPT và định ngưỡng câu hỏi để làm nguồn cho đề thi THPT Quốc gia, từ đó đề cũng sẽ gắn sát với năng lực thực tế của học sinh hơn.”

Cụ thể, đã có phản hồi rằng đề thi tham khảo tổ hợp môn KHTN khó hơn so với năng lực của học sinh. TS. Sái Công Hồng nhấn mạnh: “Những câu hỏi khó trong đề thi tổ hợp môn KHTN chỉ khó ở những câu về hiện tượng vật lý, hóa học chứ không hề khó về tính toán. Theo lộ trình định hướng, đề thi THPT Quốc gia sẽ có những câu hỏi về thí nghiệm. Nếu trường bỏ hoặc không chú trọng hoạt động thí nghiệm của học sinh thì các em sẽ gặp khó khăn với những câu hỏi tương tự. Việc đưa một số câu hỏi về thí nghiệm vào đề thi THPT Quốc gia là để dần bám vào chương trình sách giáo khoa mới.”

Cần nhiều hơn những tiết thực hành

Với chất lượng đầu ra thì hy vọng các em học sinh có thể làm được những câu hỏi về thí nghiệm. Tuy nhiên, thực tế nếu chỉ dựa vào các tiết thực hành đã đủ để học sinh có đầy đủ kiến thức “đối phó” với những câu hỏi về thí nghiệm, hiện tượng trong đề thì THPT quốc gia?

Đề thi THPT Quốc gia 2018 thuộc tổ hợp KHTN sẽ có thêm những câu về hiện tượng, thí nghiệm nhằm bám sát với chương trình sách giáo khoa mới. Ảnh: Thùy Trang

Trao đổi với phóng viên Tổ Quốc về việc thực hành thí nghiệm thực tế hiện nay tại trường THPT, bạn Nghiêm Tuấn Duy, học sinh lớp 11 trường THPT Lê Quý Đông, Hà Đông cho biết: “Đối với môn hóa, tại trường chúng em được thực hành đầy đủ. Trong chương trình sách giáo khoa có bài thực hành nào thì chúng em đều được vào phòng thí nghiệm hóa học để thực hành bài ấy.”

Bạn Hoàng Quân, học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái cũng cho biết tại trường, các bạn học sinh được tham gia các tiết thực hành hóa học khá đầy đủ theo chương trình.

Tuy nhiên, Hoàng Quân cũng cho rằng việc tham gia các tiết thực hành vẫn chưa giúp em bao quát được kiến thức thí nghiệm trong đề thi THPT Quốc gia, cụ thể như đề thi tham khảo đã được bộ công bố năm nay.

Quân chia sẻ: “Em thấy trong đề tham khảo môn Hóa có một số câu hỏi về thí nghiệm hóa học khá khó. Các câu hỏi thường là về điều chế, chuỗi phản ứng, phân biệt chất. Còn các tiết thực hành của chúng em trên lớp thì tương đối cơ bản, chủ yếu là thực hành phần hóa học vô cơ. Nếu chỉ dựa vào những tiết thực hành này thì chúng em chưa thể giải quyết được những câu hỏi khó về thí nghiệm trong đề.”

Học sinh cần chủ động

Để trả lời cho việc làm thế nào để các em học sinh có thể chuẩn bị kiến thức một cách tốt nhất, có khả năng hoàn thành tốt đề thi THPT Quốc gia, TS. Sái Công Hồng nhấn mạnh: “Đề thi sẽ có khoảng 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Nếu các em chỉ lo học những câu khó mà không nắm chắc 60% phần kiến thức cơ bản thì chưa chắc đã được điểm cao.”

Một câu hỏi liên quan đến thí nghiệm trong đề THPT Quốc gia tham khảo môn Hóa học.

“Theo kinh nghiệm của người làm công tác đề thi như chúng tôi, để làm được bài thi THPT Quốc gia, các em học sinh nếu nắm chắc những kiến thức trong sách giáo khoa có thể đạt điểm cao, hạn chế được nhiều sai sót khi làm bài. Tuy nhiên, đối với những câu hỏi mang tính phân loại, các em học sinh cần biết đào sâu, tìm tòi kiến thức mở rộng trên nền tảng những gì đã học được trong sách giáo khoa.”

Cô Diệu Hằng, giáo viên môn Vật lý trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông cho biết: “Nếu chỉ dựa vào những tiết thực hành trên lớp thì thực tế tôi cho rằng các em học sinh chưa thể làm được nhiều câu hỏi thí nghiệm, hiện tượng vật lý trong đề thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, tôi cũng cố gắng kết hợp nhiều phương pháp truyền đạt để các em dễ hiểu nhất có thể như trình chiếu powerpoint, vẽ mô tả hiện tượng, hoặc sưu tầm video trên mạng về các hiện tượng vật lý,…”

Về những câu hỏi mang tính phân loại, cô Hằng cho biết: “Thông thường trong đề thi Vật lý sẽ có những câu hỏi rất khó, yêu cầu sự đào sâu kiến thức. Là một giáo viên, tôi cũng luôn cố gắng dạy học sinh biết cách tư duy để tự mình giải quyết được nhiều dạng câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhiều em học sinh vẫn còn rất lệ thuộc vào giáo viên. Thầy, cô giáo cung cấp gì thì học cái đấy. Để chuẩn bị tốt kiến thức cho các em tham gia kỳ thi THPT Quốc gia, chúng tôi lại chính là những người đào sâu, tìm tòi kiến thức để truyền đạt lại cho các em.”

Chủ động hơn trong việc học, em Hoàng Quân cho biết thêm: “Ngoài các tiết thực hành, các bài giảng của thầy, cô trên lớp , để giải được những bài tập có kiến thức mở rộng hơn, em cũng chủ động tìm kiếm, học hỏi từ video trên mạng. Hiện nay, việc tìm kiếm các video về thực hành, thí nghiệm trên mạng khá dễ dàng. Hơn nữa, em thấy việc tiếp thu các kiến thức qua hình ảnh và âm thanh như vậy rất thú vị và dễ hiểu.”

Học sinh cần nắm chắc 60% kiến thức cơ bản để giải quyết được phần lớn câu hỏi trong đề thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, chỉ dựa vào những tiết thực hành và các kiến thức thầy, cô truyền tải trên lớp thôi là chưa đủ để các chuẩn bị cho bài thi tổ hợp môn KHTN, đặc biệt là những câu hỏi phần kiến thức nâng cao. Mấu chốt nằm ở việc học sinh cần chủ động tìm tòi để mở rộng kiến thức, học cách tư duy để giải quyết đa dạng câu hỏi trong đề.

 

Thùy Trang

NỔI BẬT TRANG CHỦ