• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: "Chống dịch Covid-19 phải ưu tiên bảo vệ sức khoẻ người già, trẻ em và người nghèo"

Thời sự 02/03/2020 12:34

(Tổ Quốc) -Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các địa phương chủ động công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ (cách ly, chữa trị, vật tư, nhân lực). Phải quan tâm ưu tiên bảo vệ sức khoẻ cho người già, trẻ em và người nghèo; có giải pháp bảo vệ tuyệt đối sức khoẻ của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.

Dịch Covid-19 lây lan ra 66 quốc gia, Thường trực Thành ủy Hà Nội khẩn cấp họp bàn giải pháp mới  - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy bày tỏ lo lắng khi tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường - Nguồn: Hà Nội mới

Sáng 2/3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virurs corona (COVID-19) của Thành phố.

Trước tình hình chuyển biến mới, đòi hỏi phải có giải pháp mới

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, ngay từ khi có dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã vào cuộc kịp thời, quyết liệt. Cùng với cả nước, Ban Chỉ đạo đã hành động quyết liệt góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Thường trực Thành ủy thường xuyên nghe báo cáo, chỉ đạo trực tiếp và ban hành 1 công văn, 5 thông báo chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Dù vậy, Bí thư Thành ủy bày tỏ lo lắng khi tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội với đặc điểm cửa ngõ giao lưu trong nước, quốc tế... nên rủi ro, nguy cơ cao. Trước tình hình chuyển biến mới, đòi hỏi phải có giải pháp mới, bảo vệ an toàn cho nhân dân, người nước ngoài ở Hà Nội, khách du lịch... Do đó, Thường trực Thành ủy quyết định làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo nhằm đưa ra giải pháp. 

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến nay, thế giới đã ghi nhận 88.366 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.995 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.

Tại Việt Nam, đã 17 ngày liền chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới. Tại Hà Nội, tính đến nay cũng chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Hiện có 2.115 người thực hiện giám sát tại cộng đồng; 2.240 người đang cách ly tập trung tại các điểm do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý; Bệnh viện Công an Thành phố đang quản lý 124 người, đã hết thời hạn cách ly 56 người, còn 68 người đang phải cách ly.

Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đã thành lập 65 đội cơ động phòng chống dịch. Tất cả các ca bệnh nghi ngờ đều được xử lý triệt để đúng hướng dẫn của Bộ Y tế ngay từ khi phát hiện.

Sở Y tế đã giám sát chặt chẽ các hành khách nhập qua Cảng hàng không Sân bay Quốc tế Nội Bài và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Áp dụng khai báo y tế đối với tất cả các khách nhập cảnh đến hoặc đi qua các quốc gia và vùng có dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, hiện nay số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong vòng 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.497 người, trong đó từ khu vực Daegu là 38 người, từ khu vực Bắc Gyeongsang là 19 người.

Hiện tại, các đơn vị Y tế trên địa bàn Hà Nội có khả năng triển khai được 5.000 giường bệnh điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19. Cụ thể, 300 giường bệnh của Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư; bệnh viện Bắc Thăng Long 400 giường; 5 bệnh viên Thanh Nhàn, Đống Đa, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn thực hiện thu dung 600 giường bệnh; 31 bệnh viện công lập 3.00 giường; bệnh viện ngoài công lập 300 giường; bệnh viện Bộ, ngành 400 giường.

Sở Y tế nhận định, nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh là rất lớn, đòi hỏi TP không được lơ là, chủ quan, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ hơn giai đoạn trước.

Không loại trừ dịch bệnh kéo dài, chưa có thời điểm kết thúc, lây lan nhanh, rất phức tạp, khó lường, đang lan rộng khắp Thế giới và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội của TP.

Hiện trên Thế giới trong thời gian ngắn chưa có vắc xin đặc hiệu đối với dịch bệnh Covid-19. Do vậy, có tác động lớn đến tình hình an ninh quốc phòng cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng.

Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, mặc dù thực hiện cách ly tập trung số lượng lớn nhưng các điều kiện ăn, ở đều đang được bảo đảm. Bên cạnh suất ăn theo quy định là 57.000 đồng/người/ngày, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tăng gia, sản xuất thêm để bổ sung, nâng cao chất lượng bữa ăn cho người dân. Đặc biệt, trong số công dân đến từ Hàn Quốc được đón và cách ly có cả hai trẻ nhỏ hơn 5 tháng tuổi không có mẹ đi cùng, mặc dù thêm nhiệm vụ "làm mẹ", nhưng bộ đội vẫn đảm đương tốt.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng khẳng định, đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện khử khuẩn cơ sở vật chất lần thứ 5. Sở đã chỉ đạo kiểm tra các trang thiết bị phòng, chống dịch như nhiệt kế điện tử, nước rửa tay..., sẵn sàng phục vụ học sinh đi học trở lại.

Cần thiết thì phải cách ly cả một phường hoặc quận để phòng chống dịch

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, qua đánh giá, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm rất cao, xác suất có ca bệnh trên địa bàn thành phố cũng lớn hơn do không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác đang có số mắc tăng nhanh. Vì thế, thành phố không được phép chủ quan, thậm chí phải tính đến mọi tình huống.

Nếu xảy ra trên diện rộng thì sự tham gia của toàn thể người dân là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống dịch thành công. Vì thế, công tác thông tin truyền thông phải cụ thể hơn, trên nguyên tắc minh bạch, tập trung vào tuyên truyền nguy cơ của dịch và ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh đến mỗi người dân.

Dịch Covid-19 lây lan 63 quốc gia, vùng lãnh thổ: Thường trực Thành ủy Hà Nội khẩn cấp họp bàn giải pháp mới  - Ảnh 2.

Nguồn: Hà Nội mới

Về các giải pháp cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo, bắt đầu từ hôm nay (2-3), tất cả những người bắt buộc đưa vào cách ly tập trung hay những trường hợp cách ly tại cộng đồng đều phải được xét nghiệm Covid-19 trước khi đưa vào cách ly. Tất cả trường hợp đến bệnh viện có triệu chứng nghi ngờ cũng phải lấy mẫu xét nghiệm; công dân các nước nhập cảnh qua sân bay Nội Bài mà qua kiểm dịch y tế thấy có nghi ngờ thì cũng phải chủ động lấy mẫu xét nghiệm...

Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội, năng lực xét nghiệm Covid-19 của thành phố hiện nay làm được khoảng 250 mẫu bệnh phẩm/ ngày. Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành y tế phải tăng cường năng lực xét nghiệm hơn để có thể xét nghiệm nhanh hơn, giải tỏa được số người đang cách ly tập trung.

Riêng đối với ngành giáo dục, xung quanh lịch học của các trường, các cấp học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung thời gian năm học điều chỉnh. Theo khung này, nếu như học sinh cấp 3 (khối THPT) đi học trở lại từ ngày 9-3 tới đây thì sau khi kết thúc năm học vẫn còn 3 tuần trước kỳ thi đại học, hoàn toàn đáp ứng được chương trình đề ra.

Thậm chí, trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp thì “quota” (hạn ngạch-PV) của học sinh cấp 3 vẫn có thể nghỉ kịch khung đến hết tuần thứ ba của tháng 3 này mà không ảnh hưởng tới lịch học và lịch thi, trừ trường hợp học sinh đi du học sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự, đối với các trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở, trong trường hợp dịch diễn biến xấu thì vẫn hoàn toàn có thể cho nghỉ học đến hết tháng 3-2020.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn giữ được như thế này, vẫn kiểm soát được như hiện nay, cộng thêm yếu tố thời tiết ấm lên thì hoàn toàn có thể yên tâm cho học sinh cấp 3 (Trung học Phổ thông) đi học trở lại từ 9-3, và từ 16-3 thì cho các cấp học  còn lại đi học trở lại” – Chủ tịch UBND TP nói.

“Đấy là với điều kiện chúng ta vẫn kiểm soát được dịch như hiện nay. Còn nếu có diễn biến mới thì chúng ta sẽ lại tính toán các điều kiện trong tình hình mới” – ông Chung nói thêm.

Trước đó, thảo luận tại cuộc họp, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, nếu có ca nhiễm ở trong khách sạn hay nhà chung cư thì theo đánh giá nguy cơ lây lan rất mạnh thông qua thang máy hay hệ thống điều hòa không khí.

Bí thư Quận ủy – Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cũng cho biết, quận Thanh Xuân có hệ thống chung cư rất lớn với 109 tòa nhà chung cư, gần 600 thang máy, trong đó có những chung cư có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Vì thế, cần tiếp tục làm mạnh hơn việc cách ly, sát khuẩn, đo thân nhiệt ở những cơ sở, cuộc họp có nhiều người.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, khi phát hiện ra trường hợp mắc Covid-19 trong 1 khách sạn hay 1 tòa nhà chung cư, tinh thần là phải cách ly cả tòa nhà đó để phòng tránh lây nhiễm.

“Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đã chỉ đạo, cần thiết thì có thể cách ly cả một khu dân phố, một phường, thậm chí một quận để phòng chống dịch” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. 

Quyết tâm không để bệnh dịch xâm nhập trên địa bàn Thủ đô 

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận TP đã chủ động phòng chống Covid-19 từ rất sớm với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác thông tin báo cáo được duy trì nề nếp. TP cũng đã làm tốt công tác đón nhận, cách ly tập trung; chuẩn bị tốt các điều kiện, trang bị vật tư y tế với kịch bản ở mức cao nhất; tổ chức tiêu độc, khử trùng các tại các trường học từ mầm non đến đại học.

“Cho đến nay, TP đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô, đạt thắng lợi ban đầu quan trọng, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người dân Thủ đô” – Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Dù vậy, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đã lây lan ra rất nhiều các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống của người dân... thì dự báo sắp tới, diễn biến dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, bởi TP là đầu mối giao lưu quốc tế, lượng người đi lại rất lớn, người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội đông, người học tập và làm việc sinh sống tại các nước cao…Vì thế, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu trong công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang, lo lắng quá mức, tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của TP, cũng như của Việt Nam.

Xác định phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của TP trong giai đoạn hiện nay, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục quán triệt tinh thần nhiệm vụ phòng chống dịch là của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Các địa phương chủ động công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ (cách ly, chữa trị, vật tư, nhân lực). Quan tâm ưu tiên bảo vệ sức khoẻ cho người già và trẻ em, người nghèo; có giải pháp bảo vệ tuyệt đối sức khoẻ của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.

Xác định “nhiệm vụ kép” trong giai đoạn hiện nay là vừa phòng chống dịch đồng thời cũng thực hiện các giải pháp duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tinh thần quyết tâm không để bệnh dịch xâm nhập trên địa bàn Thủ đô đồng thời phải chuẩn bị kịch bản đối phó với mức xấu nhất.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy đề nghị tăng cường kiểm tra giám, không được chủ quan, lơ là, báo cáo không trung thực tình hình tại cơ sở.

Cùng với đó, giải pháp cách ly theo các cấp độ vẫn là hàng đầu. Tiếp đó, cần rà soát tất cả những người đi từ vùng dịch chưa qua 14 ngày; thực hiện nghiêm việc khai báo và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. TP tiếp tục bố trí điểm cách ly, đảm bảo điều kiện ăn ở tốt nhất cho bà con trong khả năng của TP.

Bí thư Thành ủy lưu ý, quan trọng nhất vẫn là minh bạch các thông tin trong công tác phòng chống dịch, bởi nếu chúng ta không chủ động thì mạng xã hội cũng sẽ thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Đồng thời, có ứng xử phù hợp để tránh tâm lý kỳ thị đối với người nước ngoài.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Phải đảm bảo môi trường an toàn tuyệt đối khi học sinh quay trở lại trường. 

Về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, TP chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô tính toán giới hạn đỏ có thể đảm bảo được các điều kiện điều trị được bao nhiêu ca một cách cụ thể nhất; tính toán các trường hợp cách ly nếu có ổ dịch phát sinh tại cộng đồng, nhất là tại đô thị... cũng như việc tổ chức diễn tập công tác phòng dịch.


Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ