Động lực nào giúp thu hút dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng công nghiệp?

Minh Anh | 30-09-2020 - 13:33 PM

(Tổ Quốc) - Theo PSI, triển vọng ngành xây dựng hạ tầng công nghiệp được hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh các dự án hạ tầng, đầu tư công và lợi thế trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam hay việc hưởng lợi khi các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA đã có hiệu lực.

Chứng khoán Dầu khí (PSI) công bố báo cáo cập nhật Ngành Xây dựng với những điểm sáng ngành trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp.

Xây dựng hạ tầng, động lực hấp dẫn dịch chuyển dòng vốn đầu tư

Các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có triển vọng tăng trưởng tích cực nhất trong thời gian tới nhờ những biện pháp giúp đẩy nhanh đầu tư công vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ 04/2020, chính phủ cho phép chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh hơn.

Ngày 30/9/2020, Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai tổ chức 3 lễ khởi công dự án hình thành đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Động lực nào giúp thu hút dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng công nghiệp? - Ảnh 1.

Bên cạnh động lực giúp nền kinh tế hồi phục trong ngắn hạn, việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng là biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trong tương lai khi Việt Nam đang là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đặt nhà máy tại Việt Nam.

Sau khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định đối tác kinh tế (EPA), Việt Nam đã và đang từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã dự báo trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là điểm sáng giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics. Xét theo thu nhập, chỉ số LPI của Việt Nam cao nhất trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực Đông Nam Á1, Việt Nam đứng thứ 3 sau Singapore và Thái Lan.

Động lực nào giúp thu hút dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng công nghiệp? - Ảnh 2.

Theo bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI) đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên là (1) Triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam; Các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hạ Long. (2) Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông

Xây dựng công nghiệp, nhu cầu tăng trưởng nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam

Nhu cầu xây dựng các dự án công nghiệp dự kiến tăng trưởng trong thời gian tới nhờ nhiều yếu tốt hỗ trợ như: (1) Nguồn vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam trước ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, (2) Lợi thế của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công,...(3) Các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP bắt đầu có hiệu lực giúp thúc đẩy thương mại

Động lực nào giúp thu hút dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng công nghiệp? - Ảnh 3.

Xây dựng các dự án năng lượng sạch đảm bảo phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam

Theo Nghị quyết 55 – NQ/TW Định hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045  Một số nội dung trong nghị quyết 55 – NQ/TW như sau:

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 – 20% vào năm 2030 và 25 – 30% vào năm 2035

Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ điều tiết hệ thống. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tại thời điểm hiện tại, sản lượng điện tái tạo mới chiếm 4% tổng sản lượng phát điện, như vậy khối lượng công việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian sắp tới là rất lớn. Theo báo cáo "Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng" do Ngân hàng Thế giới thực hiện nêu rõ, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030.

Theo TS. Võ Trí Thành, ảnh hưởng tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế của nước ta ngày càng lớn. Đối diện với tình hình đó, Việt Nam cần phải nhanh chóng và thức thời trong những chính sách kích thích nền kinh tế. Trong thời điểm hiện tại, công tác tái cấu trúc nền kinh tế cần được chú trọng nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay đồng thời bắt nhịp được với các xu hướng cải cách, xu hướng phát triển công nghệ như: công nghệ 4.0, chuyển đổi số hay cách sống mới, bát kịp sự dịch chuyển chuỗi giá trị; sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM