• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Định vị thương hiệu nghệ thuật sơn mài Việt

16/06/2018 07:00

(Cinet) - Làm thế nào để nghệ thuật sơn mài tiếp tục được định vị và phát triển trong dòng chảy nghệ thuật Việt là vấn đề được đặt ra.

(Cinet) - Chất liệu sơn mài mang đậm tính độc đáo của người Việt nói chung, hội họa Việt Nam nói riêng. Sự trưởng thành của chất liệu sơn mài cũng song hành với sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt. Làm thế nào để nghệ thuật sơn mài tiếp tục được định vị và phát triển trong dòng chảy nghệ thuật Việt là vấn đề được đặt ra.

Bức tranh "Thiếu nữ trong vườn" của Nguyễn Gia Trí. Ảnh: BTMTVN

Dòng chảy của nghệ thuật sơn mài

Sơn mài có lịch sử lâu đời và đã được nghiên cứu, phát triển từ chất liệu sử dụng trong nghề thủ công truyền thống sang nghề thủ công mỹ nghệ và cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại, với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và khoa học. Với bề dày lịch sử đó, sơn ta – sơn mài là di sản vô giá của dân tộc. Dấu mốc đặc biệt đánh dấu sự ra đời của sơn mài tạo hình được hình thành từ khi có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với sự phát triển từ kỹ thuật làm sơn trên đồ mỹ nghệ sang kỹ thuật vẽ sơn tạo hình (tác phẩm nghệ thuật). Cùng với việc tiếp thu kỹ thuật vẽ sơn cổ truyền với những ưu điểm của chất liệu sơn ta, các họa sĩ đã thể nghiệm và nghiên cứu ra tranh sơn mài.

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Đinh Đạt

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam vào thập niên 1930 các cựu sinh trường Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu tìm tòi chất liệu sơn ta của Việt Nam để chuyển từ chất liệu vốn sự dụng trong trang trí và nghệ thuật ứng dụng thành một chất liệu tạo hình để sáng tác hội họa. Điểm rất đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam với sơn mài thế giới là các thế hệ họa sĩ Việt Nam đã cùng nhau nghiên cứu, tìm tòi và sáng tác những bức tranh bằng chất liệu sơn mài về cuộc sống, con người Việt Nam để thể hiện vào các tác phẩm nghệ thuật”.

Nguyễn Tư Nghiêm, Gióng, sơn mài, 1990. Nguồn: Cục MTNATL

Các họa sĩ vẽ tranh sơn mài truyền thống thường sử dụng vật liệu nội địa như sơn (từ Phú Thọ), vàng, bạc dùng để dát trên tranh do làng Kiêu Kỵ cung cấp cùng với chất liệu khác như nhựa cây, đất đá. Từ đó, chất liệu sơn mài Việt Nam đã trở thành một chất liệu độc đáo, khẳng định tiếng nói riêng, nét đặc trưng của hội họa Việt.

Nghệ thuật bao giờ cũng là sự phản ánh rõ nét và chân thực hoàn cảnh xã hội và văn hóa của một quốc gia. Từ 1975 đến nay, đặc biệt là sau năm 1986 sau chính sách đổi mới của nhà nước, văn hóa nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác có nhiều chuyển biến rõ nét, đối với nghệ thuật sơn mài cũng vậy, các họa sĩ Việt Nam đã không ngừng tìm tòi và có những đóng góp mới cho nghệ thuật sơn mài. Từ các cây đại thụ như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm..., ngày nay, các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam tiếp tục có những nghiên cứu tìm tòi để chất liệu sơn ta cũng như kỹ thuật sử dụng trong sơn mài có thể giúp họ sáng tác các tác phẩm mang hơi thở thời đại và nói tiếng nói của cuộc sống đương đại. Các nghệ sĩ như Nguyễn Oanh Phi Phi cũng có những nghiên cứu mới chất liệu sơn ta trong nghệ thuật sắp đặt và kết hợp với công nghệ để tạo nên những tác phẩm sơn mài đương đại.

Cần tôn vinh tranh sơn mài là giá trị văn hóa chứ không phải hàng hóa

Là một nhà nghiên cứu về tranh sơn mài từ truyền thống đến hiện đại, nhà nghiên cứu, phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đánh giá việc cây sơn đã được các họa sĩ Việt Nam chuyển từ mỹ nghệ sang mỹ thuật là bước nhảy vọt, bước quyết định quan trọng cho nền nghệ thuật tạo hình của Việt Nam.

Tác phẩm sơn mài Specula của Nguyễn Oanh Phi Phi, một trong những tác phẩm tham dự Singapore Biennale 2013. Nguồn: vanhoa.evn.com.vn 

Đặc biệt hơn, “Sơn mài của Việt Nam không chỉ đi từ mỹ nghệ sang hội họa mà đồng thời nó còn tiếp cận được khuynh hướng nghệ thuật đương đại. Hiện nay, rất mừng là các họa sĩ trẻ đã khám phá vẻ đẹp của sơn mài trong khuynh hướng mới. Đầu thế kỷ 20 sơn mài của chúng ta đã tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây, nhưng ở giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 sơn mài Việt đã tiếp biến các trường phái nghệ thuật phương Tây vào chất liệu Việt Nam” – bà Hải Yến cho biết.

Hơn 80 năm đã qua đi kể từ dấu mốc lịch sử nghệ thuật sơn mài khi các nghệ sĩ Việt nghiên cứu sử dụng nhựa sơn – chất liệu chuyên sử dụng trong nghệ thuật trang trí sang chất liệu sáng tác nghệ thuật hội họa. Hoàn cảnh xã hội và nghệ thuật hiện nay đang đặt ra câu hỏi làm thế nào để phát huy những giá trị cốt lõi của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, làm thế nào để tiếp tục khẳng định thương hiệu sơn mài Việt với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh sơn mài đang đứng trước nhiều thách thức.

Nhà giáo, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên chia sẻ, “Hiện nay bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang chứa kho sơn mài truyền thống rất đáng tự hào, tiêu biểu cho hội họa Việt Nam. Hội họa Việt mà không có tranh sơn mài thì theo tôi sẽ không có tiếng vang trên thế giới. Các thế hệ nối tiếp nhau tạo thành dòng sơn mài truyền thống của Việt Nam nhưng sau nhiều năm sơn mài bắt đầu xuống cấp, nhiều tác phẩm ô xi hóa. Nếu không tu bổ thì không thể giữ gìn bền vững được.”

Bên cạnh đó, các chất liệu cần thiết để sáng tác ra các bức tranh sơn mài cũng có nhiều thay đổi từ kỹ thuật làm vóc, làm bạc quỳ, vàng quỳ, đến sơn… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tác phẩm. Do đó, việc duy trì và phát triển nghệ thuật sơn mài Việt không phải là con đường dễ dàng.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến. Ảnh: Đinh Đạt 

Nếu Nhật Bản nổi tiếng với trường phái khắc gỗ, Trung Quốc nổi tiếng với tranh quốc họa trên lụa thì Việt Nam có tranh sơn mài trên gỗ. Vượt trên một loại hình nghệ thuật, tranh sơn mài cần được sự định vị thương hiệu một cách xứng đáng. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến đã đề cập là “phải trả lại đúng vị trí của sơn mài”. Để làm được điều đó, vấn đề cốt lõi vẫn bắt nguồn từ người nghệ sĩ.

“Tranh sơn mài muốn trở về giai đoạn “phồn vinh” còn cần nhiều yếu tố như: kỹ thuật, nguyên vật liệu, nhưng chủ thể của nó vẫn là người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ phải xác định được mình sáng tác tác phẩm để công chúng thưởng thức chứ không phải sáng tác tác phẩm thành hàng hóa. Quan trọng hơn, xã hội cần tôn vinh tranh sơn mài là một giá trị văn hóa chứ không phải là hàng hóa ” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nhấn mạnh./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ