• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Donald Trump và Tập Cận Bình – ai dẫn dắt cuộc chơi mới?

Thế giới 05/04/2017 14:07

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đã làm mọi cách để sớm có cuộc gặp Tập Cận Bình – Donald Trump.   

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung đầu tiên diễn ra ngày 6-7 tại lâu đài Mar-a-Lago của ông Trump bãi biển Palm Beach, bang Florida.

Chính quyền Donald Trump hiện nay đang tập trung vào những vấn đề đối nội “rối như canh hẹ”. Bộ máy đối ngoại chưa điền xong nhân sự. Tại Bộ Ngoại giao Mỹ giờ đây, các văn phòng có chức năng quyết sách (tương đương các tổng vụ, tổng cục) chỉ có các “quyền” chứ chưa có các trợ lý ngoại trưởng được tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn. Vì vậy, chính quyền Trump chỉ có giải pháp tình thế, chứ chưa có chủ trương, sách lược, chiến lược gì.

Chính quyền Trump có thể chờ, nhưng Trung Quốc không thể chờ. Đối với ông Trump, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung chưa chín muồi, nhưng ông Tập Cận Bình lại rất cần để trang trải nội bộ Trung Quốc.

Người Trung Quốc rất trọng thể diện: Cuộc gặp cần diễn ra và phải thành công vào năm Đại hội ĐCS Trung Quốc 19. Bắc Kinh trả giá vật chất để có cuộc gặp. Chủ tịch Tập Cận Bình được khuyên là khi gặp, chỉ nên cúi chào, mà không chủ động bắt tay, đề phòng việc Tổng thống Trump thất thường trong cử chỉ xã giao thường thức.

Theo giới quan sát, Trung Quốc chiều chuộng Trump và người nhà của tổng thống mới tới mức phê chuẩn 38 thương hiệu mới của tập đoàn Trump, mở đường cho đế chế kinh doanh của Trump làm ăn tại thị trường Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc tiến hành một số vụ giao dịch rất hời với con rể của Trump là Kushner.

Gặp có những nội dung gì?

Chính quyền Trump lợi dụng Trung Quốc, khai thác nguồn vốn và thị trường Trung Quốc nhằm phục vụ kịp thời chương trình ưu tiên cao của Donald Trump “Nước Mỹ trên hết”, trong đó giải quyết việc làm và cắt giảm thâm hụt ngoại thương với Trung Quốc, mở rộng việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Bắc Kinh đang cố gắng đáp ứng các lợi ích kinh tế của nước Mỹ và của gia quyến tổng thống với hy vọng đổi chác những lợi ích lớn hơn về mặt chiến lược ở châu Á.

Hai bên tiếp tục thương thuyết hiệp định đầu tư song phương (BIT), mà những cuộc đàm phán 8 năm dưới chính quyền Obama không mang lại kết quả. Mỹ có thể thực hiện một số thỏa hiệp nới lỏng việc kiểm soát công nghệ cao lưỡng dụng. Nếu BIT được ký, xuất khẩu và đầu tư của Mỹ sang Trung Quốc tăng lên, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng được đẩy mạnh tạo thêm nhiều việc làm ở Mỹ.

Trung Quốc cũng sẽ “gãi chỗ ngứa” của ông Trump, với các cam kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ. “Một vành đai, Một con đường” có thể kết nối tới Mỹ (!)

Triều Tiên là vấn đề nóng trong cuộc gặp lần này. Người Mỹ không phải không biết Bắc Kinh bị kẹt trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chỉ có ảnh hưởng hạn chế với Bình Nhưỡng và không có đòn bẩy gì đáng kể để kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng trong thời gian tới, khi chưa xác định được chính sách về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Washington vẫn cột trách nhiệm vào Trung Quốc, ép Bắc Kinh phối hợp chính sách về vấn đề hạt nhân Triều Tiên; nếu Trung Quốc thất bại, Mỹ có thể đơn phương tiến hành một số biện pháp cấp tiến, như đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Chính quyền Trump: thu hợi cứ thu lợi, kiềm chế cứ kiềm chế

Ông Tập cần có một lời khẳng định trực tiếp của ông Trump về chính sách  “một Trung Quốc”.

Giữa lúc này, Mỹ và Nhật Bản phối hợp một số bước đi nhằm nâng cấp quan hệ với Đài Loan. Ngày 22/3/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mời trưởng đại diện của văn phòng Đài Loan ở Washington dự một hội nghị của liên minh chống IS tại Washington. Trả lời câu hỏi về sự tham gia của Đài Loan trong hội nghị quốc tế này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Mỹ trân trọng mọi đóng góp của các thành viên liên minh “dù lớn hay nhỏ”. Nhưng Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã không tham dự.

Ngày 25/3/2017, Thứ trưởng Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản thăm Đài Loan, dự một cuộc gặp thúc đẩy du lịch Đài-Nhật. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cao cấp chính phủ Nhật Bản tới Đài Loan kể từ năm 1972, khi Nhật Bản cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Mỹ lợi dụng tình hình rối ren trên bán đảo Triều Tiên để triển khai THAAD. Triệu Linh Mẫn, một nhà bình luận có tiếng ở Trung Quốc, viết trên báo Financial Times phiên bản tiếng Trung, cho rằng “Quyết định của Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một thảm họa đối với Trung Quốc”. Ông này nói rằng, việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc phản ánh thất bại ngoại giao của Bắc Kinh và là một cái tát mà Washington giáng cho Bắc Kinh ngay trước chuyến đi Mỹ của Tập Cận Bình.

 Washington dường như cứ có lợi là làm, kiềm chế cứ kiềm chế. Nhưng nếu người Mỹ non tay thì cuối cùng người Trung Quốc sẽ dẫn dắt cuộc chơi Trung-Mỹ./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ