• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đau đớn Syria đầy "màu sắc" và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ

Văn hoá 12/11/2018 15:39

(Tổ Quốc) - Một phần cuộc sống và cảm xúc của những người dân tị nạn Syria đã được các nghệ sỹ ghi lại.

Mới đây, một cuộc triển lãm trưng bày những tác phẩm hội họa ghi lại cuộc sống của người tị nạn Syria, đã được khai mạc tại thủ đô London (Anh). Các tác giả đã có thời gian thâm nhập các trại tị nạn, trực tiếp quan sát và trò chuyện với những tị nạn; từ đó ghi lại những cảm xúc chân thật nhất thông qua nghệ thuật. Hàng triệu người dân Syria đã phải rời bỏ quê hương khi cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc tại quốc gia Trung Đông. 

Cùng điểm lại một số tác phẩm đáng chú ý.

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 1.

Yousef tại Hamelin, 2016 (Toby Morison): Cậu bé Yousef 10 tuổi đi khỏi Syria cùng với người anh trai 18 tuổi của mình. Cả hai bị thất lạc trên đường đi nhưng may mắn cuối cùng gặp lại nhau tại một trại tị nạn, và hiện đang sống ở Đức. Khi tác giả Toby Morison đưa cho Yousef một mảnh giấy cùng cây bút chì, và đề nghị cậu bé vẽ lại điều gì đó từ cuộc sống trước đây; Yousef vẽ mình và bạn bè đang chơi bóng đá giữa các xe tăng và tên lửa.


Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 2.

Trang 129 của sự đe dọa, 2016 (Kate Evans): Tại Dunkirk, tác giả Kate Evans gặp một người phụ nữ trẻ mang bầu đến từ Iraq. Người phụ nữ được cho là đã bị bắt nạt trong khi đồ đạc bị phá hủy. Trong bức tranh phía bên trái, Kate miêu tả sự dũng cảm của người phụ nữ trẻ, sẵn sàng đối đầu với những kẻ đe dọa mình.

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 3.

Awet, 2015 (David Foldvari): "Awet đã có một chuyến đi không tưởng và rõ ràng rất sợ hãi khi chúng tôi nói chuyện với cậu bé", nghệ sỹ David Foldvari kể lại. Sau khi rời bỏ quê nhà ở Eritrea ở tuổi 15, Awet đi bộ tới Sudan. Cậu cùng 30 người khác ngồi chen nhau trong một chiếc xe tải để tới Libya, nhưng họ bị bắt cóc và cầm tù trong một nhà máy bỏ hoang. Tại đây, họ bị bỏ đói và tra tấn cho tới khi gia đình có thể trả tiền chuộc. Bằng một cách nào đó, Awet lên được một chiếc thuyền hướng về Italy nhưng thuyền lại bất ngờ bị chìm. Được giải cứu bởi lực lượng bờ biển đảo Sicily, hiện Awet đang ở Civico Zero – hai năm sau khi cậu rời Ethiopia.

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 4.

Nhà kho Belgrade, 2017 (George Butler): "Người tị nạn đốt mọi thứ để có thể giữ ấm", tác giả George Butler kể lại. "Khói mù mịt đến nỗi mỗi khi tôi đặt bút lên giấy và làm ướt giấy, một thứ mùi không thể tin được lại xuất hiện. Tờ giấy đã hút tất cả khói từ nơi này".

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 5.

Thời thơ ấu là hy vọng, 2016 (Asia Alfasi): Tác phẩm miêu tả một người tị nạn trẻ quay trở về ngôi nhà bị phá hủy thời thơ ấu. Cô gái bị ám ảnh bởi quá khứ, nhưng đồng thời cùng tìm được hy vọng khi nhìn thấy những đứa trẻ đang chơi đùa giữa đống đổ nát.

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 6.

Người Syria nấu bữa sáng ở ngoài trời, 2015 (Nick Ellwood): Bức tranh ghi lại hình ảnh Kasim, Dagji, Nayef… đang nấu bữa sáng cùng nhau, trong khi Musa, một bà lão đang bị ốm nằm trong lều. Với nhiều người tị nạn đến từ ngoài châu Âu, cúm là một căn bệnh mới và không hề dễ chịu.

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 7.

Nhóm người đang ngồi, 2017 (Gideon Summerfield): "Có vẻ thật nực cười khi thấy 7 chiếc xe cảnh sát chỉ để trông 50 người đang ngồi ăn lặng lẽ", nghệ sỹ Gideon kể lại. "Tôi bị kinh sợ bởi thái độ và cách hành xử của cảnh sát địa phương khi cố tình ngăn cản việc phân phát thức ăn cho người tị nạn".

Đau đớn Syria đầy màu sắc và ám ảnh qua con mắt người nghệ sỹ - Ảnh 8.

Xếp hàng đăng ký tại trại tị nạn, 2016 (Toby Morison): Tác giả Toby ký họa lại khung cảnh người đợi đăng ký xin tị nạn. Một người đàn ông đang xem lại hình ảnh gia đình trong điện thoại. "Một chiếc điện thoại di động là thường là thứ duy nhất họ sở hữu, và là mối liên hệ quý giá với quê nhà và gia đình", Toby cho biết.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ