• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đòn ngầm sau hậu trường Mỹ liên tục giáng trả Triều Tiên

Thế giới 09/10/2017 22:39

(Tổ Quốc) - Hơn 20 quốc gia đã cắt giảm các hoạt động ngoại giao hoặc giao thương với chính phủ Triều Tiên sau những nỗ lực kéo dài hơn một năm qua của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hơn 20 quốc gia đã cắt giảm các hoạt động ngoại giao hoặc giao thương với chính phủ Triều Tiên sau những nỗ lực kéo dài hơn một năm qua của Bộ Ngoại giao Mỹ - một dấu hiệu cho thấy những áp lực đằng sau hậu trường Mỹ đang thực hiện nhằm giải quyết một cuộc xung đột hạt nhân đang nổi lên.

Chiến dịch thầm lặng

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ theo đuổi một chiến dịch thầm lặng song hành với các lệnh trừng phạt của LHQ và đàm phán với Trung Quốc như: tiếp cận cả các cường quốc như Đức hay những nước nhỏ như Fiji với những yêu cầu rất cụ thể, đôi khi dựa vào lực lượng tình báo của Hoa Kỳ, để đóng cửa các cơ sở liên kết với nước ngoài của Triều Tiên.

Ví dụ, một quan chức Hoa Kỳ cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đích danh một khách sạn Triều Tiên hoạt động ở trung tâm Berlin mà họ cho biết đã gửi tiền cho chính quyền ông Kim. Vào tháng 5, Đức tuyên bố sẽ đóng cửa nhà nghỉ.

Khách sạn của Triều Tiên tại Berlin. (Nguồn: Reuters)

Các quan chức Mỹ cũng yêu cầu nhiều quốc gia đóng cửa các đơn vị kinh doanh thuộc sở hữu của chính phủ Triều Tiên, không cho các tàu Triều Tiên đăng kí, dừng các chuyến bay của hãng hàng không nước này và trục xuất các đại sứ Triều Tiên.

Mexico, Peru, Tây Ban Nha và Kuwait đã trục xuất các Đại sứ Triều Tiên sau khi Hoa Kỳ cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đang sử dụng các sứ quán của họ để vận chuyển hàng lậu và có thể là cả các thiết bị vũ khí trong các túi đồ ngoại giao để kiếm tiền cho nước này. Italy đã trở thành quốc gia mới nhất làm điều đó vào ngày 1/10.

Kuwait và Qatar, cùng các nước khác, đã đồng ý giảm số lượng lao động nhập cư từ Triều Tiên, theo các quan chức Mỹ và các nguồn tin thân cận với vấn đề này.

Các nhà ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Fiji thông báo cho LHQ rằng có tới 12 tàu của Triều Tiên hoạt động dưới cờ Fiji mà không được phép, theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Chiến dịch  này, theo các quan chức Mỹ, là để ông Kim thấy rằng, cho đến khi Triều Tiên còn phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, ông ta sẽ không tìm được nơi ẩn náu nào trước sự theo đuổi của Washington.

Bất đồng và sức ép gia tăng

Chiến dịch ngoại giao chống lại Triều Tiên đang gia tăng khi chính quyền của Tổng thống Trump- cùng với Liên Hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Bình Nhưỡng. Các động thái này cũng phản ánh những tuyên bố nóng bỏng giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên và ông Trump, người đã nói rằng tiến trình ngoại giao đã thất bại.

Lời đe dọa mới nhất từ ông Trump đến từ một tin nhắn trên Twitter thứ bảy tuần trước. "Xin lỗi, nhưng chỉ có một động thái sẽ hiệu quả", ông Trump viết.  Ngày 8/10, khi được hỏi rằng Tổng thống có ý gì trong thông điệp trên Twitter, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) Mick Mulvaney nói trên đài NBC rằng ông Trump "rõ ràng đang ra tín hiệu – điều này không phải là tin tức mới đối với bất kì ai - là các lựa chọn quân sự đang được xem xét với đối với Triều Tiên."

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Ron Johnson vẫn nói rằng ngoại giao là lựa chọn duy nhất để cắt giảm chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông nói rằng Hoa Kỳ nên khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh áp lực lên Bình Nhưỡng.  "Không có lựa chọn quân sự nào khả thi", ông Johnson, Chủ tịch ủy ban an ninh nội địa Thượng viện nói trên CNN.

Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ, do ông Tillerson dẫn đầu, đã nói rằng họ hy vọng ông Kim Jong un sẽ kết thúc chương trình vũ trang và tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ quân bị.

Khả năng thành công của tiến trình này đã trở thành một vấn đề gây tranh luận. Cuối tuần trước, ông Trump tweet rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã "lãng phí thời gian của mình" khi tìm kiếm khả năng đàm phán với Triều Tiên. Ông Tillerson sau đó đã tổ chức một cuộc họp báo bất thường để bác bỏ các thông tin cho rằng ông đang xem xét từ chức.

Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng không có áp lực nào có thể thuyết phục ông Kim giải trừ vũ trang do nhà lãnh đạo Triều Tiên xem chương trình hạt nhân và tên lửa là tấm vé sống còn của chính quyền, ông Bob Corker, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói trong một phiên điều trần gần đây.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Brian Schatz, cũng chia sẻ sự hoài nghi của Nghị sĩ Corker tại một cuộc điều trần gần đây về khả năng thành công trong chiến dịch ngoại giao.

Nghị sĩ Cộng hòa Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói rằng các chiến thuật áp lực mới cần thời gian để có hiệu quả, và nói thêm, về lâu dài, Triều Tiên sẽ thiếu các nguồn lực để tiếp tục chương trình tên lửa.

Tính “tất yếu” của sức ép ngoại giao

Nhiều quan chức Mỹ cho rằng Washington phải theo đuổi một chiến dịch gây sức ép, cả khi không thành công, bởi vì đây là cơ hội tốt nhất cho một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nhà Trắng đã từng nói rằng họ ủng hộ nỗ lực của Bộ Ngoại giao để tăng áp lực lên Bình Nhưỡng.

Chiến dịch sức ép trên đã trở thành một nền tảng cho chính sách của ông Tillerson về Triều Tiên. Ông thường yêu cầu các nhân viên của ông nêu cho ông những "yêu cầu cụ thể" mà ông có thể thực hiện về vấn đề Triều Tiên khi gặp gỡ các đối tác từ khắp nơi trên thế giới, theo các quan chức Mỹ.

Ông Tillerson đã đưa ra những yêu cầu này trong gần như tất cả các cuộc họp song phương trong những tháng gần đây và đã nhận được cập nhật hàng tuần về kết quả. Theo các quan chức Hoa Kỳ và cả các cựu quan chức Mỹ, Tillerson đã thúc đẩy chiến dịch này, được khởi động từ đầu năm 2016 sau khi chính quyền Obama nhận thấy Triều Tiên đã có bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy một loại vũ khí hạt nhân liên lục địa.

Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã đưa ra một bản đánh giá chi tiết về những lợi ích chính trị, kinh tế và quân sự của Triều Tiên trên toàn thế giới – các phái đoàn ngoại giao, các tàu chở hàng, đội ngũ lao động, mối quan hệ quân sự và nhiều thứ hơn nữa – một cựu quan chức Mỹ cho biết.

Tài liệu này được coi như bản danh sách các thực thể Triều Tiên sẽ bị Mỹ đề nghị các nước đóng cửa. Các nhà ngoại giao Mỹ bắt đầu kết nối điều phối hàng tuần với Hàn Quốc và hàng tháng với Nhật Bản, lập bản đồ chiến lược và so sánh các ghi chú về vấn đề này. Dù vẫn vấp phải nhiều sự phản đối nhưng rõ ràng là tiến trình này đang cho thấy những hiệu quả rõ rệt về việc cắt giảm số lượng các hoạt động kinh tế, ngoại giao của Triều Tiên tại nước ngoài.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ