• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch gắn với khoa học - SAVE Tourism đã bắt đầu hình thành và phát triển ở Việt Nam

Du lịch 09/09/2019 13:50

(Tổ Quốc) - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng SAVE Tourism (Scientific, Academic, Volunteer & Education tourism) được hiểu là một loại hình du lịch gắn với khoa học, học thuật, tình nguyện và giáo dục đã bắt đầu được hình thành và phát triển tại Việt Nam. Nhưng để làm bài bản, khoa học đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp, để SAVE Tourism thực sự phát huy hiệu quả trong hoạt động du lịch của Việt Nam.

Nền tảng du lịch quan trọng và sự phát triển trong thời kỳ mới

SAVE Tourism đang được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích phát triển. Đối tượng khách hướng tới của SAVE Tourism là những người có kinh tế, kiến thức, học thuật, tâm huyết có nhu cầu đóng góp công sức, tiền bạc và trí tuệ cho các điểm đến, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương ( các nhà khoa học, các nhà thiện nguyện, tình nguyện viên, sinh viên, học sinh...). SAVE Tourism, không chỉ là hoạt động du lịch thuần túy, đây còn là sự tương tác (hành động, trách nhiệm) của người đi du lịch đối với điểm đến.

IMG_2731

Khách du lịch tham quan vườn thanh long sạch tại Uông Bí - Quảng Ninh.

Xét ở góc độ loại hình (loại hình du lịch) SAVE Tourism được hiểu là một trong những nền tảng cho du lịch bền vững, du lịch cần được bảo vệ, du lịch có trách nhiệm. Một số chuyên gia về du lịch cho rằng, SAVE Tourism còn có thể được hiểu là du lịch tiết kiệm, du lịch bảo đảm hay du lịch thiện nguyện và tình nguyện...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) thì dù hiểu theo nghĩa nào thì nội hàm bản chất của SAVE Tourism chính là một trong những xu hướng phát triển bền vững để các nhà quản lý, hoạch định chiến lược, các công ty lữ hành khai thác, các điểm đến du lịch phát triển ổn định, dựa trên những nền tảng căn bản mà SAVE Tourism mang lại. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, SAVE Tourism là xu hướng để phát triển du lịch bền vững hiện nay và trong tương lai "Bất kỳ một quốc gia nào, một địa phương nào muốn phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm để bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn của mình thì đều phải quan tâm đến nền tảng phát triển du lịch, đó là những vần đề đặt ra của SAVE Tourism, một trong những nền tảng quan trọng nhất".

Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, SAVE Tourism đang được khuyến khích phát triển và thu hút được sự quan tâm của đông đảo thành viên trong xã hội. Nhiều giáo sư, viện sĩ hay các nhà khoa học, các tình nguyện viên đã đăng ký tham gia các tour du lịch theo kiểu SAVE Tourism. Mục đích của họ là được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tới cộng đồng - nơi mà họ sẽ tới.

Kết quả khảo sát trực tuyến dựa trên cơ sở dữ liệu thành viên của Gap Adventures, TIES và Planeterra cho thấy không ít người sẵn sàng chi trả cho các chuyến du lịch tình nguyện hàng tháng và đa phần họ đều chọn thời gian cho mỗi chuyến đi từ 1 - 2 tuần.

Du lịch tình nguyện đang dần phổ biến tại Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng cho hay, tại Việt Nam, du lịch tình nguyện đang dần phổ biến, thông qua các chương trình như du lịch sinh thái tại các vùng sâu vùng xa, với mục tiêu giúp người dân cải thiện cuộc sống bằng cách tạo ra công ăn việc làm, tiêu thụ các sản vật, quà lưu niệm hay sử dụng dịch vụ lưu trú (homestay)...

IMG_3051

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam.

Còn theo TS Trịnh Xuân Dũng (Trưởng bộ môn Du lịch, Trường Đại học Thăng Long): Nhiều năm nay ở Việt Nam, chúng ta vẫn thấy có các đoàn phượt. Các đoàn này chủ yếu là giới trẻ, có thể là sinh viên hay nhân viên văn phòng... Họ đi du lịch kết hợp với việc trao tặng quà cho trẻ em tại các vùng khó khăn hay lao động tình nguyện như khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, sửa chữa lớp học...."Đó cũng là một cách du lịch theo dạng tình nguyện hay có trách nhiệm - SAVE Tourism mà chúng ta đã nói tới".

Trở lại với bản chất của SAVE Tourism, Tiễn sĩ Nguyễn Đức Thắng cho rằng: "bản chất của SAVE Tourism là du khách bị thúc đẩy bởi mong muốn tham gia vào các hoạt động trải nghiệm du lịch liên quan đến sự tương tác chặt chẽ với thiên nhiên, văn hóa và con người bản địa theo cách nâng cao kiến thức cho chính họ hoặc cộng đồng dân cư. Đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự đóng góp cho điểm đến tốt hơn, khách du lịch SAVE Tourism sẽ đặt cao các giá trị về mặt tự nhiên, nhân văn và tuần thủ một cách tự nhiên các nguyên tắc của du lịch bền vững, có trách nhiệm, nên tại Việt Nam, việc áp dụng SAVE Tourism vào các điểm đến không phải là điều quá khó khăn"./.




Bài, ảnh: Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ