• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điều Trung Quốc lo ngại ở Biển Đông đang đến

Thế giới 19/09/2016 06:25

(Tổ Quốc)-Nhật Bản sẽ vượt “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc vạch ra tại Biển Đông.

 

Một trong những điều Bắc Kinh lo ngại tại Biển Đông là Nhật Bản can dự quân sự sâu vào vùng biển này. Tokyo trước đây đóng một vai trò thụ động tại Vành đai Thái Bình Dương. Từ khi lên cầm quyền, chính phủ Abe bắt đầu quá trình điều chỉnh chính sách Biển Đông. Nếu Nhật Bản can dự vào Biển Đông và tham gia tuần tra chung với Mỹ trong Hoạt động Tự do Hàng hải ở Biển Đông (FONOPS), mà Mỹ tiến hành từ cuối năm 2015, sẽ gây phức tạp cho bố trí chiến lược của Trung Quốc.

Mỹ khuyến khích Nhật Bản tham gia tuần tra chung ở Biển Đông để tăng sức ép với Trung Quốc. Tokyo tuy nhất trí về nguyên tắc, nhưng nội bộ trong gần một năm qua chưa nhất trí, do lo ngại gây thêm phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc.

Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh với Tokyo nếu tham gia tuần tra chung ở Biển Đông là vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Để thỏa hiệp, chính phủ Nhật Bản thực hiện các hành động từ thấp đến cao: thực hiện các diễn tập tìm kiếm và cứu hộ trên biển với Philippines, cũng như với các nước Đông Nam Á khác; máy bay tuần thám EP3  đã bay trên một số vùng biển Đông Nam Á; thực hiện các chuyến thăm cảng tại Philippines và Việt Nam; máy bay tiếp liệu tại Philippines; cung cấp một số tàu cảnh sát biển và tàu quân sự cho Philippines và Việt Nam…

Vùng biển của Nhật Bản ở Đông Bắc Á liên kết với biển Đông Nam Á. Là một đất nước hải đảo, thiếu tài nguyên thiên nhiên, đường biển qua Biển Đông là huyết mạch kinh tế của Nhật Bản. Trong chiến tranh lạnh, việc bảo đảm thông thương hàng hải trên các vùng biển Đông Á do hải quân Mỹ đảm nhiệm.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược biển có tính bành trướng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông tạo ra những thách thức mới đối với an ninh biển của Nhật Bản. Những biến động và biến đổi trong môi trường biển ở châu Á-Thái Bình Dương đặt Nhật Bản trước thách thức chiến lược.

Những hành động gây sức ép của hải quân Trung Quốc tại biển Hoa Đông và biển Nhật Bản, việc Triều Tiên tích cực phát triển kho vũ khí hạt nhân và năng lực tên lửa, cùng với việc Tòa trọng tài Thường trực (PCA) La Hay ra phán quyết ngày 12/7 đã chấm dứt sự lưỡng lự của Tokyo trong chính sách Biển Đông.

Đầu tháng 8 năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe cải tổ nội các. Thay đổi chủ yếu là bổ nhiệm bà Tomomi Inada, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, thay Gen Nakatani. Tomomi Inada được xem là “Sarah Palin” hoặc “Marine Le Pen” của Nhật Bản. Sarah Palin là một nhân vật theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa ở Mỹ, từng được cử làm ứng cử viên phó tổng thống cùng với Thượng Nghị sĩ John McCain. Còn Marine Le Pen là nhân vật đứng đầu phe cực hữu của Pháp. Tomomi Inada ủng hộ các quan điểm cứng rắn của Shinzo Abe ngay khi ông này chưa trở lại cầm quyền, thường xuyên thực hiện các chuyến thăm Đền Yasukuni Shrine bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tomomi Inada đang được LDP giao cho những cương vị khó khăn phức tạp để tích lũy kinh nghiệm làm ứng cử viên thủ tướng khi ông Abe mãn nhiệm vào năm 2020. Và một trong sứ mệnh khó khăn có lẽ là đưa tàu chiến Nhật Bản tham gia tuần tra chung ở Biển Đông.

Hải quân Nhật Bản sẵn sàng tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông - một quyết định mới quan trọng trong chính sách Biển Đông của Tokyo

Ba nội dung chính sách Biển Đông

Ngày 15/9, khi thăm Mỹ, Tomomi Inada đã đến phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Liên quan đến Biển Đông, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đã nói thẳng: “Những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông gần đây khiến không chỉ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dường mà cả bên ngoài lo ngại. Những hành động gần đây của Trung Quốc thể hiện những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng nhằm tạo ra hiện trạng mới buộc các nước phải chấp nhận, phá hoại các quy tắc hiện hành. Nếu thế giới dung túng cho những hành vi bẻ cong luật lệ, quy định vùng nước và vùng trời ở Biển Đông (và Hoa Đông), thì hệ quả sẽ mang tính toàn cầu chứ không riêng gì khu vực tây Thái Bình Dương. Về vấn đề này, tôi (Bộ trưởng Tomomi Inada) ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động Tự do hàng hải của Hải quân Mỹ, củng cố trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp. Về phần mình, Nhật Bản cũng sẽ đẩy mạnh can thiệp vào biển Đông thông qua, ví dụ như, Lực lượng Phòng vệ biển sẽ tham gia tuần tra chung với Hải quân Mỹ, tham gia các cuộc tập trận song phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước ven biển. Đối phó với những thách thức an ninh từ Trung Quốc là một khía cạnh trong chính sách an ninh và quốc phòng của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ thúc đẩy Trung Quốc trở thành một nhân tố góp phần vào ổn định và thịnh vượng trong khu vực chứ không phải một kẻ phá hoại”.

Ba nội dung chính mà bà Inada xác định – Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản tham gia tuần tra chung với Hải quân Mỹ, tham gia các cuộc tập trận song phương và đa phương với hải quân các nước Đông Nam Á, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước ven biển – sẽ tác động có ý nghĩa đến cục diện Biển Đông trong thời gian tới./.

Người bình luận


 

NỔI BẬT TRANG CHỦ