• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất tháo vốn thông ách tắc cho nhà ở xã hội

Kinh tế 31/05/2018 20:28

(Tổ Quốc) - Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Thủ tướng chính phủ kiến nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỉ đồng để thực hiện nhà ở xã hội cho giai đoạn đến năm 2020. Đồng thời, cấp 3.431 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để bù lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội trong năm 2018.

 

Người dân đang dần khó tiếp cận nhà ở vì giá nhà tăng cao. Ảnh Đình Dân

Các đề xuất trên xuất phát từ thực tế việc phát triển nguồn nhà ở xã hội hiện nay đang gặp ách tắc do thiếu nguồn vốn. Theo đó Bộ Xây dựng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Tuy vậy, việc  phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc” – công văn Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Theo Bộ này nguyên nhân của thực trạng trên là do lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 chỉ vỏn vẹn hơn 1.262 tỉ đồng trên tổng nhu cầu khoảng 9.000 tỉ đồng ( tức chỉ đáp ứng được khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). 

Cụ thể riêng năm 2018 Ngân hàng này chỉ được giao 500 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỉ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân (chủ đầu tư dự án không được vay nguồn vốn này). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí.

Cũng theo Bộ Xây dựng thì sau khi gói 30.000 tỉ kết thúc đến nay không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay. 

Cần tháo gỡ vướng mắc phát triển nguồn cung cho nhà ở xã hội. Ảnh Đình Dân

Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại; số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế. 

 

Bên cạnh đó, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở. 

Cùng quan điểm trên, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng Chính sách nhà ở xã hội đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, có quy định nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân sách nhà nước, nhưng trên thực tế cho đến nay, người mua, thuê mua nhà ở xã hội, và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này. 

Đại diện HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cho biết từ năm 2016 đến nay, hiệp hội này đã có 8 văn bản kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong việc triển khai, thực hiện chính sách nhà ở xã hội. “Trong các văn bản kiến nghị nêu trên, chúng tôi nhận thấy vướng mắc lớn nhất là Nhà nước chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, do "danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" chưa được cập nhật, bổ sung vào Nghị quyết số 1023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên trong Nghị quyết chưa có danh mục chi này để Chính phủ có căn cứ thực hiện” , ông Châu phân tích.  

Hiện nay, thị trường BĐS đang được cảnh báo lệch pha cung cầu, giá đất tăng cao khiến người dân khó tiếp cận nhà ở.

 

Đình Dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ