• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần, ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Văn hoá 27/01/2020 09:01

(Tổ Quốc) - Công tác văn hóa dân tộc trong những năm qua luôn được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Nhìn lại việc thực hiện triển khai công tác trong thời gian qua cũng như năm 2019, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự chủ động hơn nữa từ các địa phương - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc. Ảnh: Minh Khánh

+ Với cương vị là Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Bộ VHTTDL, xin cho biết một vài điểm nổi bật về việc thực hiện triển khai công tác dân tộc trong năm 2019?

- Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", những năm qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp, chỉ đạo các cấp ngành, địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc – chủ thể văn hóa. Qua đó, đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, trật tự, an toàn xã hội được ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương từng bước nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị xã hội và cộng đồng; căn cứ vào tình hình thực tiễn từng địa phương đề ra các giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn, làm cho di sản văn hóa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các dự án, đề án về bảo tồn, phát triển văn hóa tiêu biểu; huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí mua sắm, phục chế các loại hình văn hóa vật thể, trang phục dân tộc, mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một...

Trong năm 2019, công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đồng bào các dân tộc phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, lễ hội, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa lành mạnh, thuận lợi cho văn hóa các dân tộc phát triển, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Ngoài việc tổ chức lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người cho các dân tộc có số dân dưới 10 ngàn người, công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hoá, nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, kinh nghiệm nhằm đáp ứng các yêu cầu về nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn cả nước.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các Ngày hội giao lưu văn hóa, tiếp tục công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số. Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số cũng được Bộ VHTTDL quan tâm, góp phần bảo tồn, phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cả nước.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự chủ động hơn nữa từ các địa phương - Ảnh 2.

Ngày hội văn hóa dân tộc Thái toàn quốc lần thứ II được tổ chức thành công. Ảnh: Làng việt

+ Mặc dù đạt đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vẫn còn một số hạn chế, theo Vụ trưởng thì nguyên nhân do đâu?

- Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Thực tế cho thấy công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tốc độ phát triển kinh tế chậm, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và không tập trung, chủ yếu đồng bào sống xa trung tâm, tiếng nói, phong tục tập quán không giống nhau, cơ sở hạ tầng kém, trình độ phát triển không đồng đều, khoảng cách về mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa giữa các dân tộc, vùng sâu, vùng xa với đô thị còn chênh lệch cao. Hệ thống thiết chế và cơ sở vật chất nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc đưa văn hóa, văn nghệ đến phục vụ đồng bào các dân tộc tuy đã có cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đặc biệt phải kể đến sự giao thoa văn hóa diễn ra giữa các dân tộc đã khiến cho việc bảo tồn chưa kịp thời, chưa đáp ứng theo yêu cầu. Việc tiếp thu văn hóa mới thiếu chọn lọc nên ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của các dân tộc dẫn tới nguy cơ bị mai một, biến dạng.

Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực là người dân tộc, các nghệ nhân lâu đời ngày càng giảm dần, số còn lại rất ít. Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số thực sự đang đứng trước thách thức giữa bảo tồn và phát triển.

+ Được biết trong năm 2019, Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", xin cho biết mục tiêu Đề án muốn hướng tới là gì?

- Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Có thể nói, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số luôn là vấn đề mà những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu, đội ngũ các nghệ nhân trăn trở, bởi trang phục không chỉ đơn thuần là chuyện "mặc" mà còn là nét đẹp biểu trưng của đời sống văn hóa, tín ngưỡng, cũng như tiến trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Thông qua Đề án sẽ đáp ứng được mục tiêu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đồng thời, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc, từng bước đưa trang phục truyền thống gần gũi trở lại trong cuộc sống.

Từ nay đến năm 2030, Đề án sẽ được thực hiện qua nhiều giai đoạn, với mục tiêu phấn đấu hoàn tất việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khôi phục trang phục truyền thống của các dân tộc đã mai một. Tôn vinh các nghệ nhân ưu tú; nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống.

Bên cạnh đó, tổ chức các tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và Cách mạng công nghệ 4.0; Mở lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Xây dựng mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống; mô hình bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu trang phục truyền thống.

Đồng thời, tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam...; Xây dựng trang web giới thiệu quảng bá về trang phục truyền thống gắn với quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số. Cụ thể, đến năm 2022, phấn đấu 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 02 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội. Đây là những việc cụ thể, thiết thực để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa theo từng vùng miền, từng dân tộc phù hợp, đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu quả.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Cần sự chủ động hơn nữa từ các địa phương - Ảnh 3.

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

+ Để việc thực hiện công tác dân tộc đạt hiệu quả hơn, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào?

- Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung: Trước hết, phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Lãnh đạo Bộ về công tác dân tộc nói chung, về lĩnh vực văn hóa dân tộc nói riêng; cụ thể hóa Chỉ thị, Nghị quyết, các Đề án, Dự án đã được ban hành thành những chính sách, chương trình hành động cụ thể thiết thực.

Tiếp đến, tăng cường phối hợp với các cấp ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa dân tộc; Làm tốt công tác bảo tồn phát huy, phát triển các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật nói chung, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm rõ hoạt động văn hóa tại cơ sở trong việc thực hiện công tác văn hóa dân tộc; Nắm bắt tình hình vùng dân tộc miền núi về diễn biến tâm tư tình cảm, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, kịp thời có những chủ trương, chính sách cụ thể, hợp lý nhằm giải quyết có hiệu quả việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiết thực và hiệu quả.

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ