• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đòn giáng Mỹ không ngăn Nga – Trung đột phá quân sự

Thế giới 10/11/2018 13:29

(Tổ Quốc) - Loạt thương vụ vũ khí mới giữa Nga và Trung Quốc cho thấy quan hệ song phương "đang gần hơn bao giờ hết", bất chấp các vòng trừng phạt về quân sự của Mỹ.

Triển vọng bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Moscow và Bắc Kinh ký kết nhiều hợp đồng vũ khí mới tại triển lãm hàng không lớn của Trung Quốc tại Zhuhai năm nay.

Mỹ nỗ lực ngăn hợp tác vũ khí Nga - Trung

Rosoboronexport – một công ty vũ khí lớn của Nga, cho biết họ đã ký thêm ba hợp đồng vũ khí với Trung Quốc trong quá trình tham gia Triển lãm hàng không Zhuhai - được tổ chức tại tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc và sẽ kéo dài đến Chủ Nhật tuần này.

"Rosoboronexport hy vọng rằng việc tham gia triển lãm sẽ tạo thêm động lực cho xu hướng tích cực trong quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự," tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev nói.

Đòn giáng Mỹ không ngăn Nga – Trung đột phá quân sự - Ảnh 1.

Triển lãm hàng không Zhuhai của Trung Quốc năm nay cũng đã cho thấy sự phát triển trong công nghệ quân sự và những khí tài tối tân của Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Vào tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc vì mua các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa từ Nga – điều vi phạm một đạo luật nghiêm khắc trừng phạt Moscow với cáo buộc can thiệp trong cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt này liên quan đến việc Trung Quốc mua máy bay chiến đấu SU-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa không đối không S-400 vào năm 2018. Trung Quốc đã đặt 24 chiếc Sukhoi-35, trong đó 10 chiếc được giao vào năm ngoái.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm một số hạn chế khác nhau, trong đó có lệnh cấm cấp phép xuất khẩu vũ khí và các giao dịch ngoại hối thuộc thẩm quyền của Mỹ.

"Chúng tôi thực hiện bước đi này, bởi vì Trung Quốc đã mua 10 máy bay chiến đấu của hãng Sukhoi, cụ thể là Su-35 vào tháng 12 năm 2017, sau khi CAATSA đã có hiệu lực. Họ cũng mua một số hệ thống tên lửa S-400 vào tháng Giêng năm nay", phía Mỹ cho hay.

Trung Quốc đã mua các máy bay phản lực và tên lửa trên từ Rosoboronexport – tập đoàn vũ khí bị đưa vào danh sách đen của Mỹ từ năm 2017 khi đạo luật có tên Đạo luật chống lại đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt CAATSA có hiệu lực.

Mỹ cũng đã ngăn Cục Phát triển Vật tư - cơ quan mua sắm vũ khí hàng đầu Trung Quốc và Giám đốc Cục này, Tướng Li Shang Fu để họ không xin được giấy phép xuất khẩu và tham gia vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Nga – Trung không chùn bước

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Rosoboronexport, Vladimir Kryuchkov, cho biết, còn nhiều giao dịch vũ khí Trung Quốc - Nga đang được thảo luận. Sự hợp tác cũng đã mở rộng từ việc mua vũ khí ban đầu sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, quan chức này nói.

Ông Kryuchkov cũng cho biết: "Nếu sự trừng phạt của Hoa Kỳ có ảnh hưởng đến sự hợp tác của chúng tôi với Trung Quốc, nó chỉ ảnh hưởng theo cách làm cho nó tốt hơn. "Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đang gần hơn bao giờ hết."

Ông Kryuchkov cũng cho biết, ông rất vui khi thấy sự cải tiến của Trung Quốc về công nghệ vũ khí trong nước và không cho rằng, những tiến bộ của nước này có thể làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Nga, như các động cơ máy bay quân sự - hiện đang chiếm một phần đáng kể trong xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc.

Những thương vụ mới nhất giữa Nga và Trung Quốc đã được Viktor Kladov- người dẫn đầu đoàn đại biểu Rosoboronexport đến Zhuhai – thay mặt cho tập đoàn công nghiệp quân sự Rostec, hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik đưa tin hôm thứ Ba. Chi tiết về các thương vụ này không được tiết lộ.

Kladov cũng cho biết Nga sẽ hoàn thành việc giao các máy bay chiến đấu Su-35 và các hệ thống phòng không S-400 vào năm 2020.

Nga cũng có thể thiết lập một trung tâm bảo trì cho các hệ thống tên lửa S-300 và S-400 ở Trung Quốc. Dmitry Shugaev, người đứng đầu Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga, cho biết thỏa thuận này là khả thi về mặt kinh tế, lưu ý rằng Nga đã xây dựng một trung tâm bảo trì cho các hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 ở Trung Quốc năm ngoái.

"Tôi rất hài lòng rằng bất kỳ nỗ lực nào của các nước thứ ba can thiệp vào quan hệ giữa hai nước chúng tôi đã không tạo ra hiệu quả như mong muốn và được Trung Quốc nhìn nhận là một yếu tố cạnh tranh không lành mạnh", ông Mikheev nói.

Đòn giáng Mỹ không ngăn Nga – Trung đột phá quân sự - Ảnh 3.

Trực thăng dân dụng cũng đang là mặt hàng Nga hướng tới các khách hàng dân sự. (Nguồn: SCMP)

Các công ty Nga cũng đang cố gắng thu hút các khách hàng dân sự. Trung Quốc đã mua 20 chiếc trực thăng hạng nhẹ Ansat của Nga làm phương tiện hàng không cứu thương và sáu máy bay trực thăng đa dụng hạng trung Mi-171A2.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ