Diễn biến dịch ngày 6/4: Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 245

Team Xã hội | 06-04-2020 - 05:48 AM

(Tổ Quốc) - Tin vui trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam liên tiếp diễn ra khi hôm nay là hai buổi sáng liên tiếp, kể từ ngày 7/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào.

Tiếp tục cập nhật...

Chính phủ chưa chốt kéo dài thời gian cách ly xã hội

Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 khi việc cách ly toàn xã hội bước sang ngày thứ 6.

Theo Thủ tướng việc thực hiện giãn cách xã hội tạo ra hiệu quả khi mà trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ít hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực.

Thủ tướng cũng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. "Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới. Dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. "Từ nay đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn", Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

"Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân". Thủ tướng nói, nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.

Về ý kiến kiến nghị của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho phép kéo dài thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15/4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề cách ly xã hội.


Test nhanh Covid-19 với mọi người dân đến Sài Gòn bằng đường hàng không và đường sắt

Ngày 6/4, Sở Y tế TP. HCM cho biết sắp tới sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh đối với tất cả hành khách nhập cảnh vào TP. HCM qua đường hàng không, đường sắt. Xét nghiệm nhanh này được thực hiện bằng bộ kit test nhanh kháng thể cho kết quả trong 15 phút. Dự kiến ngày 9/4 tới đây sẽ tiến hành triển khai kit test nhanh này.

Theo Sở Y tế, trung bình mỗi ngày có trên 1.300 khách đến TP. HCM bằng đường hàng không và đường sắt. Trong đó, đường hàng không có 3 chuyến/ngày, lượng khách trung bình khoảng 450 khách/ngày; khách đến bằng đường sắt (ga Sài Gòn) có 2 chuyến ngày, lượng khách trung bình 900 người/ngày.

photo-1

Mọi người dân đến Sài Gòn bằng đường hàng không và đường sắt sẽ được test nhanh Covid-19.

Đại diện Sở Y tế cho biết, những hành khách khi xuống máy bay, nhà ga sẽ được đo nhiệt độ, kiểm tra triệu chứng bệnh, lập tờ khai y tế và lấy địa chỉ cư trú, đồng thời yêu cầu tự cách ly tại nhà 14 ngày dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Đối với những hành khách có nghi ngờ, sẽ được lấy mẫu xét nghiệm để xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT- PCR, nếu dương tính sẽ được đưa đi cách ly tập trung ngay sau đó. Khi đến nơi cách ly tập trung sẽ tiếp tục xét nghiệm lại lần nữa.


Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM còn 8.400 chỗ cách ly, 2.300 giường bệnh luôn sẵn sàng

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM tối nay, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, đến thời điểm hiện tại, công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của TP đang có nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể như khả năng cách ly, TP sẵn sàng 12.600 chỗ, hiện còn dư 8.400 chỗ chưa sử dụng. TP có 2.300 giường với đầy đủ các phương tiện trang thiết bị để chữa cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có 1.000 giường luôn trong trạng thái sẵn sàng.

Ông Nhân đề nghị người dân TP cần nghiêm túc tiếp tục thực hiện thật tốt các giải pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn, không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết…


Thêm 4 ca mắc bệnh COVID-19: 1 người liên quan Bệnh viện Bạch Mai

Chiều 6/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 trường hợp mắc bệnh COVID-19.

Ca bệnh 242 (BN242): Bệnh nhân nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch-Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện.

Ngày 30/3, bệnh nhân khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh.

Ngày 4/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ca bệnh 243 (BN243): Bệnh nhân nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, sinh sống và làm việc tại Nga.

Ngày 25/3, bệnh nhân từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290, ghế 23A, nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại ký túc xá Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội.

Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 5/4 và cho kết quả dương tính với SARS-COV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ca bệnh 244 (BN244): Bệnh nhân nữ, 44 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nhân viên phục vụ quán ăn nhanh tại Đức.

Bệnh nhân từ Đức đến Nga trên chuyến bay SU2313, số ghế 20F, nối chuyến từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290, ghế 40C, nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài ngày 25/3.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại ký túc xá Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội.

Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả bệnh nhân đã dương tính với SARS-COV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ca bệnh 245 (BN245): Bệnh nhân nữ, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Quỳnh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhân viên làm móng tại Tây Ban Nha.

Bệnh nhân từ Tây Ban Nha đến Nga trên chuyến bay SU250, số ghế 26B, nối chuyến từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290, số ghế 30H và nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài ngày 25/3.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội.

Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả bệnh nhân đã dương tính SARS-COV-2.

Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.



Bộ Y tế kiến nghị kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội

Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng cho biết việc thực hiện cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cách hiện nay.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế Covid-19.

"Do thực hiện cách ly toàn xã hội, dự kiến thời gian tới số ca nhiễm không tăng nhanh mà chỉ xuất hiện một số trường hợp. Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, hiện chưa có người tử vong", ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay tới đón người về nước và không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

Bộ Công an cần chỉ đạo công an địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.

"Hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách ly xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía Nam", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.


Chủ tịch HN: "Đã có những ca nhiễm lây lan ngoài cộng đồng không xác định được F0"

9138419419185386416150303693356946083020800o-15861635395101471438930

Nhận thấy trên địa bàn thành phố đã có những ca nhiễm lây lan ngoài cộng đồng không xác định được F0, ví dụ như bệnh nhân 237, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu người dân nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội 15 ngày.

Theo ông Chung, từ khi bắt đầu giai đoạn 2 (từ 6/3), đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân nhất, kể cả trừ đi các ca bay về từ nước ngoài thì vẫn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất.

Hà Nội ghi nhận 96 ca bệnh Covid-19, chia làm 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất, phát hiện qua sàng lọc rà soát ở sân bay, được đưa đi cách ly tập trung ngay nên ít có khả năng lây lan cộng đồng. Nhóm thứ hai là các ca nhiễm chéo trong bệnh viện và cộng đồng. Nhóm cuối là các ca nhiễm ở trong bệnh viện Bạch Mai (36 ca).

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

Hà Nội: Phát hiện thêm 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trở về từ Nga, đang cách ly tại khu Ký túc xá của Đại học FPT

Ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Hà Nội xét nghiệm sàng lọc các trường hợp trên chuyến bay từ Moscow (Nga) về Hà Nội ngày 25/3, phát hiện 1 trường hợp (35 tuổi, ở Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đang cách ly tại khu Ký túc xá của ĐH FPT dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân này xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lấy mẫu lần hai dương tính.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

4 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

BN 117: bệnh nhân nam, 30 tuổi, quốc tịch Việt Nam

BN 118: Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam

BN 122: Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.

BN 154: Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam điều trị tại bệnh viện Lao và bệnh Phổi Cần Thơ.

Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Phát hiện trường hợp dương tính lần 1 SARS-CoV-2 sau khi khám ở BV Bạch Mai 23 ngày trước

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội vào sáng 6/4, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm sau đó cho biết, từ công tác rà soát, Hà Nội đã ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 ở huyện Mê Linh có tiền sử đến khám tại Khoa miễn dịch dị ứng của Bệnh viện Bạch Mai.

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, công dân Q.Q.T., sinh năm 1973, ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh đến khám, điều trị ngoại trú tại khoa Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12/3, đến 9h15 ngày 6/4 dương tính với Sars-CoV-2.

Huyện Mê Linh đã cử đội phản ứng nhanh, phối hợp với UBND xã Mê Linh khẩn trương tiến hành điều tra, khoanh vùng, dập dịch, xử lý theo quy định.

photo-1

Ảnh: Tiền phong

Huyện đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 để theo dõi, điều trị. Phối hợp điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần (Fl), các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2), đề nghị UBND xã, thị trấn ra quyết định cách ly y tế.

Cùng với đó, huyện đã thành lập ngay các chốt cách ly toàn bộ xóm Bàng, để khoanh vùng ổ dịch. Đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân trong khu vực.

TP.HCM chấp thuận hỗ trợ người bán vé số 750.000 đồng/15 ngày mất việc vì Covid-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Uỷ ban nhân dân TP.HCM hỗ trợ những người bán vé số 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ là 15 ngày, tính từ ngày 1/4.

Kinh phí thực hiện dự kiến chi từ Quỹ Vì người nghèo TP.HCM và quận, huyện. Tổng cộng, mỗi người bán vé số chịu ảnh hưởng sẽ được nhận 750.000 đồng.

Sau khi xem xét, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã chấp nhận đề xuất trên. Tuy nhiên việc hỗ trợ người bán vé số 750.000 đồng/15 ngày mất việc (gần 9 tỷ đồng) vì tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết được TP.HCM sẽ chi từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 (khoảng 2.753 tỷ đồng là mức cao nhất được thông qua).

photo-1

Bộ Y tế khuyên những việc hiệu quả nên làm hàng ngày để chống COVID-19

Bộ Y tế khuyên những việc hiệu quả nên làm hàng ngày để chống COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ Y tế khuyên những việc hiệu quả nên làm hàng ngày để chống COVID-19 - Ảnh 3.

Bộ Y tế khuyên những việc hiệu quả nên làm hàng ngày để chống COVID-19 - Ảnh 8.

Xem toàn bộ bài viết tại đây.

Đình chỉ công tác Trưởng ban phòng, chống Covid-19 xã ở Thanh Hóa

Ông Đỗ Doãn Cường, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị đình chỉ công tác 7 ngày, vì để hai hộ dân trên địa bàn tổ chức đám cưới, tụ tập đông người.

Theo ghi nhận của VOV, hôm 26/3, một gia đình nhà gái tổ chức lễ nạp tài, trong buổi lễ có khoảng 10 người tham gia nhưng không ăn uống. Tới 29/3, gia đình này làm buổi liên hoan có khoảng 84 người tham gia. Đến ngày 1/4, gia đình bà B. (nhà trai) tổ chức buổi tiệc liên hoan có khoảng 60 người tham gia. Tiếp đó, sáng 2/4, gia đình bà B. tổ chức lễ cưới có khoảng 30 người tham gia nhưng không tổ chức ăn uống.

Trước đó, giới chức địa phương kiểm tra và cho hai gia đình ký cam kết tổ chức tiệc ở 2 thời gian khác nhau (nhà gái 29/3 và nhà trai 1/4) với số lượng không quá 30 người.

photo-1

Ảnh: VOV

Chưa thể nói dịch COVID -19 đã lui

Liên tiếp trong 3 ngày qua, Việt Nam ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới giảm, từ 11 ca ngày 2/4 xuống còn 3 ca ngày 4/4 và hôm qua là 1. PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây chưa phải là giá trị dịch tễ đánh giá dịch đã lui, là một tín hiệu vui, nhưng không chủ quan.

Theo ông Nga cần theo dõi ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để ngăn chặn dịch, vì thế cơ hội trong những ngày này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch COVID-19 để không bùng phát mạnh trong cộng đồng. Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, Thứ trưởng Long nhận định, việc tuân thủ giãn cách xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch vì bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc gần.

Nếu thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Nếu không kịp thời khống chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền. Nếu qua 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội. Khi đó, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Theo bản tin phát lúc 6h sáng ngày 6/4 của Bộ Y tế, đây là buổi sáng thứ 2 liên tiếp kể từ ngày 5/4, đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới ở nước ta. Đến hiện tại, tổng số ca mắc vẫn là 241 trường hợp (150 người từ nước ngoài chiếm 62,2%; 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa)- ngày hôm qua, 5/4 chỉ ghi nhận duy nhất 01 ca mắc mới.

Cả nước đã thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội trong 5 ngày qua. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4.Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Diễn biến dịch ngày 6/4: Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 245 - Ảnh 23.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

MB dẫn dắt làn sóng đổi mới "Z hoá" ngành ngân hàng

Là ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số và sáng tạo, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) liên tục ra mắt thị trường những sản phẩm "siêu thẻ" độc đáo, tích hợp nhiều tính năng, đồng thời "săn lùng" kho ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng của mình, thể hiện rõ sự "yêu và chiều" của MB dành cho thế hệ khách hàng hiện đại.