Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Trong 3 trụ cột đối ngoại là chính trị - an ninh, kinh tế, ngoại giao văn hóa thì trong năm 2019, riêng ngoại giao kinh tế và văn hóa đã có những điểm nhấn lớn.

Đóng góp của ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế cho Việt Nam năm 2019

(Tổ Quốc) - Trong 3 trụ cột đối ngoại là chính trị - an ninh, kinh tế, ngoại giao văn hóa thì trong năm 2019, riêng ngoại giao kinh tế và văn hóa đã có những điểm nhấn lớn.

Chiến lược Ngoại giao Văn hóa của Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ quan điểm: Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất và ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại.

Đóng góp của kinh tế đối ngoại

Trong năm 2019, nền kinh tế của Việt Nam đạt những thành tựu rất nổi bật, thể hiện qua các con số như đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt mức xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, đạt mức 517 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua.

Đóng góp của ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế cho Việt Nam năm 2019 - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam năm 2019 đã có những khởi sắc.

Đó là sự đóng góp chung của cả nền kinh tế, trong đó có kinh tế đối ngoại, trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do. Bắt đầu từ đầu năm 2019, sau khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), từ tháng 1/2019 Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện cam kết trong CPTPP. Việc thực hiện CPTPP đã đóng góp những phần trăm nhất định vào thương mại của Việt Nam.

Chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, CPTPP chiếm 15% GDP toàn cầu, 15% giá trị thương mại toàn cầu. CPTPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang tính chất toàn diện, tiêu chuẩn cao và tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ giao thương giữa các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì được quan hệ với các nước có nền kinh tế mạnh, xuất khẩu lớn và tiếp tục thúc đẩy được thương mại của Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 tăng trên 24% so với 2018. Quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trên 105 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 8% so với năm 2018.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Đây là kết quả của nền kinh tế chung của Việt Nam, nhưng trong đó cũng có đóng góp của ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường và khai thác thị trường. Các Đại sứ quán, các nhà ngoại giao của chúng ta cũng tham gia vào việc quảng bá những thương hiệu, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp. Và như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói là có những "đại sứ xoài", "đại sứ thanh long" v.v... Đó là những đóng góp của ngoại giao kinh tế".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Các Đại sứ quán, các nhà ngoại giao của chúng ta cũng tham gia vào việc quảng bá những thương hiệu, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp. Và như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói là có những "đại sứ xoài", "đại sứ thanh long" v.v... Đó là những đóng góp của ngoại giao kinh tế.

Ngoại giao văn hóa đã thúc đẩy, quảng bá văn hóa

Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong thời gian vừa qua, ngoại giao văn hóa đã thúc đẩy, quảng bá văn hóa ra bên ngoài. Có lẽ nên nhắc lại một sự kiện mà chúng ta đã đưa thế giới đến Việt Nam, đưa Việt Nam ra ngoài bằng việc tổ chức các sự kiện. Đó là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều, một điển hình trong việc quảng bá qua Hội nghị. Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều chúng ta đã quảng bá Việt Nam, con người Việt Nam ra thế giới rất nhiều. Hàng nghìn phóng viên báo chí đã đến Việt Nam. Các hãng thông tấn lớn trong khi đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, họ đưa cả văn hóa ẩm thực, con người cũng như phong cảnh của Việt Nam ra bên ngoài. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có thể đưa được những hình ảnh văn hóa hay ẩm thực trên những chương trình ti vi lớn của thế giới như vậy. Sau sự kiện đó, rất nhiều người ở nhiều nước đã biết đến phong cảnh, văn hóa Việt Nam, tăng cường du lịch đến Việt Nam. Tất nhiên cũng còn có rất nhiều yếu tố khác, tuy nhiên, đó cũng là một yếu tố quan trọng.

Bức tranh ẩm thực đa sắc màu đón các phóng viên dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Đóng góp của ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế cho Việt Nam năm 2019 - Ảnh 4.

Các phóng viên, nhà báo đến Việt Nam đưa tin Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đã được đón tiếp nồng hậu. Ảnh: Toquoc.

Đã có hơn 3.000 phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27,28/2/2019 tại Hà Nội. Trong thời gian tác nghiệp tại Hà Nội, các phóng viên, nhà báo đã được thết đãi nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam như phở Thìn, bún chả, bún thang, xôi khúc, xôi Phú Thượng… Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội được nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" của UNESCO. Chính quyền, người dân TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã làm tất cả những gì có thể để đóng góp cho hội nghị, để xứng đáng với sự vinh danh đó.

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa cũng đã hỗ trợ việc tiếp tục đưa các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận như công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đóng góp của ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế cho Việt Nam năm 2019 - Ảnh 6.

Trong năm 2019, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa, nổi bật có thể nêu là Chương trình Tuần/ Ngày Việt Nam tại Nga và Trung Quốc; hoạt động vinh danh chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nga, Chile, Triều Tiên, Indonesia; Trại hè Việt Nam 2019 của UBNVNONN; Đại nhạc hội Việt- Nhật; cuộc thi tiếng hát ASEAN+3.... Qua đó, góp phần làm sâu sắc quan hệ hữu nghị với các nước, quảng bá rộng rãi hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, yêu hòa bình, cởi mở, cầu thị, môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, thu hút nguồn lực cho phát triển.