Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Năm 2018 là một năm khá sôi động của điện ảnh Việt. Cùng điểm lại những vấn đề của điện ảnh Việt trong năm qua.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường

Trong năm 2018 công tác quản lý nhà nước lĩnh vực điện ảnh không ngừng được tăng cường. So với các lĩnh vực văn hóa khác, điện ảnh có thị trường rộng lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến toàn xã hội. Để tạo điều kiện cho công nghiệp điện ảnh phát triển cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo kịp với sự phát triển của xã hội, việc lập đề nghị xây dựng Luật cần nhiều thời gian để nghiên cứu, thu thập, xử lý thông tin, vì vậy Thủ tướng Chính phủ đồng ý thời gian trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là quý III năm 2019.

Năm 2018, Cục Điện ảnh đã tháo gỡ một số khó khăn trong quy trình thẩm định và cấp kinh phí đặt hàng sản xuất phim, thực hiện giải ngân các dự án phim tài liệu, khoa học, hoạt hình quay tư liệu theo kế hoạch đặt hàng Đợt 1 các năm 2016 - 2017 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá Nhà nước đặt hàng sản xuất phim 06 dự án phim truyện theo kế hoạch đặt hàng Đợt 1 và Đợt 2 phim truyện năm 2015 - 2017 gồm "Lính chiến", "Người yêu ơi", "Hợp đồng bán mình", "Thạch Thảo", "Truyền thuyết về quán Tiên" và "Cô gái tóc xanh" và các dự án phim tài liệu, khoa học, hoạt hình theo kế hoạch đặt hàng Đợt 2 các năm 2016 – 2017.

Tính đến cuối tháng 12/2018, Cục Điện ảnh đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành: 34 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 234 phim truyện nước ngoài,16 phim truyện video, 02 phim truyện hợp tác với nước ngoài, 05 phim tài liệu nhựa, 33 phim tài liệu kỹ thuật số và 32 phim ngắn. Cục Điện ảnh đã cấp 13.070 tem nhãn quản lý đĩa hình.

Số lượng phòng chiếu phim trên cả nước năm 2018 là 901 phòng với 130.900 ghế, ước tính doanh thu chiếu phim thương mại là 3.500 tỷ đồng. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Điện ảnh luôn theo sát và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL về những kiến nghị của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, Công ty CJ CGV Việt Nam xung quanh vấn đề Công ty CJ CGV Việt Nam phát hành phim Việt Nam và khởi chiếu phim nước ngoài đồng thời tại các rạp trong và ngoài hệ thống rạp của CJ CGV Việt Nam.

Ngày 29/06/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2012 hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh. Theo đó, thẩm quyền giám định văn hóa phẩm xuất khẩu là các loại phim của cơ quan, tổ chức hoặc phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài chưa được công bố, phổ biến; tiếp nhận hồ sơ cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim chuyển từ Phòng Quản lý xuất nhập văn hóa phẩm - Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang Cục Điện ảnh. Kể từ khi tiếp nhận tháng 8/2018 đến đầu tháng 12/2018, Cục Điện ảnh đã cấp 135 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung không nhằm mục đích kinh doanh, chưa có hồ sơ giám định văn hóa phẩm xuất khẩu nào trình thẩm định và xin cấp phép.

Điện ảnh Việt 2018 - Một năm nhìn lại - Ảnh 1.

Phim "Thạch Thảo" được Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư sản xuất

Phim Việt chuyển mình mạnh mẽ

Năm 2018 cũng đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của phim Việt đặc biệt về nội dung và chất lượng phim. Hiện tổng số hãng phim được cấp Giấy phép là 500 hãng. Báo cáo của Cục Điện ảnh cho thấy số lượng phim truyện do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam thực hiện tính đến tháng 12/2018 là 34 phim (tương đương với năm 2017). Điều này cho thấy việc sản xuất phim truyện chiếu rạp chững lại do sức cạnh tranh lớn từ các phim ngoại nhập cũng như việc sản xuất phim phát hành trên mạng tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mặt bằng chất lượng phim ngày càng được nâng cao, tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài. Một số tác phẩm điện ảnh đã đạt được bước tiến bộ đáng kể về mặt nghệ thuật và giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cũng như giành được sự quan tâm của công chúng như phim "Song lang", "Vợ Ba", "Cô ba Sài Gòn".

"Cô Ba Sài Gòn" là một trong những bộ phim đình đám trong đầu năm 2018 với doanh thu 60 tỷ đồng. Bộ phim do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn làm đạo diễn, Ngô Thanh Vân và Thủy Nguyễn đóng vai trò sản xuất, dựa theo phần kịch bản của A Type Machine với sự tham gia của các diễn viên như Ninh Dương Lan Ngọc, NSND Hồng Vân, Diễm My, Ngô Thanh Vân, Diễm My 9x, S.T 365 và Oanh Kiều.

Khai thác yếu tố văn hóa và truyền thống xung quanh tà áo dài của phụ nữ Việt Nam gắn với không gian văn hóa thành thị phương nam những năm 60, phim đã giành được thành công vang dội ở trong nước và nước ngoài với giải Phim xuất sắc nhất và Kịch bản xuất sắc nhất giải Cánh diều vàng 2018, đi dự LHP Busan và LHP Châu Á Osaka 2018. Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc được trao giải thưởng Gương mặt châu Á tại LHP Châu Á Osaka Á và Giải thưởng của Ban Giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 20. Phim đã được Cục Điện ảnh cử làm đại diện điện ảnh Việt Nam dự tranh giải Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài.

Điện ảnh Việt 2018 - Một năm nhìn lại - Ảnh 2.

Bộ phim "Song Lang" với câu chuyện về nghệ thuật cải lương

Cùng với đề tài văn hóa truyền thống, bộ phim "Song Lang" của đạo diễn Việt kiều Leo Lê Quang gây được sự chú ý của công chúng bởi những trích đoạn cải lương xen kẽ diễn tiến câu chuyện phim, cùng với những góc đời, góc tâm trạng nghệ sĩ phía sau màn nhung sân khấu. Bộ phim là câu chuyện hấp dẫn về nghệ thuật cải lương, cũng là lời tri ân của đoàn làm phim đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Cùng với "Song Lang", diễn viên Liên Bỉnh Phát đã giành giải thưởng Tokyo Gemstone tại LHP Tokyo đầu tháng 11/2018. Tuy nhiên, điều đáng buồn là doanh thu của phim không được như mong đợi.

Nhìn chung các phim Việt ra mắt trong năm 2018, thể loại phim tình cảm, phim hài vẫn chiếm chủ đạo, đáng kể nhất phải kế đến thành công của các bộ phim như Siêu Sao Siêu Ngố, Chàng Vợ Của Em với doanh thu hơn 85 tỷ đồng. Sau thành công của Cô Gái Đến Từ Hôm Qua và Em Chưa 18 năm 2017, năm 2018 thể loại phim về thanh xuân vườn trường tiếp tục được ra mắt như: Tháng Năm Rực Rỡ, Hạ Cuối Tình Đầu, Ngốc Ơi Tuổi 17, Thạch Thảo, Em Gái Mưa và Trường Học Bá Vương.

Sự thành công của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ V từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 10 năm 2018. Với 147 phim đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 201 buổi chiếu phim tại rạp, trong đó có 48 buổi chiếu có nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả, hơn 100 đại biểu quốc tế, gần 50 Đại sứ và đại diện các Đại sứ quán trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, hơn 800 đại biểu và khách mời Việt Nam, hơn 100 nhà báo, phóng viên Việt Nam và quốc tế tham dự các sự kiện, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V cho thấy đây là sự kiện điện ảnh có quy mô lớn đóng vai trò quan trọng trong khu vực, phạm vi ngày càng được mở rộng, nâng tầm và khẳng định uy tín quốc tế.

Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V đã đạt được những thắng lợi quan trọng trong đó phải kể đến công tác xã hội hóa được thực hiện tốt. Ban giám khảo được đánh giá có uy tín, gồm các nhà chuyên môn nổi tiếng của thế giới; các nghệ sĩ làm phim và khách mời là các ngôi sao điện ảnh điện ảnh hàng đầu. Thành công ấn tượng nhất của Liên hoan Phim là đã tạo được không khí náo nức tham gia lễ hội điện ảnh cho khán giả thủ đô, những người làm điện ảnh và đại biểu quốc tế. Chất lượng phim tuyển chọn trình chiếu ở các khu vực cao, nhiều tác phẩm xuất sắc khiến LHP thực sự trở thành sự kiện văn hóa được hưởng ứng mạnh mẽ nhất trong công chúng thủ đô.

Điện ảnh Việt 2018 - Một năm nhìn lại - Ảnh 3.

Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V đã đạt được những thắng lợi quan trọng. Ảnh: Nam Nguyễn

Vẫn còn những góc khuất

Bên cạnh những điểm sáng, điện ảnh Việt năm 2018 vẫn còn nhiều vấn đề. Điều dễ nhận thấy là sự lép vế của phim Việt trước làn sóng phim nước ngoài khi chỉ có gần 40 phim Việt Nam được chiếu rạp năm nay so sánh với số lượng phim ngoại (hơn 230 phim). Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam do khi ký kết các Hiệp định Thương mại của WTO (năm 2007), Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, đã ồ ạt nhập khẩu phim vào Việt Nam. Phim của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa ít về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào hệ thống phát hành do nhà đầu tư nước ngoài quản lý. Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số ban bộ ngành liên quan phản ánh việc CJ CGV có dấu hiệu thống lĩnh thị trường, chèn ép các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim. Tuy nhiên, do những vướng mắc về quy định pháp lý, nên cho đến nay, vụ việc nói trên vẫn chưa được giải quyết.

Một vấn đề khác được Cục Điện ảnh đưa ra là việc chậm ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn đấu thầu đặc biệt sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện tại, việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa được thực hiện vì chờ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục các gói thầu đặc biệt (trong đó có gói thầu hợp tác sản xuất phim) theo Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013. Do vậy, kế hoạch, dự toán ngân sách đăt hàng, đấu thầu điện ảnh năm 2018 và các năm tiếp theo chưa được thực hiện vì chưa có hướng dẫn phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng trong công tác quản lý, sau 3 tháng tiếp nhận công việc cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh thực hiện Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL Cục Điện ảnh nhận thấy một số vướng mắc về mặt pháp lý đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp như Luật Điện ảnh quy định các doanh nghiệp có rạp mới được phép nhập khẩu phim, tuy nhiên không có quy định đối với Doanh nghiệp đứng ra nhập phim truyền hình khi chưa có đơn vị phát hành; Chưa có quy định về việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với các phim nhập để phát trên Internet (Youtube, các website....); các kênh truyền hình trả tiền (K+, truyền hình cáp....).

Trong năm 2018, tuần phim Việt Nam tại các nước do Cục Điện ảnh chủ trì tổ chức với kinh phí xã hội hóa đã đem lại tiếng vang trong và ngoài nước, đặc biệt các Tuần phim Việt Nam tại Argentina và Canada. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài lại trông chờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa.