• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối đầu Nga, Iran: Mỹ chuyển hướng nước cờ Syria

Thế giới 02/11/2018 11:44

(Tổ Quốc) - Các nhà phân tích hàng đầu liên tục nói rằng Mỹ đã thất bại trong việc buộc Tổng thống Syria Bashar Assad từ bỏ quyền lực.

Gần đây, phóng viên và nhà nghiên cứu của tờ National Interest Doug Bandow đã khẳng định lại điều đó trong chuyến đi của ông tới Damascus. Ông cho rằng, "cuối cùng, cuộc xung đột đang dần hạ màn. Ông Assad đã thắng, và Washington đã thua, và cách tiếp cận của Mỹ đã là một thất bại lớn".

Đổi chiều con đường Syria

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump đang xem xét việc thay đổi định hướng chính trị hiện tại mà trước đây đã không dẫn đến bất kỳ thành công nào. Ngày nay, một chiến lược mới cho cuộc chiến ở Syria đã nhanh chóng được định hình. Theo Stratfor, một tổ chức phân tích tình báo địa chính trị Mỹ, thì Washington hiện tập trung vào việc rút quân đội Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran ra khỏi Syria, cũng như thay đổi chính phủ Syria hiện tại.

'Chiến lược chiến tranh' về Syria đặc biệt chú trọng tới cách tiếp cận của Nga và Iran. Tuy nhiên, Mỹ khó có thể buộc Moscow và Tehran rời khỏi Syria, vì các quốc gia này đang chính thức tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố theo lời mời của Tổng thống Syria. Với sự hỗ trợ của các đồng minh, Quân đội Ả Rập Syria hiện đang kiểm soát hơn 60% lãnh thổ và sẽ giải phóng vùng đất Idlib sớm, cùng với các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng thân cận với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối đầu Nga, Iran: Mỹ chuyển hướng nước cờ Syria - Ảnh 1.

Mỹ đang điều chỉnh chiến lược tại Syria. (Nguồn: South Front)

Theo cây viết Firas Samuri cho trang Global Research, cần lưu ý rằng Mỹ đã triển khai ít nhất mười căn cứ quân sự ở phía đông bắc Syria mà không được chính quyền Damascus chấp nhận. Các lãnh thổ này thuộc quyền kiểm soát của người Kurd và giàu tài nguyên thiên nhiên như khí đốt và dầu mỏ. Hơn nữa, vào tháng 9/2018, các lực lượng Mỹ đã bắt đầu thiết lập hai căn cứ quân sự bổ sung trong khu vực al-Qamishli ở tỉnh al-Hasaka.

Theo chiến lược mới, Washington dự định sẽ duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực bằng cách giải quyết hai nhiệm vụ cùng một lúc. Đầu tiên, nước này lên kế hoạch toàn quyền kiểm soát doanh thu dầu và khí đốt tại đây dành cho các tập đoàn Mỹ. Thứ hai, tiếp tục can dự cho đến khi cân bằng quyền lực tại Syria thay đổi.

Bên cạnh đó, cũng có thêm một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ nằm ở al-Tanf không xa biên giới giữa Syria với Iraq và Jordan và gần trại tị nạn al-Rukban. Firas Samuri cho biết, lực lượng đặc nhiệm SOF của Mỹ đang đào tạo các tay súng đối lập ở đó. Ban đầu, Lầu Năm Góc lên kế hoạch kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Syria, nhưng SAA được Iraq ủng hộ đã làm hỏng kế hoạch của Mỹ bằng cách nắm trong tay con đường kết nối phía tây Syria với biên giới Syria-Iraq ở phía bắc và nối tới al-Tanf.

Về tổng thể, Lầu Năm Góc kiểm soát khoảng 30% lãnh thổ ở đông bắc và miền nam Syria. 10% lãnh thổ Tây Bắc Syria nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh của Ankara.

Tính hiệu quả ván bài của Mỹ?

Hiện tại, một số chuyên gia Trung Đông đang hoài nghi về chiến lược mới của Hoa Kỳ tại Syria. Họ tin rằng các kế hoạch do Mỹ thiết kế sẽ không đủ hiệu quả khi Washington đã không thể lật đổ Assad trong nhiều năm xung đột. Cũng theo các nhà phân tích, việc nghĩ tới một kịch bản rằng cuộc chiến chống khủng bố cùng những nguy cơ đẩy Syria đi tới tình cảnh như Libya đã khiến người dân Syria củng cố niềm tin vào nhà lãnh đạo của họ. Firas Samuri cho rằng, xét cho cùng, nhiều người dân đã dừng việc tin vào các thông tin được Al-Jazeera và Al-Arabiya đăng tải – những bên được cho là có định hướng thân phương Tây.

Kế hoạch đẩy Iran ra ngoài Syria cũng khó có thể xảy ra. Washington chưa sẵn sàng đối đầu với Tehran ở đây và có khả năng sẽ tự giới hạn dừng ở các biện pháp kinh tế và ngoại giao.

Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng quân đội Mỹ sẽ rời khỏi Syria. Nhà Trắng sẽ không thực hiện bước đi đó. Nếu để điều này xảy ra, Washington có thể mất đi ảnh hưởng trong khu vực và các tập đoàn Mỹ sẽ bị tước đi thu nhập. Tổng thống Trump quan tâm đến việc đạt được các lợi ích kinh tế từ sự hiện diện của các công ty dầu mỏ ở phía bắc Syria. Do đó, còn quá sớm để nói về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria.

Hoa Kỳ sẽ rời khỏi quốc gia này chỉ khi ông Assad giành lại quyền kiểm soát Idlib và thiết lập đối thoại với người Kurd. Sự phát triển như vậy chỉ có thể nhìn thấy trong tầm nhìn dài hạn.

Đó là lý do tại sao nhiệm vụ cho quân đội Syria lúc này là tìm kiến biện pháp nắm quyền kiểm soát ở Idlib - hiện đang do Hayat Tahrir al-Sham, Huras al-Din và các nhóm cực đoan khác nắm giữ.

Các lực lượng chính phủ Syria đã chuẩn bị cho cuộc tấn công ở đây. Các hoạt động quân sự quy mô lớn sẽ bắt đầu nếu các chiến binh từ chối rời khỏi vùng đệm dưới sự bố trí của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ