• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối trọng Nga, hạt nhân Mỹ trở lại đầy “chấn động”

Thế giới 05/02/2018 15:15

(Tổ Quốc) - Niềm tin hạt nhân sau hiệp ước New START giữa Nga và Mỹ nay đã bị đảo ngược. Cuộc chay đua hạt nhân mới được cho là sắp bắt đầu.

Một hiệp định giữa Mỹ và Nga về việc hạn chế kho hạt nhân tầm xa ở mức thấp nhất kể từ đầu Chiến tranh Lạnh – Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) chính thức được gia hạn hiệu lực vào ngày 5/2 và kéo dài tới 2021.

Theo New York Times (NYT), khi kí kết thỏa thuận này 8 năm trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là một bước đi đầu tiên hướng tới việc cắt giảm sâu hơn, và cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Hiện tại, niềm tin này đã bị đảo ngược. Chính sách hạt nhân mới của chính quyền Trump – được công bố thứ 6 tuần trước – đã cam kết sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân để đối phó lại Nga. Dù điều này diễn ra trong khuôn khổ hiệp định trên, cũng đang chạm ngưỡng một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới - không chú trọng vào số lượng vũ khí mà dựa nhiều hơn vào chiến thuật và các công nghệ mới về hạt nhân.

Tổng thống Trump kêu gọi tăng cường sức mạnh hạt nhân. (Nguồn: NYT)

Văn bản từ Lầu Năm Góc đang mở ra một thời kì mới – trong đó các vũ khí hạt nhân đang hiện diện trở lại theo một cách thức đầy chấn động – tập trung vào các vũ khí hạt nhân sức công phá thấp. Động thái này được cho là điểm dừng cuối cùng sau 3 thập kỉ liên tục cắt giảm kho dự trữ hạt nhân.

Mỹ “rối rắm” sức mạnh hạt nhân Nga

Trong Thông điệp Liên bang tuần trước, khi kêu gọi Quốc hội hãy "hiện đại hóa và xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân", Tổng thống Trump không đề cập nhiều về Nga, thay vào đó, tập trung nhiều hơn vào Triều Tiên và chống khủng bố.

Tuy nhiên, khi công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã tuyên bố rằng "việc cạnh tranh với các cường quốc - chứ không phải khủng bố - giờ đây là trọng tâm chính của quân sự Mỹ".

Và trong Báo cáo hạt nhân mới nhất của Mỹ cũng đã tập trung mạnh vào Nga, nói rằng ông Putin đang gây sức ép buộc Mỹ phải xây dựng lại lực lượng hạt nhân. Văn bản này cũng đưa ra một cảnh báo về việc Nga đang phát triển một ngư lôi hạt nhân tự hành– điều không vi phạm New START- có thể vượt qua Thái Bình Dương mà không bị phát hiện, và có sức công phá bao trùm vùng biển phía Tây.

Mỹ cũng cáo buộc Nga đang vi phạm hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung INF và đang "phát triển các loại vũ khí tầm ngắn "lớn, đa dạng và hiện đại" hơn – điều không nằm trong quy định của New START.  

Văn bản trên dường như cũng bác bỏ cam kết trước đó của ông Obama về việc giảm kho vũ khí hạt nhân phòng vệ của Mỹ. Giới hạn đầu đạn hạt nhân của nước này (theo New START)– 1.500 đầu đạn có thể được huy động – sẽ hết hạn vào năm 2021. Và bản Đánh giá hạt nhân trên không cho thấy tín hiệu sẽ tiếp tục thực hiện theo giới hạn trên.

Bản báo cáo này nói rằng, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai là "khó hình dung" giữa một thế giới "được định hình bởi các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang muốn thay đổi biên giới và lật đổ các định chế hiện tại", đặc biệt là việc Nga đang vi phạm nhiều thỏa thuận hạn chế vũ khí.

"Các giả định trước đây rằng, khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của chúng tôi sẽ không còn cần thiết và chúng tôi có thể cho phép cơ sở hạ tầng hạt nhân “lão hóa” – là sai lầm". "Hiện tại, rõ ràng rằng, Mỹ phải duy trì đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân."

Mỹ bước trên con đường hạt nhân mới

Chính sách hạt nhân mới này đã nhận được sự hoan nghênh từ nhiều chuyên gia quốc phòng, bao gồm cả những người đã “rùng mình” trước lời đe doạ của ông Trump về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng ông Trump không đủ sức tập trung vào hiện đại hóa hạt nhân đối trọng với Nga.

Franklin C. Miller, một chuyên gia về hạt nhân, từng phục vụ trong chính quyền George W. Bush, là một cố vấn không chính thức cho Lầu Năm Góc và đã góp tay vào soạn thảo chính sách trên, nói: "Lý thuyết của Obama là chúng tôi sẽ dẫn đường trong việc giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân và mọi người khác cũng sẽ làm như vậy. Điều này đã cho thấy sự không hiệu quả. Người Nga tiếp tục triển khai các hệ thống của họ trong khi chúng tôi thì không. Và những hệ thống vũ khí hạt nhân mới đầu tiên của chúng tôi sẽ không thể sẵn sàng cho đến tận năm 2016 hoặc 2027".

Nói về tài liệu trên, ông Miller lập luận rằng, các loại vũ khí hạt nhân mới có sức công phá thấp sẽ ngăn cản được ông Putin và làm cho cuộc chiến tranh hạt nhân ít có khả năng xảy ra hơn.

Một quan chức chính quyền cấp cao, yêu cầu giấu tên, cho biết ông Trump đã được thông báo về phương pháp tiếp cận hạt nhân mới, nhưng đã để việc quyết định chi tiết cho ông Mattis và cố vấn an ninh quốc gia - Trung tướng HR McMaster. Tổng thống (Trump), quan chức này nói, chủ yếu quan tâm đến việc dẫn đầu trong cuộc chạy đua hạt nhân với Nga, và ở một mức độ thấp hơn là với Trung Quốc.

Ngay cả các nhà chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với ông Trump cũng thừa nhận rằng Hoa Kỳ phải có những bước đi khi Nga và Trung Quốc đang đầu tư vào việc hiện đại hoá lực lượng của họ. Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ nêu cụ thể sự tăng cường lực lượng của Nga, nói rằng Moscow "liên tục nâng cấp" lực lượng máy bay ném bom chiến lược, các tên lửa tầm xa trên biển và trên đất liền. Nga cũng đang phát triển "ít nhất là hai hệ thống tên lửa liên lục địa mới", cùng với các ngư lôi tự hành.

Lo ngại Nga – Mỹ đối đầu trực diện?

Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia chỉ trích văn bản trên.

Andrew C. Weber, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Obama, người từng chỉ đạo việc giám sát kho vũ khí hạt nhân Mỹ, đã gọi kế hoạch mới này là một sự điên rồ nguy hiểm khiến chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.

Một trong những yếu tố gây tranh cãi nhất của chiến lược mới là tuyên bố nêu rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một cuộc tấn công có sức tàn phá lớn, dù không phải hạt nhân, ví dụ như các cuộc tấn công vào mạng lưới điện hoặc điện thoại di động.

"Chúng tôi hiện đã đủ sức ngăn chặn mọi cuộc tấn công. Chúng tôi có rất nhiều loại vũ khí có sức công phá thấp. Kế hoạch mới là một cuốn tiểu thuyết được xây dựng tạo ra để biện minh cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân mới. Động thái này sẽ chỉ tăng khả năng sử dụng hạt nhân và dẫn đến các tính toán sai lầm."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ