• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đông Bắc Á rối như canh hẹ

Thế giới 02/12/2017 13:18

(Tổ Quốc) - Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, ngày 29/11, đã làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á.  

Một cuộc họp kín tại Đại học Quốc phòng ở Washington diễn ra ngay sau vụ thử tên lửa, cho thấy Trung Quốc có dấu hiệu sẵn sàng hơn trong việc thảo luận về cách thức hai cường quốc thế giới sẽ giải quyết tình trạng khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết có cuộc đối thoại an ninh bất thường diễn ra vào thời điểm một phái đoàn Trung Quốc do Thiếu tướng Thiệu Nguyên Minh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đang thăm làm việc tại Mỹ.

Ngày 29/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị người đồng cấp Trung Quốc sử dụng mọi công cụ có thể để ngăn chặn các hành động của Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định, “Các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ được áp đặt đối với Triều Tiên ngay lập tức”. 

Ông Trump còn nhận xét trên mạng twitter rằng đặc phái viên Trung Quốc (mà ông Tập Cận Bình cử sang gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên) đã không mang lại kết quả gì.

 Liệu Donald Trump có thể giáng đòn "sấm sét" vào nhập siêu thương mại Mỹ-Trung?

Được biết, sau khi ông Tống Đào, đặc phái viên của nhà lãnh đạo Trung Quốc, có chuyến thăm 4 ngày đến Triều Tiên, Hãng hàng không Air China của Trung Quốc ngày 22/11 thông báo tạm ngừng các chuyến bay trên chặng Bắc Kinh - Bình Nhưỡng, cô lập thêm Triều Tiên.

Ngay sau chuyến thăm châu Á, chính quyền Trump đưa Triều Tiên trở lại vào danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố quốc tế. Nó cho thấy Mỹ không tin Trung Quốc cũng như Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Bất đồng với Trung Quốc gia tăng

Mỹ không tin vào các thủ đoạn của Bắc Kinh “dắt trâu qua rào” như tại cuộc gặp tại Florida hay vừa rồi ký hơn 250 tỷ USD khó dẫn đến đâu. Kể từ sau cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung tại Washington tháng 7 vừa rồi, Mỹ thiên về sử dụng biện pháp đơn phương để đối phó với Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng chính quyền Trump đang biến những chỉ trích gay gắt đối với thâm hụt thương mại từ phía Trung Quốc thành hành động áp đặt thuế bán phá giá, có thể khơi mào cho một cuộc “chiến tranh thương mại”.

Ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh, Mỹ áp đặt thuế chống phá giá đối với sản phẩm ván gỗ ép của Trung Quốc. Mới đây, lại áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn của Trung Quốc.

 Thép cuốn của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là đối tượng hàng đầu bị Mỹ áp đặt thuế chống phá giá

Trung Quốc điểm huyệt Mỹ

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đà Nẵng, ngày 11/11, hai bên thỏa thuận giải tỏa căng thẳng một năm qua sau khi Hàn Quốc để Mỹ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD).

Chính quyền Hàn Quốc đã nhượng bộ Trung Quốc khi đưa ra “3 không” - không xem xét triển khai thêm tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD), không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) của Mỹ, không phát triển quan hệ hợp tác an ninh Hàn-Mỹ-Nhật thành quan hệ đồng minh quân sự.

Đây là một sự nhượng bộ quân sự to lớn của Seoul để đổi lấy các điều kiện chính trị và kinh tế, tác động đến quan hệ an ninh quân sự tại khu vực những năm tới.

Về mặt kinh tế, theo Viện Nghiên cứu Hyundai, trong 16 tháng qua, “ngoại giao doghouse” của Trung Quốc gây thiệt hại cho giới kinh doanh Nam Triều Tiên. Doanh số bán hàng của Hyundai tại Trung Quốc giảm 64% trong quý II/2017 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Hệ thống bán lẻ Lotte tại Trung Quốc giảm 95%. Các tua du lịch bị cấm gây thiệt hại 15,6 tỷ USD năm nay.

Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc thỏa thuận ông Moon thăm Trung Quốc vào tháng 12 tới và Tổng thống Hàn Quốc mời Chủ tịch Trung Quốc sang Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận Olympics Mùa Đông tại Pyeongchang.

Quan hệ Trung-Nhật có chuyển động

Cũng tại Đà Nẵng, ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe thỏa thuận trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật.

Một đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản đang thăm Trung Quốc, được Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản hoan nghênh đà phát triển tích cực trong các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, cho rằng hai nước có thể đạt được lợi ích chung thông qua tăng cường hợp tác kinh tế và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở châu Á và trên thế giới. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng tin tưởng rằng năm nay và những năm tiếp theo sẽ có những cơ hội quan trọng để cải thiện và phát triển quan hệ Nhật-Trung, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai nước.

Như vậy, việc cải thiện quan hệ Trung Quốc với Hàn Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc để khỏi bị cô lập và thiệt hại kinh tế nếu Hàn Quốc chiếm thị phần của Nhật Bản, nhất là ô tô./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ