• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy cao căng thẳng Nga, Ukraine bất ngờ khoét sâu chia rẽ nội khối EU

Thế giới 30/11/2018 15:18

(Tổ Quốc) - EU tỏ ra "chần chừ" trong việc đưa ra quyết định có mở rộng trừng phạt Moscow liên quan tới căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

AP dẫn lời các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm leo thang xung đột giữa Kiev và Moscow, sau sự kiện Nga bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine.

Theo đó, EU nhận thức được nguy cơ của việc tỏ thái độ rắn đối với Nga. Đây là lý do tại sao hôm thứ Tư (28/11), Liên minh một mặt mạnh mẽ cáo buộc hành động của Nga, mặt khác lại bỏ qua lời kêu gọi từ Ukraine mở rộng trừng phạt Moscow.

Đẩy cao căng thẳng Nga, Ukraine bất ngờ khoét sâu chia rẽ nội khối EU - Ảnh 1.

EU nhận thức được nguy cơ của việc tỏ thái độ rắn đối với Nga (ảnh: AFP)

Trong một thông cáo đưa bởi người đứng đầu cơ quan đối ngoại EU Federica Mogherini, EU khẳng định "cực kỳ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng nguy hiểm" về sự kiện biển Azov, và cho rằng việc Nga sử dụng vũ lực là "không thể chấp nhận được".

Trong khi ba quốc gia vùng Baltic – với sự ủng hộ của Ba Lan và Anh, muốn EU thể hiện một thái độ cứng rắn hơn, thì hai cường quốc hàng đầu là Đức và Anh lại nghiêng về những nỗ lực để giảm căng thẳng. Thông cáo của bà Mogherini không đề cập tới lệnh trừng phạt, mà chỉ khẳng định, EU sẽ "tiếp tục theo dõi chặt chẽ" tình huống, và từ đó có "hành động phù hợp".

Các quốc gia bao gồm Italy, Hy Lạp, Bulgaria và Cyprus từ lâu đã kêu gọi một lập trường mềm mỏng hơn trước Moscow. Theo họ, các lệnh trừng phạt kinh tế hiện tại áp dụng cho Nga, cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế EU.

"Vấn đề trừng phạt vẫn đang trong giai đoạn thảo luận. Đó là một trong những lựa chọn. Nhưng hiện tại, ưu tiên là khuyến khích mỗi bên giảm leo thang, cố gắng dập tắt lửa nóng", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho hay.

Vấn đề trừng phạt vẫn đang trong giai đoạn thảo luận. Đó là một trong những lựa chọn. Nhưng hiện tại, ưu tiên là khuyến khích mỗi bên giảm leo thang, cố gắng dập tắt lửa nóng

Một nhà ngoại giao EU

Cũng theo ông, nếu Nga vẫn tiếp tục chặn việc đi lại qua Eo Kerch và từ chối thả các thủy thủ Ukraine, thì câu hỏi về lệnh trừng phạt có thể sẽ được thảo luận tại một hội nghị bộ trưởng EU diễn ra trong vòng hai tuần tới.

Trong một bài phỏng vấn trên tờ Bild, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà muốn Ukraine "khôn ngoan" hơn; đồng thời tỏ ý sẵn sàng giúp làm giảm căng thẳng thông qua đối thoại.

Hôm thứ Ba (27/11), bà Merkel đã nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Hiện Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang có chuyến công du tới Pháp.

"Có rất nhiều hoạt động đang diễn ra. Hãy chờ xem mọi chuyện sẽ đi tới đâu. Tôi không cho rằng, EU sẽ thúc đẩy lệnh trừng phạt", một nhà ngoại giao châu Âu khác đánh giá.

EU lần đầu đưa ra các lệnh trừng phạt Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Kiev năm 2014. Các lệnh trừng phạt tiếp tục được thắt chặt trước những cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình chiến sự tại đông Ukraine.

"Để có thể thảo luận về lệnh trừng phạt mới, chúng tôi cần phải có một bức tranh toàn cảnh về những gì đã xảy ra," một nguồn tin EU nhấn mạnh.

Đẩy cao căng thẳng Nga, Ukraine bất ngờ khoét sâu chia rẽ nội khối EU - Ảnh 3.

Ukraine đã ban hành tình trạng chiến tranh trong 30 ngày (ảnh: AFP)

Còn ông Jan Koehler, một nhà phân tích chính trị và chuyên gia về lịch sử hậu Xô Viết tại Đại học Mở Berlin nhận định, phương Tây đang băn khoăn, liệu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có "đang tìm kiếm lợi ích về mặt chính trị" từ vụ việc này hay không.

Ngày 27/11, ông Poroshenko đã ký sửa đổi quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về các biện pháp khẩn cấp đảm bảo chủ quyền và độc lập quốc gia của Ukraine, và về việc ban bố tình trạng chiến tranh tại một số khu vực mà Ukraine cho là dễ bị Nga tấn công nhất. Thời gian bắt đầu thực thi tình trạng chiến tranh được tính từ 14 giờ ngày 26/11 cho đến 14 giờ ngày 26/12 tới (theo giờ địa phương).

Theo Koehler, tình huống căng thẳng hiện tại có thể giúp tỷ lệ ủng hộ cho ông Poroshenko được nâng cao trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Ba 2019.

Tương tự, Francois Heisbourg, người đứng đầu Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London phân tích, Ukraine đang muốn tận dụng cơ hội để thuyết phục phương Tây ngả về phía mình nhiều hơn nữa.

"Sẽ là một sai lầm nếu họ [Ukraine] tin rằng, càng để mọi việc leo thang, chúng ta [EU] sẽ nghe theo họ", ông Heisbourg cảnh báo.

Sẽ là một sai lầm nếu họ [Ukraine] tin rằng, càng để mọi việc leo thang, chúng ta [EU] sẽ nghe theo họ.

Francois Heisbourg

Phát biểu trên đài phát thanh Pháp, cựu Ngoại trưởng Pháp, ông Hubert Vedrine cho biết, một chính sách chỉ có trừng phạt đối với Nga sẽ "không có kết quả". Ông cũng chỉ ra, Tổng thống Putin có thể coi đây là cơ hội tốt để làm phân tán sự chú ý của người dân Nga khỏi các vấn đề đối nội.

"Phía Nga cũng tập trung vào vụ việc, có thể là để những người dân đã nghỉ hưu quên đi rằng, nền kinh tế Nga đang gặp rắc rối sau loạt trừng phạt từ EU và Mỹ liên quan tới cuộc xung đột Ukraine", cựu Ngoại trưởng nói.

Ngày 25/11, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau khi Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine, với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga.

Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để 2 tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển Kerch để vào Biển Azov.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moscow phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ