• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nhân nói gì về thách thức và cơ hội trước đại dịch?

Kinh tế 15/03/2020 15:07

(Tổ Quốc) - "Chúng tôi đã sẵn sàng hàng loạt phương án, kế hoạch hành động và điều chỉnh linh hoạt trong từng thời điểm. Ngay khi thị trường bắt đầu bình ổn thì doanh nghiệp sẽ dốc toàn lực để phát triển, bù đắp những thiệt hại vừa qua", bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC nói về tâm thế của doanh nghiệp trước những thách thức trong thời đại dịch.

Sẵn sàng nguồn lực

Chia sẻ về thách thức trong đại dịch, nhiều doanh nhân cho rằng khủng hoảng luôn là động lực kích hoạt sự thay đổi và muốn chống dịch hiệu quả, đầu tiên phải chống lại sự sợ hãi.

"Cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi khi làm tê liệt mọi giác quan của con người, tổ chức và nền kinh tế", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan ví von và cho rằng nếu chúng ta sợ thua rút hết về phòng vệ để không thủng lưới, sẽ không thắng. Vì thế, muốn thắng được trận bóng này, phải kết hợp chiến thuật vừa phòng thủ vừa phản công.

Đồng quan điểm này, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho hay, dù khó khăn nhưng bản thân doanh nghiệp cũng cần bình tĩnh và chủ động để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực ở mức thấp nhất, và chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó, điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm.  

"Khi thông tin về dịch xuất hiện, FLC vẫn nhất quán quan điểm là cần đảm bảo tối ưu về nguồn lực để vừa có thể ổn định hoạt động kinh doanh giai đoạn hiện tại, đồng thời chuẩn bị kỹ để đón đầu khi thị trường phục hồi trong thời gian tới", bà Dung nói.

Doanh nhân nói gì về thách thức  và cơ hội trước đại dịch?  - Ảnh 1.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn FLC.

"Trong nguy có cơ"

Nhận định dịch bệnh có thể là cơ hội để thúc đẩy các dịch vụ sản phẩm mới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng đây là lúc  doanh nghiệp nên "chuyển mọi thứ lên online, tăng cường chất lượng dịch vụ nội bộ".

Doanh nhân nói gì về thách thức  và cơ hội trước đại dịch?  - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, cơ hội nằm ở các lĩnh vực như xuất khẩu. Khi Trung Quốc hết dịch, nhu cầu cung ứng các mặt hàng của ngành nông nghiệp sẽ rất lớn, vì thế đây sẽ là ngành xuất khẩu chủ lực của kinh tế Việt Nam sau dịch bệnh. "Cần đầu tư mạnh cho xuất khẩu để thu lợi", ông nói thêm.

Còn theo bà Hương Trần Kiều Dung, muốn đón đầu hiệu quả các cơ hội nói trên, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn và kịp thời đang được Chính phủ triển khai quyết liệt như miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí; cơ cấu lại các khoản nợ…thì các giải pháp dài hạn cũng cần tích cực tháo gỡ ngay.

"Ví dụ như việc sửa đổi Nghị định 20 đang được giới doanh nghiệp vô cùng mong chờ. Dự thảo mới đây của Bộ Tài chính đã đề cập tới việc tăng trần chi phí lãi vay lên 30%. Nhưng một vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp đã nộp thuế theo mức 20% tại các kỳ tính thuế 2017, 2018 trước đó có được hồi tố hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ", bà Dung nói.

Theo bà Dung, tinh thần của Nghị định 20 là siết chặt quản lý để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế  vốn hay xảy tại khối doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là các doanh nghiệp nội, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong khi đây lại là những đối tượng có rất ít động cơ hay khả năng để chuyển giá.

Bà Dung kiến nghị cần xem xét điều chỉnh Nghị định 20 để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải bám sát tình hình doanh nghiệp trong nước, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Đối với thị trường BĐS, bà Dung cho hay phân khúc nhà ở xã hội đang có nhu cầu rất lớn theo tốc độ đô thị hóa của cả nước. Luật Nhà ở quy định hàng năm Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động từ các kênh khác để hỗ trợ người mua. Và 4 Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3-4% còn lại tự huy động 100% để cho vay.

Nhưng việc này thực tế vẫn chưa được triển khai tích cực, do đó cần nhanh chóng thực hiện chính sách này để hỗ trợ nhu cầu ở thực, đồng thời kích cầu huy động nguồn vốn trong dân.

Nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, môi trường đầu tư cũng được Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC nhấn mạnh, bởi theo bà Dung, cải cách thể chế là động lực quan trọng hàng đầu để khơi thông các nguồn lực. Nhiều văn bản, nghị định mới được ban hành gần đây như Nghị định 25 hướng dẫn về luật Đấu thầu hay văn bản về condotel của Bộ Tài nguyên & Môi trường có thể xem là những điểm sáng, nhưng vẫn cần những hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương có thể áp dụng triển khai ngay.

Bà Dung cũng kiến nghị cần xem xét cho người nước ngoài đầu tư vào sản phẩm nghỉ dưỡng, đặc biệt là căn hộ condotel để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam. Bởi về bản chất, sản phẩm này vẫn do chủ đầu tư đứng ra quản lý và triển khai kinh doanh như một dịch vụ thương mại khách sạn nên những lo ngại về an ninh khi người nước ngoài đầu tư là không có cơ sở.

Cùng chung quan điểm về vấn đề cải cách thể chế, ông Trần Bá Dương cho rằng cải cách môi trường đầu tư cần được triển khai đồng bộ trên tất cả các cấp.

"Các địa phương cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh", ông Dương nói.

Doanh nhân nói gì về thách thức  và cơ hội trước đại dịch?  - Ảnh 3.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco.

Những quan điểm và kế sách tích cực của các doanh nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp tư nhân ngày 12/3 mới đây.

Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng phải chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều mà những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn.

Doanh nhân nói gì về thách thức  và cơ hội trước đại dịch?  - Ảnh 4.

Thủ tướng gặp mặt các doanh nghiệp tư nhân ngày 12/3. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

"Dịch bệnh đang làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển và chính các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng chính trí tuệ, nghị lực của mình", Thủ tướng nhấn mạnh.

NỔI BẬT TRANG CHỦ