• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đồng bào Khmer Nam Bộ rộn ràng đón Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây

Văn hoá 16/04/2018 06:14

(Tổ Quốc) - Trong những ngày này, đồng bào Khmer Nam Bộ đã chuẩn bị nhiều hoạt động ý nghĩa để chào đón Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây. Nhân dịp này, các cấp chính quyền cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới cộng đồng người Khmer.

Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây là Tết có ý nghĩa quan trọng nhất trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Khmer. Trong suốt 3 ngày Tết, từ 14-16/4, đồng bào dân tộc Khmer đều đến các chùa Khmer trong khu vực để chiêm bái và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, đồng thời các chùa cũng tổ chức các trò chơi dân gian để bà con vui chơi, giao lưu, gặp gỡ nhân dịp Tết. Tại những vùng tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống, không khí Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây như rộn ràng hơn với nhiều hoạt động văn hóa của người dân vui chơi trong dịp Tết đặc biệt này.

Tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ các đoàn cán bộ đến thăm, chúc Tết đồng bào Khmer, các gia đình chính sách tiêu biểu người Khmer… cũng đã được tổ chức trong không khí vui tươi ấm áp.

 Chùa của người Khmer (ảnh: vov.vn)

Hòa chung không khí rộn ràng của ngày Tết Chôl-chnăm-thmây, người dân Khmer ở Trà Vinh rất phấn khởi bởi đời sống vật chất và tinh thần năm nay đã tốt hơn năm trước. Cùng với sự chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh cũng quan tâm và tạo điều kiện để đồng bào Khmer bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như các trường phổ thông Dân tộc nội trú và các điểm chùa đều tổ chức dạy Ngữ văn Khmer… Vào dịp Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây, Sen-đôn-ta, Ok-om-bok của đồng bào Khmer, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều tổ chức thăm hỏi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, chúc mừng chư tăng, phật tử; đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho bà con.

Chào đón Tết cổ truyền  Chôl-chnăm-thmây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Ngày hội Văn hóa- Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần thứ VIII, tại Chùa Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long với sự tham gia của đông đảo người Khmer và người dân trong tỉnh. Trong Ngày hội có nhiều hoạt động văn hóa, biểu diễn văn nghệ, trưng bày triển lãm hình ảnh về đồng bào Khmer… thể hiện rõ bản sắc văn hóa, tính quần chúng phong phú, sáng tạo của đồng bào Khmer, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, đồng thời là dịp để mọi người dân sinh sống ở trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự gắn bó, tình đoàn kết dân tộc.

Tại Bạc Liêu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đều duy trì việc tổ chức họp mặt nhân dịp Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây và tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây cho người dân nơi đây. Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến đồng bào Khmer trong tỉnh; ghi nhận những đóng góp của các chùa Khmer đã đồng hành, nỗ lực vì sự phát triển của quê hương. Hoạt động đặc sắc nhất trong dịp tết năm nay là chương trình mừng Tết Chôl-chnăm-thmây tại chùa Hòa Bình cũ, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật mang đến một cái nhìn toàn diện về sự vận động, phát triển của phum sóc Bạc Liêu hôm nay. Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh biểu diễn nhiều tiết mục nghệ thuật Khmer đặc sắc, thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức. Để tái hiện những giá trị văn hóa của tết cổ truyền, nhiều chùa Khmer tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu, làm bánh gừng, đua ghe… 

 Trao quà tặng nhân dịp Tết Chôl-chnăm-thmây (ảnh: baobaclieu)

Tại Cần Thơ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp mặt với các hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sư sãi, Achar, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, làm việc tại địa phương, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Hòa thượng Đào Như đã bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những hỗ trợ của thành phố Cần Thơ trong công tác chăm lo đồng bào Khmer trên địa bàn và cho biết, bên cạnh những hỗ trợ về vật chất, thành phố còn có những hỗ trợ to lớn về tinh thần, đặc biệt là các chính sách nhằm gìn giữ văn hóa dân tộc Khmer như đã thực hiện các chương trình đưa tủ sách, dạy chữ Khmer vào 12 chùa Khmer và các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn thành phố; hay việc Trung ương và địa phương hỗ trợ 4,6 ha đất cùng hơn 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ…

Người Khmer ở Kiên Giang phấn khởi đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây bởi năm nay mùa màng bội thu, đời sống ổn định, đồng bào đón Tết trong sự no ấm, hân hoan. Những ngày này, đồng bào Khmer ở huyện vùng sâu Gò Quao tề tựu về các chùa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, ngoài việc vui chơi, giải trí, bà con còn cùng nhau bàn bạc, trao đổi công việc mùa vụ, sản xuất. Tết cổ truyền cũng là dịp để đồng bào Khmer gặp gỡ người thân, họ hàng, bạn bè cùng nhau trò chuyện, nhắc nhở nhau đón Tết lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, cùng nhau đoàn kết thi đua yêu nước và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới…

Võ Vân (t/h)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ