Doanh nghiệp Việt cần có bài toán chiến lược mới đón được làn sóng FDI bền vững

(Tổ Quốc) - Theo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, cơ hội đón sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang rất lớn, tuy nhiên làm thế nào để nhìn nhận được bản chất của cuộc dịch chuyển vốn và đón sóng an toàn thì người trong cuộc cần tỉnh táo.

Cơ hội không phải dành riêng cho Việt Nam

Tại tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" tổ chức chiều ngày 30/6, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã nêu lên quan điểm và ý kiến đa chiều về bản chất của quá trình dịch chuyển vốn đầu tư FDI trong thời điểm hiện nay. "Thực tế dòng chuyển dịch đã bắt nguồn từ vài năm trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Cần lưu ý, xu hướng chuyển dịch là toàn cầu, trong đó có từ Trung Quốc chứ không hoàn toàn dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam", ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ. Do đó, cơ hội đang được chia đều cho các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar… chứ không riêng gì Việt Nam.

Nếu gọi vốn F1 là vốn từ Mỹ, châu Âu sang Việt Nam, vốn F2 là từ Trung Quốc sang Việt Nam thì việc đón vốn F1 sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn vốn F2. "Có dễ dàng bốc nhà máy đi ngay được không? Hiện giải thể một doanh nghiệp không thôi đã mất rất nhiều thời gian rồi. Còn thanh lý, còn bao nhiêu vấn đề khác, nên trong năm 2020 thì không chắc là dòng vốn từ Trung Quốc sẽ sang ngay mình" - ông Thắng phân tích.

Đón sóng dịch chuyển đơn hàng dễ dàng hơn dịch chuyển nhà máy

Không đơn thuần chỉ dừng ở việc đón dòng vốn đầu tư và tiếp tục trở thành thị trường gia công cho các doanh nghiệp FDI, vấn đề đang được đặt ra cho doanh nghiệp Việt là làm sao để đón nhận dòng vốn và hấp thụ được dòng vốn đó ở ngưỡng tốt nhất. "Khi vào Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia thường không muốn dây dưa về mặt pháp lý nên họ mong đợi sự hoàn thiện sẵn từ các đối tác Việt, trong khi đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt" - Ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp tham gia tọa đàm.

Doanh nghiệp Việt cần có bài toán chiến lược mới đón được làn sóng FDI bền vững - Ảnh 1.

Bài học thực tế từ chính quá trình đón vốn FDI của Sunhouse đã được doanh nhân Nguyễn Xuân Phú chia sẻ và thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp

Bài học nhãn tiền có thể thấy rõ trong thời điểm trước đây là việc Việt Nam đã phải trả giá đắt khi đón nhận dòng vốn FDI ồ ạt mà thiếu chiến lược phát triển bền vững dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, hoặc bị doanh nghiệp FDI trốn thuế... Lấy dẫn chứng từ chính doanh nghiệp của mình, ông cho rằng, trong giai đoạn đầu thu hút vốn FDI việc doanh nghiệp Việt chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó, doanh nghiệp cần học hỏi được về công nghệ, học cách quản trị sản xuất, thông qua sản phẩm để hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường. Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bền vững và có thể tự tin quay trở lại xuất khẩu hàng hóa cho chính những thị trường đó.

Thẳng thắn nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng dịch chuyển nhà máy là rất khó, thứ dễ nhất mà Việt Nam có thể đón được trong thời điểm hiện nay là việc dịch chuyển đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp FDI chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, các doanh nghiệp nội cũng cần có sự chuẩn bị cho tương lai để làm chủ về công nghệ, làm chủ dây chuyền sản xuất. Bởi theo ông, nếu không làm được điều đó thì Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế, là bến đỗ tạm thời mà thôi.

Doanh nghiệp Việt cần có bài toán chiến lược mới đón được làn sóng FDI bền vững - Ảnh 2.

Chỉ có tự chủ về công nghệ và dây chuyền sản xuất mới tạo nên nội lực vững bền cho doanh nghiệp Việt

Tự chủ sản xuất sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

Không ngần ngại chia sẻ về kinh nghiệm đã từng phải "nếm trái đắng" trong quá trình đầu tư nhà máy vi mạch khi gặp phải đối tác không uy tín, ông Phú khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng trong quá trình đón sóng đầu tư. Để tránh đi lại vết xe đổ ấy, Sunhouse đã chủ động thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, mời chuyên gia quốc tế tham gia vào quá trình nghiên cứu sản phẩm, đào tạo đội ngũ R&D chuyên môn cao... Đến nay Sunhouse có thể tự tin làm chủ dây chuyền sản xuất mới, nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt các nhà đầu tư quốc tế với cụm 8 nhà máy sản xuất trên tổng diện tích 100.00m2 . "Sunhouse hiện nay đã làm chủ nhiều dây chuyền công nghệ, có cả nhà máy vi mạch công nghệ cao, làm từ A đến Z các sản phẩm gia dụng" ông Phú cho biết. Thông qua buổi tọa đàm, vị Chủ tịch Sunhouse cũng mong muốn các nhà quản lý, nhà chức trách (đặc biệt là đội ngũ cán bộ địa phương) tạo điều kiện giúp đỡ hơn nữa các doanh nghiệp Việt để vượt qua những rào cản hiện tại, đón được làn sóng sản xuất, từ đó làm chủ được những công nghệ của nước ngoài.

Ánh Dương

Tin Cùng Chuyên Mục
Sắp khai mạc triển lãm ngành giấy, bao bì, điện, năng lượng, tự động hóa

Sắp khai mạc triển lãm ngành giấy, bao bì, điện, năng lượng, tự động hóa

Từ 08 - 10/5 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam – VPPE 2024 và Triển lãm quốc tế ngành Điện, Năng lượng, Máy móc Thiết bị công nghiệp, Tự động hóa Việt Nam lần 3 – EMA Vietnam 2024.
Tin mới