• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dồn Nga vào chân tường, Anh “đột kích” chia rẽ nội châu Âu

Thế giới 22/03/2018 15:18

(Tổ Quốc) - Liệu Thủ tướng Anh có thành công trong việc kêu gọi một lập trường thống nhất của châu Âu nhằm đối phó với Nga?

Tờ Financial Times đưa tin, trong khi Thủ tướng Anh Theresa May đang rất nỗ lực nhằm giành được sự ủng hộ của toàn bộ châu Âu trước vụ việc một cựu điệp viên Nga bị tấn công tại Anh, một số nước đã bắt đầu tỏ ra “miễn cưỡng”, không muốn đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Anh muốn giành được sự đồng thuận từ châu Âu

Hôm 22/3, trong một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels, bà May dự kiến sẽ thuyết phục những người đồng cấp rằng, Nga là một mối đe dọa cho tất cả các nước EU, ngay cả khi Anh sẽ dừng việc đệ trình các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow.

Anh được cho là đang yêu cầu các nước EU khác trục xuất các nhà ngoại giao Nga, sau khi bà May tuyên bố, quyết định của Anh trục xuất 23 “quan chức tình báo ngầm” từ London đã làm gián đoạn mang lưới tình báo của Moscow.

Trong khi đó, một bộ trưởng của Anh cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng Anh tham dự World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga vào mùa hè này. “Nga đã tỏ ra là một kẻ thù chiến lược, không phải là một đối tác chiến lược,” một quan chức cấp cao của Anh nói. “Mối đe dọa Nga bất chấp mọi biên giới, và tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nó”.

Theo Financial Times, cuộc gặp thượng đỉnh của 28 nhà lãnh đạo EU sẽ là một phép thử quan trọng cho những căng thẳng nội khối về Nga, cũng như sức mạnh của London trước những quyết định lớn sắp tới liên quan tới Brexit.

Giới ngoại giao nhận định, một số quốc gia thành viên, đáng chú ý có Hy Lạp, đã tỏ ra e dè khi ủng hộ tuyên bố mà Anh, Pháp, Mỹ, và Đức đưa ra hồi tuần trước, trong đó coi Nga là thủ phạm đứng sau vụ tấn công chất độc thần kinh ở Anh. Hôm 4/3, cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal đã được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh nhân sự trên một băng ghế trong trung tâm thương mại tại thành phố Salisbury, Anh. London đang cố gắng thuyết phục Hy Lạp rằng, Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này.

Theo Financial Times, các quốc gia dường như không muốn đi xa hơn những gì mà các ngoại trưởng EU đã cùng tuyên bố trong tuần này, đó là: coi những nhận định của Anh về khả năng liên quan của Nga tới vụ tấn công tại Salisbury, là “đặc biệt nghiêm trọng”.

“Vấn đề là giọng điệu của tuyên bố,” một thành viên chính phủ nói với tờ báo Anh. “Không phải là họ nói ‘chúng tôi không đổ lỗi cho Nga chút nào’… nhưng không có đủ bằng chứng cần thiết để tỏ ra chắc chắn như vậy”.

Trong khi đó, một quan chức của Athens cho biết, sẽ là sai lầm nếu định hình trước về các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo. Người này cũng bổ sung, tuyên bố chung của các ngoại trưởng đã là “một thông điệp rõ ràng” từ EU. “Hy Lạp rất muốn thể hiện sự đoàn kết với Anh,” vị quan chức nói.  

Các nhà ngoại giao Nga và gia đình bị trục xuất khỏi Anh (ảnh: FT)

Một EU chia rẽ về Nga?

28 quốc gia thành viên EU có những lập trường khác nhau trong quan hệ với Nga; từ các nước Liên Xô cũ luôn được trong tình trạng “cảnh giác cao” về một âm mưu phục thù từ phía Moscow, cho đến những chính phủ theo trường phái “trung lập thực dụng”, không muốn đối mặt với những xung đột về cả chính trị hoặc kinh tế giữa EU và Điện Kremlin.

Ngày 21/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho thấy một cách nhìn đối lập với những gì mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vẫn theo đuổi. “Sau vụ tấn công Salisbury, tôi không còn tâm trạng chúc mừng Tổng thống Putin tái đắc cử,” ông Tusk nói. Nên nhớ rằng, trước đó, sau chiến thắng cách biệt tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 18/3, ông Putin lại đã nhận được lời chúc mừng của Chủ tịch Juncker.

Còn Ngoại trưởng Boris Johnson cũng hướng mũi dùi vào người đứng đầu Điện Kremlin khi tuyên bố, sự ủng hộ quốc tế với lập trường của Anh về vụ tấn công Salisbury đã “vượt rất, rất xa những gì mà chúng ta từng mong đợi”.

Khi được hỏi, liệu Tổng thống Putin có sử dụng World Cup 2018 như một biện pháp tuyên truyền cho nước Nga hay không – giống như trường hợp Phát xít Đức đã tận dụng Olympics 1936, ông Johnson nói: “Sự so sánh với năm 1936 chắc chắn là đúng đắn”.

Ngoại trưởng Anh cũng cho biết thêm, quan chức Anh tại Moscow chịu trách nhiệm cho vấn đề người hâm mộ World Cup, là một trong những nhà ngoại giao mới đây đã bị Nga trục xuất. Khoảng 24.000 cổ động viên Anh đã đăng ký mua vé World Cup 2018; tuy nhiên, con số này chỉ bằng ¼ so với số người đã đăng ký cho World Cup tại Brazil bốn năm trước đó. “Chúng tôi hiểu rằng các bước cần thiết đang được thực hiện để đảm bảo an ninh cho người hâm mộ bóng đá Anh,” ông Johnson cho biết. “Tại thời điểm hiện tại, đánh giá của chúng tôi là không có nguyên nhân nào cho việc tẩy chay [World Cup]”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ