• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đổ lỗi cho nhân viên, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhìn nhận vai trò nhận trách nhiệm của người đứng đầu

Giáo dục 31/10/2018 09:39

(Tổ Quốc) - Trong phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều ngày 30/10, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GDĐT: Luật trẻ em quy định quyền tham gia của trẻ em. Xin Bộ trưởng cho biết khi soạn thảo sửa đổi Luật Giáo dục có tham vấn ý kiến trực tiếp của trẻ em hay chưa? Và dự thảo văn bản quy định học sinh sinh viên bán dâm, có nội dung phản cảm. Vai trò nêu gương của người đứng đầu và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?

Đổ lỗi cho nhân viên, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhìn nhận vai trò nhận trách nhiệm của người đứng đầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ

Trả lời câu hỏi này trong phiên họp sáng ngày 31/10, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật về Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục, sau khi rà soát, Bộ đã báo cáo Chính phủ và trình UBTVQH, xét thấy luật liên quan đến mọi người mọi nhà nên đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi. Trước đó, Bộ đã đề nghị Sở xin ý kiến thầy cô, học sinh, sinh viên, phụ huynh và sau đó chúng tôi đề nghị lấy ý kiến rộng rãi. Đối với học sinh, sinh viên, nhất là học sinh THCS, THPT rất cần lấy ý kiến. Có thể các em không trực tiếp quyết định những vấn đề lớn nhưng thể hiện nguyện vọng ý kiến của các em. Bộ đã làm và tới đây làm thực chất hơn, phối hợp Trung ương Đoàn, để mong muốn của các em được thể hiện, từ đó các quy định sát hơn.

Liên quan đến dự thảo thông tư có nội dung "sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học", quy định trong văn bản Thông tư của ngành rất nhiều, chúng tôi đang rà soát văn bản từ nhiều năm gần đây thì có vấn đề này. Quy định về bán dâm được quy định từ lâu. Khi rà soát, chúng tôi đề nghị nội dung nào không phù hợp thì bỏ, sửa thì có nội dung này. Tuy nhiên, cán bộ thực hiện năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đưa lên mạng văn bản không chính xác dẫn đến dư luận có ý kiến. Tôi có chỉ đạo xử lý ngay. Với tư cách Bộ trưởng, tôi nghĩ không cần đưa vào Thông tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã có nhận định, hoan nghênh sự chỉ đạo của Bộ trưởng. Quy định nào không hợp lý, phản cảm thì phải sửa. Rút kinh nghiệm khi vấn đề như thế mà đưa lên mạng trong khi chưa bàn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đề nghị Bộ trưởng chú ý chỉ đạo ngay và các phương tiện thông tin đại chúng cũng không nên bình luận thêm về vấn đề này.

Chưa thấy thỏa đáng đối với phần trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ GDĐT: Tôi ngoài là Đại biểu Quốc hội còn là một phụ huynh học sinh, phụ trách công tác trẻ em và thấy lo lắng về nhiều vấn đề tiêu cực của ngành trong thời gian vừa qua. 

Tôi có hỏi về vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm nhưng tôi không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc đưa lên dự thảo về Thông tư mà chuyển trách nhiệm đó cho một cá nhân khác. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm, thừa nhận năng lực quản trị của bộ máy giúp việc của bộ máy quản lý của nhà nước về giáo dục có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động để có những giải pháp tích cực hơn. 

Q.N

NỔI BẬT TRANG CHỦ