• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách

Văn hoá 02/07/2020 13:05

(Tổ Quốc) - Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách; Bình Định sẵn sàng cho cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2020; Phú Yên Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một đón Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh là những điểm tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh khu vực Duyên Hải Nam Trung bộ.

Đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách - Ảnh 1.

Không gian nghệ thuật cộng đồng thu hút đông đảo người dân. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách

Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch thành phố, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông thành phố Tam Kỳ tổ chức "Không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng" tại các địa điểm du lịch, công cộng và duy trì hoạt động biểu diễn nghệ thuật hàng tháng nhằm đưa loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người xứ Quảng đến gần hơn với nhân dân và du khách.

Mới đây, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông thành phố Tam Kỳ vừa ra mắt "Không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng" tại Quảng trường 24.3. Tại không gian văn hóa nghệ thuật này điễn ra hoạt động biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại như: bài chòi, bả trạo, dân ca, âm nhạc đường phố, võ thuật, ảo thuật…, trong đó chủ đạo là biểu diễn bài chòi, hát bả trạo.

Cùng với chủ trương đưa bài chòi ra phố, thành phố Tam Kỳ còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này thông qua duy trì, nhân rộng mô hình hoạt động của các câu lạc bộ bài chòi; Tổ chức đào tạo, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ; Xây dựng lộ trình đưa bài chòi vào các trường tiểu học và trung học cơ sở. Qua đó, góp phần bảo tồn, quảng bá nghệ thuật Bài Chòi - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân xứ Quảng.

Bình Định sẵn sàng cho cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2020

Thông tin trên báo Bình Định điện tử cho biết, hiện nay Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định đã chọn lọc 16 trích đoạn và tổ chức luyện tập để tham dự Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2020 do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức diễn ra vào tháng 8 tới.

Đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)

Cụ thể, đối với nghệ thuật Tuồng, có 09 trích đoạn dự thi bao gồm: Cao Hoài Đức rọi đèn, Lỗ Lâm đề cờ, Nhị khí Chu Du, Châu Thương gặp Quan Công, Chung Vô Diệm lột xác, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Nguyệt Cô hóa cáo, Lan Anh lạc đẻ, Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ.

Ở mảng dân ca kịch bài chòi, 07 trích đoạn tham dự Cuộc thi, đó là: Vạn Lịch ăn xin, Đồng đội, Vì nghĩa quên thân, Trạm Xá tiền phương, Đêm Phú Xuân, Tham vọng ngai vàng, Đứa bé tìm mẹ.

Phú Yên Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một đón Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh

Vừa qua, UBND huyện Sơn Hòa đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) – Thông tin trên báo Phú Yên điện tử cho biết.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một cho lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa và thị trấn Củng Sơn.

Đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách - Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa và thị trấn Củng Sơn nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một. (Nguồn: baophuyen.vn)

Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một là một sự kiện ghi đậm dấu ấn lịch sử của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiều 15/3/1975, địch rút quân chiến lược bắt đầu từ Kon Tum và Pleiku. Ngày 17/3/1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điện cho Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên thông báo toàn bộ địch ở Tây Nguyên đang rút xuống theo đường 7 và lệnh cho tỉnh Phú Yên điều động toàn bộ lực lượng địa phương tập trung tiêu diệt, không cho địch chạy thoát về Thị xã Tuy Hòa. Tiểu đoàn 96 được điều động lên Củng Sơn để phối hợp với Sư đoàn 320 đánh địch. Trưa 17/3/1975, một bộ phận quân địch đi đầu vượt Cheo Reo và đến thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Trong số này có lực lượng xe tăng địch co cụm tại Núi Một (thị trấn Củng Sơn). Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt địch, Tiểu đoàn 96 nổ súng đánh địch. Sau 25 phút chiến đấu, quân ta tiêu diệt tại chỗ 70 tên địch, bắn cháy 7 xe tăng M41, thu giữ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Đến 17 giờ cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn thế trận./.

Anh Vũ (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ