ĐHCĐ: SCB sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 20.000 tỷ đồng trong năm nay và phát hành 500 triệu cổ phiếu trên UpCOM

(Tổ Quốc) - SCB sẽ thực hiện đợt phát hành 500 triệu cổ phiếu ra công chúng để bổ sung năng lực vốn tài chính trong bối cảnh toàn hệ thống TCTD đang khẩn trương đáp ứng yêu cầu vốn theo Basel II. Song song đó, về lâu dài, SCB vẫn tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để cùng tham gia vào tái cơ cấu Ngân hàng và thực hiện các mục tiêu dài hạn.

Cơ cấu cổ đông mới của SCB trong giai đoạn 2 tái cơ cấu

Sáng ngày 29/5/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCOM trong năm 2020-2021 và phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của SCB sẽ đạt 20.232 tỷ đồng.

Đề án tái cơ cấu giai đoạn hai (đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030), do NHNN phê duyệt vào tháng 3/2020, đã khuyến khích sự tham gia của cổ đông mới vào SCB để đa dạng cơ cấu cổ đông.

Lãnh đạo của SCB cho biết, việc đa dạng thêm cổ đông mới có phần sớm hơn so với kế hoạch dự kiến. Ngân hàng dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán vào sau năm 2022, lúc này SCB sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc "chốt" room ngoại khi năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh của SCB vững mạnh. Nhưng với đề án tái cơ cấu giai đoạn hai được NHNN phê duyệt thì việc thu hút thêm cổ đông cũng như kế hoạch niêm yết của SCB rõ hơn và triển khai trong năm 2020.

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tham gia vốn vào Ngân hàng luôn là mục tiêu dài hạn của SCB. Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn hai, SCB tiếp tục được ủng hộ về mặt chủ trương trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vốn với tỷ lệ trên 50%, song sẽ đa dạng thêm cổ đông, tức sẽ có nhiều cổ đông trong và ngoài nước tham gia, thay vì chỉ có một nhà đầu tư. Trong điều kiện thuận lợi, cho phép cổ đông nước ngoài nắm giữ trên 50%; cổ đông nước ngoài không nhất thiết là cổ đông chiến lược chiếm trên 20%, ưu tiên các định chế tài chính ở các nền kinh tế phát triển và phải trình Thủ tướng xem xét. Giá phát hành sẽ được hai bên đàm phán, thỏa thuận.

Kế hoạch gọi thêm cổ đông mới cùng tham gia với ngân hàng trong giai đoạn này có ý nghĩa rất tích cực. Vì tình hình SCB đã được cải thiện tích cực hơn sau giai đoạn tái cấu trúc.

Lãnh đạo SCB cũng cho biết, SCB sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính và phù hợp với chiến lược kinh doanh của Ngân hàng nhưng không giới hạn số lượng nhà đầu tư; miễn nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí do SCB đưa ra.

ĐHCĐ: SCB sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 20.000 tỷ đồng trong năm nay và phát hành 500 triệu cổ phiếu trên UpCOM - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông của SCB đã thông qua kế hoạch tăng vốn trong năm nay

Tăng vốn điều lệ tạo đà phát triển bền vững

Việc tăng vốn điều lệ sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của SCB, góp phần thực hiện các mục tiêu theo chiến lược kinh doanh của Ngân hàng.

Dự kiến trong năm 2020, theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua, tổng tài sản của SCB sẽ tăng lên 637.166 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng 65.000 tỷ đồng; cho vay tăng trưởng phù hợp với phê duyệt của NHNN; thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019…

SCB chú trọng tăng trưởng đóng góp từ phí dịch vụ thông qua vận hành của hệ thống ngân hàng giao dịch hiện đại và nâng cao trải nghiệm khách hàng qua các sản phẩm thẻ, bảo hiểm, thanh toán trực tuyến, thanh toán tự động… Cụ thể là các mục tiêu: tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019; tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số; đẩy mạnh phát hành mới thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ…

Ông Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT SCB nhấn mạnh: "Mục tiêu của Ngân hàng đã phải thay đổi theo xu hướng toàn cầu, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong năm 2020 này, tôi nghĩ toàn ngành ngân hàng không còn đặt mục tiêu lợi nhuận là thước đo cho sự thành công. Mà điều quan trọng cần làm trước mắt là cần đảm bảo được sự ổn định, sau đó mới tính đến việc tái khởi động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ngân hàng cần có sự đầu tư để thực hiện sự chuyển đổi, đón đầu cơ hội mới. Chúng ta sẽ đạt được kết quả đó trong 2-3 năm sau, nếu chúng ta chuyển đổi thành công. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, dịch Covid-19 không làm quá trình tái cơ cấu SCB chậm đi. Trái lại, càng tạo bối cảnh tốt hơn trong thay đổi cơ cấu - về định hướng, mục tiêu - cho cả thị trường nói chung, và SCB nói riêng mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ".

Định hướng kinh doanh gắn với giá trị "Ngân hàng vì cộng đồng"

Năm 2020, SCB đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng có Chất lượng dịch vụ và Quản trị trải nghiệm hàng đầu, định hướng kinh doanh gắn liền với giá trị "Ngân hàng vì cộng đồng", tương xứng với vị thế TOP 5 về quy mô tổng tài sản.

Thông qua tầm nhìn và giá trị cốt lõi của Ngân hàng, SCB cam kết thúc đẩy, đưa định hướng "vì cộng đồng" làm kim chỉ nam cho các hoạt động điều hành, phát triển kinh doanh. Quan trọng hơn, SCB sẽ cùng khách hàng, đối tác và cán bộ nhân viên kiến tạo những giá trị bền vững trong tương lai, phải thể hiện qua những góc độ thiết thực.

Không chỉ chăm sóc tối ưu cho khách hàng và củng cố giá trị doanh nghiệp, SCB còn đặc biệt quan tâm nâng cao nhận thức cũng như lan tỏa ý thức về trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

Từ năm 2019, SCB đã phát động chương trình chung tay xây dựng Quỹ S-Care cùng với thông điệp "Trao yêu thương, tròn hạnh phúc" thông qua việc trích lợi nhuận từ thẻ S-Care để hỗ trợ các bệnh nhân ung thư và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Cụ thể, khi khách hàng sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng S-Care của SCB, Ngân hàng sẽ trích một phần (khoảng 10%) lợi nhuận trên tổng lợi nhuận thu về từ việc kinh doanh của mình để phục vụ các hoạt động xã hội. Hiện SCB đã thành lập Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, với số tiền ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau đó, doanh số tăng dần thì nguồn tiền của Quỹ trên cũng tăng theo để hướng đến mục tiêu chung đã đề ra.

Ánh Dương

Tin mới