• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối đầu thương mại Mỹ-Trung: mứt cam gây sức ép lên Bắc Kinh?

Thế giới 31/07/2018 13:57

(Tổ Quốc) - Tại sao Mỹ lại áp thuế lên các sản phẩm mứt hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc?

Theo tờ South China Morning Post, hơn một nửa số sản phẩm Trung Quốc chịu mức thuế bổ sung mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump - chỉ chiếm chưa đầy 1 triệu USD giá trị xuất khẩu của quốc gia châu Á sang Mỹ trong năm ngoái. Trong đó, mứt cam – món đồ ăn sáng quen thuộc tại nhiều gia đình phương Tây cũng là một nạn nhân “bất ngờ” trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Mứt cam nằm gần cuối danh sách 5.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Washington có kế hoạch áp thuế bổ sung 10% vào cuối năm nay. Trước đó, chính quyền ông Trump cũng đã công bố áp thuế 25% lên hơn 1.000 sản phẩm Trung Quốc

Quốc gia châu Á hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu đối với các mặt hàng hoa quả; đồng thời cũng là công xưởng của thế giới, chuyên gia công các sản phẩm đủ mọi kích cỡ và hình dáng cho người tiêu dùng ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà sản xuất mứt hoa quả của Trung Quốc lại không thành công lắm ở thị trường Mỹ.

Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong năm ngoái, sản phẩm mứt cam của Trung Quốc xuất sang Mỹ đã giảm một nửa, từ 25.070 USD còn 12.330 USD – chỉ chiếm chưa đầy 0,3% tổng giá trị các loại mứt cam nhập khẩu vào Mỹ năm 2017.

Các sản phẩm từ Pháp “thống trị” tới 1/3 thị trường mứt cam nhập khẩu vào Mỹ, với giá trị gần 1,4 triệu USD. Còn tổng giá trị nhập khẩu từ Canada, Ba Lan và Anh vào khoảng 1,8 triệu USD.

Mặc dù vậy, mức thuế bổ sung của ông Trump dự kiến sẽ còn áp dụng cho cả các loại mứt hoa quả khác nữa từ Trung Quốc, bao gồm dứa, cherry, dâu… Đáng chú ý, không một sản phẩm nào trong số này mà Trung Quốc nằm trong top 15 nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ.

Nhìn chung, tổng giá trị xuất khẩu mứt và thạch hoa quả của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2017 đạt mức 4,1 triệu USD, trong đó chủ yếu đến từ mứt mơ và thạch hoa quả không làm từ các loại dâu…

South China Morning Post đánh giá, nếu để đạt được mục đích gây sức ép tối đa lên Bắc Kinh, có vẻ như chính quyền ông Trump đã hơi quá “tùy tiện và thiếu sót” trong việc chọn lựa các sản phẩm Trung Quốc phải chịu thuế bổ sung. Rất nhiều trong danh sách này hầu như không có ảnh hưởng lên nền kinh tế Mỹ.

Hiện Nhà Trắng vẫn chưa có bất kỳ bình luận nào về vấn đề trên.

Trò chơi video không có tên trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế.

Theo một phân tích dữ liệu thương mại và hải quan Mỹ do South China Morning Post thực hiện, gần 32% trong số 7.000 sản phẩm Trung Quốc được cho là sẽ chịu mức thuế mới – có giá trị nhập khẩu trên mỗi mặt hàng chưa đầy 100.000 USD; khoảng một nửa danh sách có giá trị nhập khẩu trên mỗi mặt hàng ít hơn 1 triệu USD. Có hơn 800 sản phẩm thậm chí còn không được nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm ngoái.

Năm 2017, điện thoại di động – chủ yếu là iPhones do tập đoàn Đài Loan Foxconn lắp ráp tại các nhà máy hàng triệu công nhân ở Trung Quốc, đạt mức 44,5 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Ông Greg McKenna, một chuyên gia về chiến lược thị trường của AxiTrader tại Sydney nhận định, việc áp thuế là một “chiến thuật thương lượng” của chính quyền Trump để tìm kiếm sự cân bằng trong một môi trường thương mại mà họ cho là không cân bằng.

“Đây là một chính quyền tin vào chủ nghĩa phi thường kiểu Mỹ rằng, trong sân chơi thuế và tiếp cận công bằng, các công ty Mỹ có thể sản xuất nhiều hơn, bán nhiều hơn, vượt qua được và quan trọng hơn là trường tồn lâu nhất trong cuộc ganh đua với các nước khác”, ông McKenna nói. “Đó là một khát vọng về sự công bằng mà ngài Tổng thống đã đề cập tới ngay từ những ngày đầu tiên, nó phù hợp với cách nhìn của ông ấy là nước Mỹ thường bị đối xử thiếu bình đẳng và bị lợi dụng. Chỉ đơn giản và cũng khó khăn như vậy thôi”.

Nỗ lực để thu hẹp khoảng cách thương mại khổng lồ 350 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên tới 500 tỷ USD hàng hóa. Điều này đã khiến Trung Quốc nhiều lần “trả đũa” bằng cách cũng bắt các hàng hóa Mỹ phải chịu thuế.

Các mức thuế và biện pháp trả đũa của Bắc Kinh được cho là đã có ảnh hưởng không nhỏ tới một số doanh nghiệp của Mỹ.

Việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu đã góp phần dẫn đến tình trạng giảm doanh thu trong quý hai của tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Whirpool, sau khi giá thành vật liệu thô tăng nhanh. Mới đây, chính phủ Mỹ cũng công bố khoản viện trợ 12 tỷ USD cho các nông dân chịu tác động bởi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, có vẻ như Tổng thống Mỹ vẫn tỏ rõ quyết tâm của mình. Trong một cập nhật trên Twitter đầu tuần trước, ông tuyên bố: “Thuế quan là điều tốt nhất. Một quốc gia từng đối xử bất bình đẳng thương mại với Mỹ phải đàm phán một thỏa thuận công bằng, hoặc là sẽ phải chịu áp thuế. Chỉ đơn giản vậy thôi”.

Trong số tất cả các sản phẩm Trung Quốc bị ông Trump cáo buộc đã “ăn cắp công việc của người Mỹ” hoặc xảy ra tình trạng “thương mại bất bình đẳng”, thậm chí là “ăn cắp sở hữu trí tuệ” – không nghi ngờ gì, mứt cam là mặt hàng có nguy cơ thấp nhất.

Theo tổ chức Giám sát châu Âu Quốc tế, năm ngoái, người dân Mỹ tiêu thụ 993,9 triệu USD các loại mứt hoa quả; trong số đó có 131 triệu USD nhập từ nước ngoài. Mỹ cũng xuất khẩu 60,4 triệu USD các sản phẩm cùng loại sang các thị trường quốc tế.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ