Điểm sáng lớn 9 tháng đầu năm 2020: Thặng dư thương mại cao nhất 15 năm, đạt 16,5 tỷ USD

T.D | 21-10-2020 - 12:44 PM

(Tổ Quốc) - Cán cân thương mại hàng hóa là điểm sáng lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cán cân thương mại hàng hóa trong quý 3 ước tính thặng dư 10,7 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2020 thặng dư 16,52 tỷ USD - mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây, báo cáo VEPR trích từ Tổng cục Hải quan cho biết.

Tăng trưởng chậm chạp, thương mại quốc tế là điểm sáng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do chưa kiểm soát được dịch Covid-19, Việt Nam đã bắt đầu có sự hồi phục từ quý 2-3.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2020 đạt mức 2,62%, trong 9 tháng đầu năm đạt 2,12%. Nếu như khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu nhiều tác động tiêu cực thì khu vực nông - lâm - thủy sản ít bị ảnh hưởng nhất.

Trong khu vực công nghiệp - xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,69%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trong mười năm gần đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; khai khoáng giảm 5,35%, xây dựng tăng 5,02%.

Ba quý đầu năm 2020, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước trong một thập kỷ vừa qua. Trong đó, hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú ảnh hưởng nặng nề nhất.

Về vốn đầu tư FDI, dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới trong quý 3 đạt 1,96 tỷ USD, giảm đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện trong quý 3 tăng 8,4% so với quý trước, đạt 5,15 tỷ USD.

Điểm sáng lớn 9 tháng đầu năm 2020: Thặng dư thương mại cao nhất 15 năm, đạt 16,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Điểm sáng lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn chính là tình hình cán cân thương mại hàng hóa. Theo Tổng cục hải quan, cán cân thương mại hàng hóa trong quý 3 ước tính thặng dư 10,7 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2020 thặng dư 16,52 tỷ USD - mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Có được điều này là do xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng điện thoại - linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu giảm nhẹ.

Về tổng thu ngân sách, ước tính thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2020 đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2019. Việt Nam phải đối mặt với áp lực liên quan đến thâm hụt ngân sách, nợ công tăng lên.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ cũng tăng lên, hết năm nay dự kiến ở mức 23% trên tổng thu ngân sách và có thể tăng lên mức rủi ro - 25% trong năm 2021.

Kiến nghị chính sách

Thảo luận trong buổi báo cáo, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả do đòi hỏi nhiều thủ tục tốn kém. Số doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế cũng chưa đáng kể.

Ông Thế Anh đề xuất thúc đẩy các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đặc biệt là đối với khu vực kinh tế phi chính thức. Đồng thời, cắt giảm các chi phí đang thực sự không cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí công đoàn.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Nền kinh tế phải chấp nhận "sống chung với lũ" do đến cuối 2021, khả năng mới có vaccine cho Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, trong đó có kinh tế số và thương mại điện tử.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM