"Miếng bánh" khiến Mỹ, Trung Quốc, Israel nhất loạt thèm muốn: Chứa thứ đắt hơn vàng gấp 300 lần

Trang Ly | 26-11-2020 - 20:53 PM

(Tổ Quốc) - Nơi nào có sức hấp dẫn khổng lồ đến như vậy với nhiều quốc gia trên thế giới?

Nơi đó chính là Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất và lớn nhất của Trái Đất. Nằm cách Trái Đất chúng ta khoảng 384.400 km.

Kể từ sau khi Neil Armstrong cùng đồng đội trên phi hành đoàn Apollo 11 thực hiện chuyến đổ bộ đầu tiên của con người lên Mặt Trăng năm 1969, các nhà chiến lược vũ trụ đã ví Mặt Trăng là Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ. Nơi đây được cho là chứa các tài nguyên khoáng sản cực kỳ quý giá cho con người trong hành trình khám phá không gian sâu (sao Hỏa và ngoại hành tinh) trong tương lai xa.

Vậy, vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất được cho là chứa những nguyên tố quý hiếm nào khiến cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, UAE... đều thèm muốn?

1. Helium-3

Các phản ứng hạt nhân an toàn trong tương lai có thể dựa trên một đồng vị của Helium (Helium‑3). Mặc dù chiếm rất ít trong lớp đất mặt Mặt Trăng (lên đến 20 phần tỷ), nhưng tại vùng Biển Tĩnh Lặng trên Mặt Trăng vẫn có nhiều Helium-3 hơn so với trên Trái Đất.

Miếng bánh khiến Mỹ, Trung Quốc, Israel nhất loạt thèm muốn: Chứa thứ đắt hơn vàng gấp 300 lần - Ảnh 1.

Đây là kết quả ước tính của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc (CLEP).

Trên Trái Đất, Helium-3 được xem là "của hiếm" vô cùng đắt đỏ. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ năm 2010, 1 gram Helium-3 có giá đến 15.000 USD, đắt gấp 300 lần so với giá vàng hoặc bạch kim cùng trọng lượng.

Dù được cho là "ít", nhưng lượng Helium-3 trên Mặt Trăng có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của loài người trong ít nhất khoảng 10.000 năm - Giáo sư Ouyang Ziyuan, nhà khoa học trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc (CLEP) nói.

Không giống như Trái Đất, được bảo vệ bằng từ trường của nó, Mặt Trăng đã bị bắn phá bởi một lượng lớn Helium-3 từ gió Mặt Trời. Người ta cho rằng đồng vị Heli này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân an toàn hơn trong lò phản ứng nhiệt hạch, vì nó không phóng xạ và sẽ không tạo ra các sản phẩm thải nguy hiểm.

2. Silicon

Silicon không phải là của quý hiếm trên Trái Đất - á kim này là nguyên tố phổ biến sau oxy trong vỏ Trái Đất - nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ không hữu ích trong không gian. Những người định cư trên Mặt Trăng trong tương lai có thể khai thác và tinh chế nó thành chất bán dẫn để tạo ra các tấm pin Mặt Trời, có thể cung cấp năng lượng cho các tiền đồn của họ. Thứ này tạo nên 20% bề mặt trên Mặt Trăng.

3. Đất hiếm

Đúng như cái tên, các nguyên tố đất hiếm - là 17 kim loại dẫn điện cao được sử dụng trong công nghệ như pin ô tô và điện thoại - rất hiếm trên Trái Đất. Ở những điểm giàu Kali và Phốt pho, Mặt Trăng có thể chứa các mỏ đất hiếm ngang bằng với những mỏ tốt nhất mà chúng ta có ở Trái Đất.

4. Titan

Titan được cho là có nhiều tại các vùng mặt phẳng bazan rộng và tối của Mặt Trăng. Nguyên tố này tạo thành tới 8% bề mặt Mặt Trăng. Titan Mặt Trăng chủ yếu tồn tại trong khoáng vật Ilmenite (FeTiO3) - khoáng vật titan-sắt ôxit có từ tính yếu. Do đó, theo các nhà khoa học, việc tinh chế Ilmenite có thể tạo ra các nguyên tố cần thiết cho cuộc sống xa Trái Đất.

Miếng bánh khiến Mỹ, Trung Quốc, Israel nhất loạt thèm muốn: Chứa thứ đắt hơn vàng gấp 300 lần - Ảnh 2.

Ảnh: Sinelab

5. Nhôm

Tại các cao nguyên Mặt Trăng - những khu vực sáng hơn, trái ngược với khu vực tối của Mặt Trăng - chứa đầy nhôm, một vật liệu nhẹ và chắc chắn khác được sử dụng trong các tòa nhà, máy bay và thiết bị y tế. Kim loại này chiếm khoảng 10 đến 18% lớp đất mặt Mặt Trăng.

6. Nước

Nếu tất cả các hố va chạm bị che khuất ở các cực của Mặt Trăng có nhiều băng như hố va chạm Cabeus ở phía nam, thì những người định cư Trái Đất có thể khai thác khoảng 2,9 tỷ tấn nước để uống và làm nông nghiệp. Nếu họ tách nó thành hydro và oxy thành công, nó cũng có thể là nhiên liệu cho các tên lửa hướng tới sao Hỏa.

7. Kim loại quý

Chúng ta không biết Mặt Trăng chứa bao nhiêu nguyên tố nhóm bạch kim. Các kim loại này là chất dẫn điện tuyệt vời và cũng không phản ứng, điều này khiến chúng trở nên lý tưởng cho các thiết bị điện tử và thiết bị cấy ghép như máy điều hòa nhịp tim.

"Người Mỹ đang khát khao đưa người lên Mặt Trăng trước Trung Quốc." - David Todd, thuộc Công ty nghiên cứu vũ trụ Seradata (Anh), cho biết. Dưới thời tổng thống Trump, NASA được chi một nguồn ngân sách lớn nhất trong lịch sử các đời ông chủ Nhà Trắng. Điều này phần nào nói lên quyết tâm tái đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21 của Mỹ cao mức nào.

Dự kiến, năm 2024, NASA sẽ đưa 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) đổ bộ Mặt Trăng. Sau đó, nước này tham vọng sẽ xây tiền đồn phục vụ khoa học, sau đó là cơ sở bền vững, cho con người lên sinh sống.

Bài viết sử dụng nguồn: Popsci

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM