• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đề xuất cho người lao động nghỉ làm vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6"

Kinh tế 22/10/2019 13:54

(Tổ Quốc) - Ông Bùi Sỹ Lợi - phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, với một đạo luật lớn như Bộ luật Lao động, để tạo ra sự đồng thuận cao là rất khó nên phải cố gắng tạo ra sự đồng thuận quá bán và có lợi ích chung nhất.

Ngay mai, 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Luật này có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tính cạnh tranh của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) với 170 ý kiến thảo luận ở tổ và 26 đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường. Dự án Luật này cũng được đưa ra thảo luận tại nhiều phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sau kỳ họp thứ 7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo bộ luật.

Đáng chú ý, lần gửi xin ý kiến này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, thảo luận và trong quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 kết hợp tổ chức lấy ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, chuyên gia và cơ quan tổ chức có liên quan gắn với đặc điểm, tình hình của địa phương để lắng nghe thêm ý kiến về những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

IMG_1159

Ông Bùi Sỹ Lợi - phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc. Ảnh: Hà Giang

Báo Điện tử Tổ Quốc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này:

- Thưa ông, Bộ Luật Lao động dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp này. Vậy đến nay còn những vấn đề nào đang có ý kiến khác nhau ?

+Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 7 nội dung chính, đến nay còn 3 điểm phải thảo luận tiếp, trong đó có nội dung tăng khung thời gian làm thêm.

Vấn đề này mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ. Nhưng theo tôi, việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để thấy rằng việc làm thêm này không phải là đại trà.

Nếu chúng ta trình mà không làm rõ thì người lao động nghĩ rằng, kéo dài thời gian làm thêm đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của họ.

Về giờ làm chính, công đoàn đang muốn giảm giờ làm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, nhưng đến giờ này, Chính phủ không trình, mà muốn giảm cũng phải đánh giá tác động. Đây là nguyện vọng của công đoàn và tôi thấy hoàn toàn đúng đắn, nhưng một là chúng ta phải đánh tác động, thứ hai là phải lấy ý kiến của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.

Nhưng qua lấy ý kiến thì người chủ sử dụng lao động chưa muốn giảm thời gian làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ mà đề nghị Chính phủ nên có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Bản thân người lao động cũng thắc mắc nếu một năm giảm 208 giờ thì thu nhập của họ sẽ giảm đi nên họ không muốn.

Như vậy, giữa cung và cầu chưa thật sự đồng thuận thì chúng ta nên đánh giá tác động.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu được, Chính phủ nên đặt ra lộ trình đến năm 2021 - 2026 chúng ta bắt đầu giảm dần. Chứ nói giảm ngay bây giờ thì khó!

Còn quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là không tăng cường độ lao động, nghĩa là không nên kéo dài thời gian lao động, thay vào đó là giữ nguyên như hiện hành.

Một nội dung nữa là về tuổi nghỉ hưu. Tôi cho rằng nội dung này thì hoàn toàn yên tâm, bởi chỉ "rơi" vào những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, là những công chức, viên chức. Chúng ta đừng nghĩ rằng kéo dài thời gian nghỉ hưu là chiếm chỗ của lớp trẻ.

Lộ trình rất chậm: 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ. Nghĩa là đến 2028 mới có nam giới đầu tiên về hưu vào tuổi 62 và năm 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Và hiện nay chúng ta bắt đầu vào thời kỳ cung lao động thấp hơn cầu sử dụng.

Năm 2014 chúng ta có 1.200.000 lao động bước vào độ tuổi lao động và tham gia vào thị trường lao động nhưng đến nay con số đó là khoảng 400.000. Nguyên nhân là do quá trình kế hoạch hoá gia đình của chúng ta trong 20 năm qua. Đến bây giờ sau 20 năm chúng ta bắt đầu thiếu lực lượng lao động. Thế cho nên, lao động trực tiếp (lao động nặng nhọc, lao động hầm mỏ...) là không nâng tuổi nghỉ hưu. Nói là nâng nhưng cơ bản là giữ nguyên: nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi.

Trong nhóm sản xuất chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với những người lao động quản lý doanh nghiệp... là lao động gián tiếp.

Thêm một vấn đề còn ý kiến khác nhau nữa, đó là tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm là ngày 27/7. Nhưng sau khi các ĐBQH phát biểu thì Chính phủ đã xin rút. Đến bây giờ, nhiều ĐBQH cho rằng cần phải có thêm 1 ngày nghỉ lễ và nhiều người đề xuất nên chọn ngày 28/6 (ngày gia đình Việt Nam). Có người cũng đề xuất chọn ngày Lễ Phật đản, Noel... nhưng số đông chọn ngày 28/6.

Hiện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang xin ý kiến các ĐBQH về việc có nên thêm 1 ngày nghỉ trong năm hoặc không.

Tôi cho rằng, việc này Quốc hội có thể hoàn toàn quyết định. Cá nhân tôi cho rằng từ 1/5 - 1/9 thì ngày nghỉ lễ của chúng ta rất ít nên nếu chúng ta lựa chọn ngày nghỉ là ngày 28/6 thì hợp lý hơn. Ngay cả Chính phủ cũng lựa chọn nghỉ ngày 27/7 là vì trong khoảng thời gian này không có ngày nghỉ.

-Như vậy có nghĩa là dù còn ý kiến khác nhau thì vẫn thông qua, thưa ông?

+ Đối với một bộ luật lớn như thế này thì để tạo sự đồng thuận cao là rất ít, cho nên cố gắng để tạo ra sự đồng thuận quá bán và có lợi chung nhất. Chúng tôi nhận thấy có 10 nội dung có lợi cho người lao động và 6 nội dung có lợi cho chủ sử dụng lao động, rất tương đồng về mặt lợi ích của các bên. Nên trường hợp nào bất khả kháng mà các bên chưa thỏa hiệp được trên tinh thần chia sẻ thì đưa ra hai phương án để lấy ý kiến.

Hiện chúng ta đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), vì vậy, cần phải sửa đổi Bộ luật Lao động để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu quyền của người lao động trong hiến pháp, khắc phục những tồn tại của Bộ luật cũ trong 6 năm qua.


-Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Quan điểm của cá nhân tôi, đó là khi sửa Bộ Luật Lao động chúng ta phải đảm bảo hài hoà lợi ích của cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Bởi vì mục tiêu của chúng ta hiện nay là xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Vì thế nên Bộ Luật Lao động cần lắng nghe ý kiến của các bên và tại kỳ hop này. Các bên sẽ có ý kiến và sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp lại và chúng ta sẽ đi đến thống nhất. Còn những điểm nào mà hai bên chưa thống nhất cao thì sẽ đưa ra phương án để chọn.

Chúng ta cũng rất tương đồng về mặt lợi ích của các bên. Thế cho nên trường hợp nào mà đến phút chót các bên vẫn chưa thoả hiệp theo tinh thần chia sẻ thì phải đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến.

Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì dứt khoát không đặt vấn đề tăng thời gian làm thêm. Trong suốt 4 khóa Quốc hội vừa qua, Ủy ban các vấn đề xã hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm. Vẫn là 300 giờ. Đó là vì để đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ