• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản tên lửa Chiến tranh Lạnh Nga – Mỹ áp sát bờ vực?

Thế giới 29/01/2019 11:39

(Tổ Quốc) -Mỹ có kế hoạch đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước vũ khí hạt nhân năm 1987 với Nga sau khi một thời hạn kết thúc vào cuối tuần này.

Và chính quyền Trump đang tiến gần hơn đến việc rút hoàn toàn khỏi một trụ cột ngoại giao thời Chiến tranh Lạnh, một quan chức Nhà Trắng ngày 28/1 cho biết.

Trừ khi Nga phá hủy tất cả các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được gọi là 9M729, các thiết bị và bệ phóng liên quan vào ngày 2/2, còn không thì Mỹ sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF, quan chức trên, đề nghị giấu tên, cho biết.

INF kí kết Thỏa thuận này được ghi nhận đã giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh và loại bỏ toàn bộ lớp tên lửa từng đe dọa châu Âu.

Quan chức này không cho biết liệu Hoa Kỳ có đồng thời tuyên bố rút lui hoàn toàn khỏi INF hay không – điều sẽ kích hoạt một quá trình sáu tháng để kết thúc hoàn toàn. Các quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã chuẩn bị cho sự sụp đổ của hiệp định trong nhiều tháng.

Di sản tên lửa Chiến tranh Lạnh Nga – Mỹ áp sát bờ vực? - Ảnh 1.

Tên lửa 9M729 của Nga đã là đối tượng bị Mỹ và NATO chỉ trích. (Ảnh minh họa: getty)

Tổng thống Donald Trump vào tháng 10 năm ngoái đã nói rằng ông sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đồng minh khác, ông đã quyết định trì hoãn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 12 cho biết Hoa Kỳ đã cho Nga thêm hai tháng nữa để trở lại tuân thủ INF.

Chúng ta phải đối mặt với sự gian lận của Nga đối với các nghĩa vụ hạt nhân của họ, ông Pompeo nói khi kết thúc một cuộc họp của NATO vào đầu tháng 12. Các quốc gia của chúng ta có một sự lựa chọn: Chúng ta hoặc vùi đầu vào cát, hoặc chúng ta có hành động chung để đáp trả sự coi thường của Nga đối với các điều khoản rõ ràng của Hiệp ước INF.

Mỹ cho rằng Nga đã hủy hoại hiệp ước INF trong nhiều năm bằng cách triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn nằm trong phạm vi cấm là 500 km - 5.500 km. Các đối tác NATO đã kêu gọi Nga thể hiện sự tuân thủ của mình. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gọi INF là lỗi thời và nói rằng hiệp định này không giải quyết mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.

An ninh toàn cầu

Quyết định rút lui của chính quyền Trump có tác động đáng kể đối với mối quan hệ Hoa Kỳ-Nga và môi trường chiến lược toàn cầu rộng lớn hơn.

"Khi họ ra khỏi hiệp ước, liệu họ có thể làm điều đó theo cách duy trì mức độ ổn định trong mối quan hệ chiến lược Hoa Kỳ-Nga không? Và thứ hai, làm thế nào để họ đảm bảo rằng liên minh đang đối thoại trên một lập trường chung?" ông Frank Rose, từng làm trợ lý bộ trưởng ngoại giao về kiểm soát vũ khí dưới thời cựu Tổng thống Obama cho hay.

"Nó không chỉ là một hiệp ước song phương từ Hoa Kỳ và Nga. Nó thực sự đi vào trung tâm của an ninh Á-Âu, ông Rose Rose nói thêm.

Chúng tôi không ở trong một cuộc chạy đua vũ trang, quan chức trên nói. Những gì chúng tôi đang làm là đang giải quyết tình hình an ninh, vì vậy nó không phải là một cuộc chạy đua vũ trang. Chúng tôi phản ứng để bảo vệ lợi ích của Mỹ, lợi ích an ninh quốc gia và bảo vệ các đối tác và đồng minh của chúng tôi.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Nhưng một cuộc chạy đua vũ trang là điều mà những người ủng hộ kiểm soát vũ khí đang lo sợ.

Kingston Reif, giám đốc giải trừ vũ khí và giảm mối đe dọa tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí, cho biết kể từ thông báo tháng 12 của ông Pompeo, cả Mỹ và Nga đều tỏ ra quan tâm đến việc cố gắng đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng về hiệp ước này thay vì thực hiện những nỗ lực ngoại giao nghiêm túc bền vững.

Với việc đình chỉ và nguy cơ rút lui kèm phía sau, Reif cho biết có những bước đi mà cả hai bên có thể thực hiện để giảm khả năng sụp đổ của Hiệp ước INF.

Ví dụ, ông đề nghị đạt được một thỏa thuận để giữ bất kỳ tên lửa nào không nằm trong INF đủ xa khỏi châu Âu, hoặc tiến tới một thỏa thuận quy định bất kỳ tên lửa tầm xa nào thuộc INF đều không có sức mạnh hạt nhân.

"Rủi ro là, ngay cả khi nó không xảy ra ngay lập tức, rằng Hoa Kỳ tiến lên với việc nghiên cứu phát triển tên lửa, bắt đầu thử nghiệm một hệ thống và xem xét các lựa chọn tên lửa khác nằm ngoài INF thì cũng sẽ gia tăng căng thẳng, tăng cường tính cạnh tranh về quân sự và gia tăng rủi ro của một cuộc chạy đua tên lửa, ông nói.

Mặc dù đã có nhiều phàn nàn đối với sự tuân thủ của các bên đối với hiệp ước này, INF đã có hiệu lực trong hơn 30 năm và đã góp phần vào sự ổn định ở châu Âu. Nguy cơ đổ vỡ lúc này báo trước một cuộc cạnh tranh mới trong việc triển khai các loại vũ khí bị cấm từ lâu, một tổ chức quy tụ nhiều nhà khoa học nguyên tử cho biết. "Lần đầu tiên kể từ những năm 1980, dường như thế giới đang hướng đến một môi trường hạt nhân không được kiểm soát, một kết quả có thể tái tạo cuộc đua vũ trang khốc liệt- vốn là dấu hiệu của những thập kỷ đầu của thời đại hạt nhân".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ