• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện ảnh Việt vẫn trăn trở bài toán kinh phí làm phim

Văn hoá 13/07/2017 10:45

(Tổ Quốc) - Bên cạnh những ghi nhận sự phát triển điện ảnh Việt Nam thì câu chuyện trong tự chủ của các đơn vị nhà nước cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất phim vẫn còn đó những “trăn trở” trong 6 tháng nhìn lại hoạt động của điện ảnh Việt Nam.

Ngày 12/7, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác ngành điện ảnh 6 tháng đầu năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Thứ trưởng Vương Duy Biên đã tham dự và chủ trì Hội nghị. 

Mạnh mẽ trong hợp tác, hội nhập quốc tế

Tính đến tháng 6/2017, Cục Điện ảnh đã thẩm định 168 phim trong đó có 16 phim truyện chiếu rạp Việt Nam được phổ biến; 111 phim truyện nước ngoài được phổ biến, 5 phim truyện video và 26 phim tài liệu. Trong công tác phát hành phim trong 6 tháng đầu năm 2017 trên cả nước có 628 phòng chiếu với số lượng ghế trên 94 nghìn. Đặc biệt, một ghi nhận lớn là trong công tác thanh tra, kiểm tra là đến nay chưa có vi phạm nào xảy ra.

Cục Điện ảnh nhìn lại 6 tháng đầu năm 2017 với nhiều thành công trong hợp tác quốc tế

Bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Trong đó, điểm nhấn đáng ghi nhớ là việc lần đầu tiên, Cục Điện ảnh đã chủ trì chuỗi hoạt động nổi bật tại Liên hoan Phim Quốc tế Cannes: tổ chức gian hàng Việt Nam giới thiệu điện ảnh và đất nước con người Việt Nam, giới thiệu phim mới, bối cảnh quay các bộ phim bom tấn tại Việt Nam… Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình quốc gia Pháp; tổ chức thành công Đêm Việt Nam thu hút hơn 600 nhà lãnh đạo điện ảnh, nghệ sĩ, nhà sản xuất quốc tế nhằm quảng bá điện ảnh du lịch Việt Nam…

Đoàn Điện ảnh Việt Nam cũng tham dự Hội chợ Điện ảnh và Truyền hình quốc tế Hồng Kông bằng nguồn vốn xã hội hóa, tham dự Hội thảo xây dựng kịch bản và làm phim hợp tác ASEAN, các tuần phim Việt Nam tại các nước Hàn Quốc, Tây Ban Nha..., Hội thảo toàn cầu KOFIC 2017 tại Hàn Quốc mở ra các cơ hội học tập, giao lưu của điện ảnh Việt Nam.

Bà Lương Thị Minh Phương- Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, với nguồn kinh phí eo hẹp hiện nay thì các đơn vị khó có cơ hội tự tìm đến với các đơn vị, các hãng phim nước ngoài để hợp tác, trao đổi. Việc Cục Điện ảnh chủ trì nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế đã tạo cơ hội giao lưu, hợp tác làm phim, mua bán phim giữa các hãng trong nước với các đơn vị nước ngoài.

Trăn trở kinh phí làm phim

Ngày 28/10/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9217/VPCP – KTTH về kinh phí thực hiện đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim cho các năm 2015, 2016, 2017. Tuy nhiên, hiện nguồn tài chính cho điện ảnh vẫn hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim tài trợ đặt hàng của nhà nước năm 2017, kế hoạch sản xuất phim của các hãng phim.

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Bộ VHTTDL sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mức cho các đơn vị, các hãng trong khả năng bằng việc mở các trại sáng tác, chọn các tác giả có tài năng đi sáng tác kịch bản, tạo nguồn kịch bản cho điện ảnh

Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa tiến hành còn chậm gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Các đơn vị chuyển sang cơ chế tự chủ cũng gặp không ít khó khăn. Một số hãng phim thiếu thốn cơ sở vật chất, không được đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị lạc hậu nên khó cạnh tranh với các với doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên thị trường. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của điện ảnh.

Đời sống của nghệ sĩ và cán bộ nhân viên ở tất cả các cơ sở điện ảnh trong Bộ VHTTDL rất khó khăn, khó duy trì đội ngũ. Nhiều đơn vị trong ngành đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Các cán bộ, chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm nghỉ hưu trong khi đội ngũ mới bổ sung chưa có kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp. Chính sách, cơ chế đãi ngộ nhiều đơn vị trong ngành không đủ mạnh để thu hút cán bộ có trình độ giỏi gia nhập đội ngũ và gắn bó lâu dài với điện ảnh.

Đơn cử như tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, bà Lương Thị Minh Phương cho biết: “Cơ sở vật chất mặc dù được nhà nước đầu tư những cũng đã 5,7 năm rồi. Trong khi phim hoạt hình đòi hỏi cao về công nghệ mà sau 5 năm thì mọi thứ đều đã trở nên lỗi thời”.

Trước những khó khăn này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đề xuất “Trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa Cục Điện ảnh với các cơ quan chức năng trong và ngoài Bộ để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các chính sách tài trợ, đặt hàng cho điện ảnh”.

Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng đề nghị chủ động tìm nguồn kịch bản, đạo diễn trẻ có nhiết huyết nhằm tạo nên những góc nhìn đa dạng về phim truyện. Tổ chức nhiều trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình, mở rộng và phát triển mạng lưới cộng tác viên để có thêm nhiều kịch bản hay; Tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng phim; Đẩy mạnh phổ biến phim Việt Nam tại rạp, đặc biệt là các phim có giá trị nội dung và nghệ thuật; Tăng cường quảng bá cho phim do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ sản xuất với việc bố trí kinh phí quảng bá tuyên truyền trong tổng dự toán sản xuất phim.

“Theo kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 2017, Cục Điện ảnh sẽ tiến hành xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi lần II). Xây dựng và trình lần thứ ba Đề án thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”. Đặc biệt là chuẩn bị nguồn kịch bản cho sản xuất phim giai đoạn 2018 – 2020”- bà Lan cho hay. 

Trước những vấn đề khó khăn hiện nay của ngành Điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng, các đơn vị phải thích ứng trong điều kiện mới (cổ phần hóa) và chủ động tìm hướng đi, mở rộng quan hệ, đầu tư, kết nối với các đơn vị trong và ngoài nước để giảm khó khăn, có kinh phí sản xuất phim.

Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mức cho các đơn vị, các hãng phim năng bằng việc mở các trại sáng tác, chọn các tác giả có tài năng đi sáng tác kịch bản, tạo nguồn kịch bản cho điện ảnh./.

Bài, ảnh: Hà An

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ